• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

50 năm – Những mốc lịch sử ASEAN nhìn từ Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Ngày nay trong thế giới hội nhập và toàn cầu hóa, nửa thế kỷ của một quá trình phát triển tuy chưa dài lắm nhưng không phải là ngắn ngủi, nhất là chặng đường nhiều sóng gió của một liên minh khu vực ở nơi tiếp giáp hai đại dương (Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương) vốn có nhiều bão tố, như Đông Nam Á giữa vị trí địa chính trị của các cường quốc Đông-Tây. Phải chăng những mốc lịch sử sau đây định vị hành trình 50 năm ấy?

02/08/2017 19:00

Lãnh đạo các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 ở Manila, Philippines ngày 29/4/2017. Ảnh
Ra đời trong bão tố chiến tranh (1967)

Vào lúc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ra đời, chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đang leo thang và lan rộng, bom đạn ngày càng ác liệt và tin tức về những cuộc hành quân phản công tìm diệt nhan nhản hằng ngày trên báo chí Đông Nam Á. Cuộc đối đầu giữa một bên là đội quân viễn chinh hơn nửa triệu người chưa từng biết thua hay hòa trong cuộc chiến nào, có thêm quân đội của 6 lực lượng đồng minh, với một bên là nhân dân Việt Nam với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” vì hòa bình thống nhất Tổ quốc - làm cho cả Đông Nam Á và nhiều khu vực khác lúc bấy giờ lo lắng về sự lôi cuốn của chiến tranh, nhất là khi chưa ngã ngũ về thắng bại chung cuộc.

Chính trong tình trạng đó, các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines càng thấy cần phải thể hiện tinh thần đoàn kết, cần phải hợp tác chống tình trạng bạo động và bất ổn tại các nước trong khu vực. Khi tuyên bố Bangkok ra đời (8/8/1967), thì một liên minh chính thức đã xuất hiện với nội dung hợp tác khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội (không còn là một liên minh tạm thời giữa ba nước Philippines, Malaysia, Thái Lan từ năm 1961 nữa). Khác với các tổ chức liên minh đương thời (NATO 1949, ANZUS 1951, SEATO 1954, CENTO 1955) ra đời đều có vai trò của Mỹ là người cầm trịch, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) buổi đầu ấy chỉ 5 nước đại diện cả Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo tự tìm đến nhau, giữa lúc chiến tranh và vai trò ảnh hưởng của đế quốc toàn cầu đang gây bão tố ngay trong khu vực Đông Nam Á.

Bước ngoặt kết thúc chiến tranh Việt Nam (1975)

Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam tất yếu phải kết thúc với Hiệp định Paris (1973) và kết thúc hoàn toàn vào năm 1975, mở ra bước ngoặt mới cho ASEAN. Như được cởi trói và tự do sau khi thoát khỏi quỹ đạo chiến tranh của Mỹ, nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có toàn bộ thành viên ASEAN đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay trong năm đầu tiên sau Hiệp định Paris (Malaysia 3/1973, Singapore 8/1973) hoặc ngay sau chiến tranh (Philippines 7/1976, Thái Lan 8/1976).

Nhưng sự kết thúc chiến tranh của nước lớn này lại tiếp đến chiến tranh của nước lớn khác. Có thể trong những năm chiến tranh trước đó (nhất là 1965-1973), một số nước còn ngộ nhận về cái bóng ảo “sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản” xuống vùng Đông Nam Á; nhưng sau năm 1975 lại có một số nước khó nhận diện về một thực tế nguy cơ nạn diệt chủng và chiến tranh bùng lên ở chính giữa Đông Nam Á. Những cuộc chiến tranh ác liệt xâm lấn biên giới Việt Nam tuy không liền lạc như chiến tranh xâm lược thực dân mới trước đây, nhưng không kém phần tàn bạo và dai dẳng (từ 1977-1989). Việt Nam buộc phải trở thành chiến trường chính như trước, với nhiều tổn thất lớn để giải quyết dứt điểm cái ung nhọt nạn diệt chủng kia và cứu dân tộc bạn hồi sinh. Và lần này chiến tranh biên giới ở Việt Nam không chỉ giúp cho cả Đông Nam Á một lần nữa thoát nạn chiến tranh, mà còn đồng thời giúp cho toàn Hiệp hội ASEAN có hòa bình thực sự với triển vọng sáng rõ hơn về sự phát triển mở rộng của mình.

Mở rộng trọn khối, tạo dựng ASEAN và kết nối (1995-1999)

Từ ASEAN 5 mở rộng thêm 1 nước thành ASEAN 6 phải mất 17 năm (1967-1984), nhưng khi có Việt Nam tham gia thì từ ASEAN 7 đến ASEAN 10 chỉ mất 4 năm (1995-1999). Trong 32 năm ASEAN chuyển từ hai khối nước thành trọn một khối, liền từ lục địa đến hải đảo, không còn khoảng trống trong khu vực, không có quốc gia nào trong khu vực không gắn bó với ASEAN (Papua New Guinea là quan sát viên và Timor Leste là ứng viên).

Trên nền tảng trọn một khối và liền mạch như vậy, ASEAN trở thành liên minh khu vực có nhiều bên đối tác nhất trên thế giới với cơ chế hợp tác liên kết ASEAN khá linh hoạt: Năm 1994 bắt đầu Diễn đàn khu vực ASEAN 17 bên đối thoại hợp tác (ARF) nhằm xúc tiến hòa bình, an ninh qua đối thoại và hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương. Năm 1996 hình thành Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) giữa ASEAN Liên minh châu Âu Ủy ban châu Âu một số quốc gia châu Âu và châu Á khác. Năm 1997 thực hiện ASEAN 3 đối tác Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), sau đó là ASEAN 3 đối tác Nam Á (Australia, Ấn Độ, New Zealand). Hiện ASEAN có nhiều bên đối tác và đối thoại thường xuyên, cùng nhiều hợp tác với các tổ chức quốc tế và Liên Hợp Quốc.

Chung biển-chung sức-chung lòng (2002)

Không gian ASEAN có diện tích đất liền 4,46 triệu km2 (chiếm 3% diện tích Trái đất), nhưng diện tích biển rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, trong đó rộng nhất là Biển Đông (trên 3,5 triệu km2). Nhiều quốc gia ASEAN có thể không chung biên giới đất liền, nhưng chung biển, trong đó một nửa ASEAN là láng giềng Biển Đông (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Bruney); Lào không có biển nhưng sử dụng Biển Đông qua cảng ở Việt Nam; 3 quốc gia có vịnh Thái Lan thông với Biển Đông là Campuchia, Thái Lan, Singapore. Vì vậy có thể coi Biển Đông là biển chung của ASEAN-biển ASEAN.

Biển Đông đã và đang là một trong những nơi có quyền lợi chung của ASEAN, đồng thời cũng là một trong những vấn đề lo ngại chung của toàn khu vực. Chung biển sẽ chung sức và chung lòng, năm 2001 tất cả 10 quốc gia ASEAN cùng ký với Trung Quốc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); nay ASEAN đang cùng Trung Quốc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Xây dựng cộng đồng ASEAN (AC) (2015)

Ngày 22/11/2015, lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về thành lập Cộng đồng ASEAN (AC). Từ “Tầm nhìn ASEAN 2020” (1997) với mục tiêu thành “một nhóm hài hòa các dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau”; đến quyết định 2003 xây dựng Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh, Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa-Xã hội; và quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN (2007), ASEAN phải trải qua 18 năm để trở thành “Cộng đồng ASEAN (AC) trong Cộng đồng các Quốc gia Toàn cầu”.

AC trở thành tổ chức liên minh chính phủ vững mạnh, nhưng không phải là siêu quốc gia, mà là một cộng đồng mở, luôn mở rộng hợp tác, liên kết, chia sẻ với tất các nước trên nhiều khu vực. AC cần xây dựng lập trường, quan điểm chung trong việc hợp tác ứng phó với các vấn đề toàn cầu, nâng cao vai trò, tiếng nói của ASEAN tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)… AC đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào quá trình duy trì môi trường hòa bình, ổn định phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới.

ASEAN có những thăng trầm lịch sử, nhưng hành trình nửa thế kỷ ấy đủ để chứng minh sự bền vững của một mô hình liên minh khu vực thống nhất trong đa dạng, năng động nhất hành tinh này - một liên minh các quốc gia gắn bó, hợp tác để giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng hòa bình và có tiếng nói chung trên các diễn đàn thế giới.

Hà Minh Hồng

Một công dân ASEAN từ Việt Nam