Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp thắc mắc của ông Hùng như sau:
Kiều hối là ngoại tệ do người Việt Nam công tác, lao động, học tập, định cư ở nước ngoài chuyển tiền một chiều về Việt Nam, thể hiện tình cảm, tấm lòng thơm thảo của người Việt xa xứ đối với gia đình, người thân, quê hương, đất nước. Kiều hối đang góp phần tạo thêm nguồn lực đáng kể cho nền kinh tế đất nước, giảm bớt sự mất cân đối trong cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hối, giảm sức ép tăng tỷ giá…
Nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài chuyển ngoại tệ về Việt Nam để giúp đỡ gia đình, thân nhân hay vì mục đích từ thiện khác trên cơ sở tôn trọng các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài, ngày 19/8/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 170/1999/QĐ-TTg về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước.
Theo đó, các hình thức chuyển ngoại tệ vào Việt Nam, đối tượng được phép nhận ngoại tệ do người Việt Nam ở nước ngoài chuyển vào và chi trả cho người thụ hưởng ở trong nước, quyền của người thụ hưởng kiều hối được quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 của Quyết định này.
Theo đó, người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài được chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam dưới các hình thức sau:
- Chuyển ngoại tệ thông qua các tổ chức tín dụng được phép;
- Chuyển ngoại tệ thông qua các doanh nghịêp cung cấp dịch vụ tài chính bưu chính quốc tế;
- Cá nhân mang theo người vào Việt Nam.
Cá nhân ở nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam có mang theo ngoại tệ hộ cho Người Việt Nam ở nước ngoài phải kê khai với Hải quan cửa khẩu số ngoại tệ mang hộ từ nước ngoài gửi về cho Người thụ hưởng ở trong nước.
Các đối tượng được phép nhận ngoại tệ do Người Việt Nam ở nước ngoài chuyển vào và chi trả cho người thụ hưởng ở trong nước gồm:
- Tổ chức tín dụng được phép.
- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính bưu chính quốc tế.
- Các tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước cho phép làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ hoặc tổ chức kinh tế làm đại lý cho tổ chức tín dụng thực hiện việc chi trả ngoại tệ ở trong nước.
Không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về
Người thụ hưởng có các quyền sau:
- Nhận bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam theo yêu cầu.
- Trong trường hợp nhận bằng ngoại tệ, người thụ hưởng có thể bán cho các tổ chức tín dụng được phép, chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân và được sử dụng theo các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối, gửi tiết kiệm ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép hoặc sử dụng vào các mục đích khác theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
- Không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về.
Tại Khoản 2, Điều 8 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 quy định, ngoại tệ của người cư trú là cá nhân ở Việt Nam thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều được sử dụng cho mục đích cất giữ, mang theo người, gửi vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được phép; trường hợp là công dân Việt Nam thì được gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép.
Theo Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối về việc chuyển tiền một chiều từ nước ngoài vào Việt Nam, người cư trú là cá nhân có ngoại tệ thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều được gửi vào tài khoản ngoại tệ, gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, rút tiền mặt để cất giữ, mang theo người, bán cho tổ chức tín dụng được phép lấy đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ khác, sử dụng cho các mục đích theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Thủ tục gửi và nhận kiều hối
Tại Việt Nam có rất nhiều tổ chức tín dụng có uy tín trong hoạt động Dịch vụ chuyển Kiều hối, tiếp nhận ngoại tệ do người Việt Nam ở nước ngoài chuyển về nước và chi trả cho người thụ hưởng. Chẳng hạn với Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam (VietinBank), người nhận tiền và người gửi tiền có thể làm theo hướng dẫn sau:
Đối với người nhận tiền ở Việt Nam: Để nhận tiền nhanh chóng và chi phí thấp, người nhận tiền nên sử dụng dịch vụ chuyển tiền vào tài khoản. Người nhận tiền có thể đến bất kì phòng giao dịch nào của VietinBank để mở tài khoản tiền gửi hoặc ATM, rồi cung cấp cho người gửi tiền chính xác số tài khoản của mình. Nếu không có tài khoản thì cung cấp cho người gửi tiền các thông tin chính xác, rõ ràng của người nhận tiền như: Họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, mã SWIFT của VietinBank: ICBVVNVX.
Khi được người gửi tiền cung cấp thông tin về cuộc chuyển tiền, người nhận tiền nên liên hệ ngay với bộ phận chuyển kiều hối của VietinBank để được hỗ trợ.
Đối với người gửi tiền ở nước ngoài: Lựa chọn hình thức gửi tiền phù hợp và thuận tiện nhất tùy theo nơi sinh sống. Cung cấp cho ngân hàng, công ty chuyển tiền chính xác, rõ ràng các thông tin của người nhận tiền: Họ tên, số tài khoản, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) và mã SWIFT của VietinBank: ICBVVNVX. Thông báo cho người nhận tiền các thông tin về món tiền đã chuyển như: số tiền, nơi chuyển, Mã số chuyển tiền (nếu được nơi chuyển tiền cung cấp). Nếu có thể, liên hệ trực tiếp với bộ phận hỗ trợ của VietinBank trước khi tiến hành chuyển tiền.
Theo hướng dẫn trên, người chị của ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ cần đến bất cứ ngân hàng nào thuận tiện ở nước ngoài gần nơi bà sinh sống (nên lựa chọn ngân hàng lớn, có uy tín) và cung cấp các thông tin cần thiết theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, điền vào phiếu chuyển tiền và thanh toán số tiền chuyển cùng với phí chuyển tiền.
Tại mỗi quốc gia có một hạn mức chuyển tiền ra nước ngoài riêng. Số tiền tối đa mà chị của ông Hùng có thể chuyển về Việt Nam phụ thuộc vào pháp luật nước sở tại và phụ thuộc vào quy định riêng của mỗi ngân hàng hoặc công ty chuyển tiền. Còn ở Việt Nam không có quy định giới hạn số tiền mà người nhận được thụ hưởng do người Việt Nam ở nước ngoài gửi về.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.