• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

62 đội viên của Yên Bái và Sơn La tốt nghiệp lớp bồi dưỡng làm Phó Chủ tịch xã

(Chinhphu.vn) - Sau hơn 3 tháng tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức dành cho các Phó Chủ tịch xã tương lai, tại Lễ bế giảng ngày 18/2 tổ chức tại tỉnh Sơn La, 100% đội viên (62) của tỉnh Sơn La và Yên Bái đã được công nhận tốt nghiệp, với 71% đội viên đạt loại khá, giỏi.

20/02/2012 11:44

Điểm chung ở các đội viên lúc này là niềm tin và tinh thần quyết tâm, khát khao cống hiến, mong muốn làm được những công việc thiết thực cho người dân địa phương, đóng góp xây dựng địa phương phát triển kinh tế -  xã hội.

Học tiếng dân tộc để hòa nhập

Đội viên Mai Nam Châm - Ảnh: Chinhphu.vn

Trong lớp học, đội viên Mai Nam Châm có lẽ là thành viên đến từ nơi xa nhất, Hóc Môn - Thành phố Hồ Chí Minh. Châm tốt nghiệp trường ĐH Nha Trang - chuyên ngành Công nghệ thông tin.

Trước khi đăng ký tham gia dự án, Châm đã có thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng/tháng khi công tác trong lĩnh vực xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh, song với mong muốn được đi và cống hiến sức trẻ cho vùng khó khăn, Châm đã mạnh dạn đăng ký đến phục vụ tại xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Đến đây, Châm mới biết, những khó khăn ở xã vùng cao Hua Nhàn thật khác xa so với tưởng tượng của mình. "Để lên xã, đường giao thông chỉ thuận lợi vào mùa khô, đến mùa mưa, đi bộ còn khó chứ chưa nói tới đi xe", Châm nói. Thêm vào đó, 100% đồng bào là dân tộc Mông, Châm cũng chưa thông thạo ngôn ngữ địa phương, tiếng dân tộc của bà con. Khó khăn là vậy nhưng Châm tự nhủ “càng khó khăn, mình càng nghĩ cách cố gắng để vượt qua”.

Kể về dự án đăng ký của mình, Châm cho biết, qua những lần đi khảo sát thực tế tại địa phương, Châm thấy bà con vùng cao ở đây chủ yếu trồng ngô trên nương. Trồng ngô nhiều, rừng thu hẹp dần dẫn đến xói mòn đất khiến đất ở đây dốc đứng, khô cằn. Hiệu quả kinh tế từ cây ngô cũng không bền vững, phụ thuộc thời tiết từng vụ.

Cũng qua tìm hiểu và quan sát, Châm nhận thấy, trồng gấc cho thu nhập cao, lại không tốn nhiều sức lao động và tận dụng được đất đai sẵn có ở địa phương. Do đó, đề tài mang tên: "Phát triển thí điểm trồng gấc tại Hua Nhàn" đã ra đời.

“Nếu trúng cử Phó chủ tịch xã, việc đầu tiên em sẽ làm là đi tìm hiểu kỹ thực tế tất cả các bản trong xã. Em sẽ học tiếng của đồng bào. Bởi nếu giao tiếp mà cứ qua phiên dịch thì sẽ không lắng nghe hết được ý của bà con, mình cũng không diễn đạt cho bà con hiểu hết được", Châm chia sẻ.

Góp phần giúp bà con vươn lên thoát nghèo

Đội viên Điêu Quỳnh Nga - Ảnh: Chinhphu.vn

Sinh ra và lớn lên ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, đội viên Điêu Quỳnh Nga, tốt nghiệp khoa Sinh Hoá - trường Đại học Tây Bắc, đã đăng ký về phục vụ tại huyện mình.

Với đề tài mang tên: "Nuôi khảo nghiệm giống gà sao tại xã Chiềng Ơn huyện Quỳnh Nhai", Nga hy vọng rằng sẽ góp phần cải thiện phần nào đời sống của bà con tại quê nhà.

“Bà con Chiềng Ơn còn thiếu nhiều đất sản xuất, đời sống còn khó khăn lắm; không có cây trồng, vật nuôi là mũi nhọn. Vì thế, em đã mạnh dạn chọn nuôi khảo nghiệm gà sao. Gà sao dễ nuôi, có sức đề kháng cao, thịt lại thơm ngon nên rất được thị trường ưa chuộng”, Nga cho biết.

Trước khi đưa ra đề tài này, Nga đã nuôi thử tại gia đình mình và thấy đàn gà phát triển rất tốt.

Cô đội viên trẻ sinh năm 1988 khẳng định sẽ vận dụng những kiến thức đã được học để có thể giúp người dân quê mình vươn lên xoá đói, giảm nghèo, có cuộc sống ấm no hơn.

Đội viên Lương Thị Huyền - Ảnh: Chinhphu.vn

"Trước khi nộp hồ sơ đăng ký tham gia dự án, em cũng đã biết về Sơn La qua sách báo, ti vi. Nhưng khi đã lên đây và đi thực tế tại cơ sở, em càng cảm nhận, chia sẻ nhiều hơn với khó khăn của bà con". Đó là tâm sự của đội viên Lương Thị Huyền, đến từ xã An Lão, thành phố Hải Phòng.

Huyền được phân công đến là xã Mường Trai của huyện Mường La - một xã di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Ở đây, đường xá đi lại rất khó khăn. Về mùa mưa đường rất xấu, thường xuyên sạt lở không thể đi được, xã gần như bị cô lập. Cuộc sống của bà con ở đây thì khó khăn lắm. "Nhưng càng khó khăn thì càng thôi thúc chúng em cố gắng hoà nhập, hoàn thành tốt đề tài đăng ký để trở thành đội viên chính thức của dự án, khi đó sẽ giúp bà con vươn lên thoát nghèo", Huyền chia sẻ. 

Và đây cũng là mong muốn của người dân, của các cấp chính quyền nơi các trí thức trẻ sẽ được phân công về công tác trong tháng tới. "Chúng tôi hy vọng các bạn trẻ được lựa chọn về các xã nghèo đợt này sẽ đem hết trí tuệ và sức trẻ để cống hiến góp phần giúp các xã nghèo tháo gỡ khó khăn. Về phía huyện, chúng tôi rất hoan nghênh và sẽ tạo điều kiện tốt nhất có thể để các bạn trẻ được cống hiến và hoàn thành nhiệm vụ được giao", ông Lừ Văn Quí, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai chia sẻ.

                                                                                       Thúy Hà