Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham gia trả lời chất vấn cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Quốc hội sáng 16/3 về vấn đề ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phía bắc thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: Không như sản phẩm công nghiệp, nông sản có chu kỳ thu hoạch và dù tình trạng như thế nào cũng phải tiêu thụ. Đây là điều khó nhất trong câu chuyện của nông sản và nông nghiệp.
"10 triệu hộ nông dân sản xuất với 10 triệu thửa đất, một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thì để kiểm soát, để tổ chức lại, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, không phải ngày một ngày hai," Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Để giải quyết căn cơ vấn đề tiêu thụ nông sản hiện nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần tổ chức lại sản xuất, hướng đến xây dựng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Muốn vậy, cần phải có 3 yếu tố.
Thứ nhất, phải tổ chức lại được sản xuất. Với thực trạng là một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát thì không cách nào khác là phát triển kinh tế tập thể để liên kết các đầu mối, thông qua hợp tác xã. Mọi thông tin truyền thông, định hướng, phổ biến chính sách… phải trực tiếp hơn. Đây là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời cũng là trách nhiệm của địa phương.
Thứ hai, phải tổ chức lại ngành hàng, vì mỗi ngành hàng không chỉ có ở một địa phương. Phải đưa vào một quỹ đạo thông qua các hiệp hội ngành hàng và hiệp hội doanh nghiệp, hình thành những liên minh để cùng đề ra những khuyến nghị, định hướng chiến lược chứ không thể là tư duy mùa vụ.
"Chúng ta không thể nào xây dựng thương hiệu nông sản khi tất cả không vào cuộc, phải quyết tâm đưa hình ảnh đẹp về nông sản của chúng ta tới các thị trường trên thế giới. Mặc dù đây không phải là chuyện ngày một ngày hai, nhưng chúng ta phải đi rồi thì mới có đến. Để chuyển từ tư duy sản xuất, xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là cả một hành trình thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy của hiệp hội ngành hàng, của doanh nghiệp, của người nông dân mà trách nhiệm trực tiếp là chính quyền địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ cung cấp những chiến lược chung, định hướng và tuyên truyền những chuẩn mực của thị trường", Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu.
Yếu tố thứ ba được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập là giá cả vật tư đầu vào và kéo giá đầu ra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã có rất nhiều phiên làm việc để có thể cân bằng được nguồn nguyên vật liệu chính cho nông nghiệp, nhưng thị trường thế giới cũng có độ trễ nhất định, không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai.
Gần đây có rất nhiều người nông dân ở Gia Lai, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Phúc… thay vì dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu thì đã dùng phân hữu cơ. Đây vừa là giải pháp trước mắt cũng là định hướng lâu dài để chúng ta bớt lệ thuộc, chuyển từ nền nông nghiệp thâm dụng phân, thuốc hóa học sang nền nông nghiệp hữu cơ hóa, nền nông nghiệp sinh thái.
Nguyễn Hoàng