Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo dự thảo, đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp được đăng ký và phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính như sau:
Nhóm 1: Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.
Nhóm 2: Đơn vị tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên.
Nhóm 3: Đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí).
Nhóm 4: Đơn vị do nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp).
Cơ chế tài chính
Tương ứng với 4 nhóm phân loại trên, dự thảo cũng quy định cơ chế tài chính đối với từng nhóm.
Về cơ chế tài chính đối với chi đầu tư phát triển, khi xây dựng quy hoạch phát triển và dự án đầu tư, đối với đơn vị thuộc nhóm 1: Căn cứ vào chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch phát triển và dự án đầu tư; báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, theo dõi, giám sát.
Đối với đơn vị thuộc nhóm 2, nhóm 3 và nhóm 4: Căn cứ vào quy hoạch phát triển được duyệt, tình hình thực tế về cơ sở vật chất, thiết bị của đơn vị, các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, đơn vị lập và trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp theo quy định của pháp luật.
Về nguồn vốn chi đầu tư phát triển, đối với các đơn vị thuộc nhóm 1 bao gồm: Vốn tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Vốn vay các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) theo quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có); vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật: Đơn vị chỉ được huy động để đầu tư cho các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phương thức trả lãi với lãi suất thỏa thuận, tối đa không quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay; quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị; các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật. Dự thảo nêu rõ, khi cần khuyến khích phát triển kỹ thuật, công nghệ mới, Nhà nước có quyền yêu cầu đơn vị tham gia thực hiện và hỗ trợ vốn đầu tư theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tài sản sau khi kết thúc dự án được Nhà nước giao cho đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định.
Đối với các đơn vị thuộc nhóm 2, nhóm 3 và nhóm 4, Nhà nước bảo đảm vốn đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để đơn vị có đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao; nguồn vốn đầu tư từ: Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước; vốn trái phiếu Chính phủ; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO); nguồn xổ số kiến thiết và các nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương; quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đối với chi thường xuyên, theo dự thảo, đối với các đơn vị thuộc nhóm 1, nhóm 2 được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi từ đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về việc quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí thực hiện học bổng chính sách, trợ cấp xã hội, chính sách miễn, giảm học phí và các chế độ, chính sách khác cho học sinh, sinh viên diện chính sách học tập tại đơn vị theo quy định của pháp luật; ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí đối với các nhiệm vụ do Nhà nước giao theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Đối với các đơn vị thuộc nhóm 3, ngoài việc hỗ trợ để thực hiện các nội dung như đối với đơn vị thuộc nhóm 1,2 thì ngân sách nhà nước còn hỗ trợ một phần chi thường xuyên do thu không đủ giá, phí dịch vụ sự nghiệp công.
Đối với các đơn vị thuộc nhóm 4, thực hiện các nội dung như nhóm 1, 2. Đồng thời, ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động thường xuyên của đơn vị để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Thanh Hoài