Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Việc truy thu thuế có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN-Ảnh minh họa |
Theo đơn kiến nghị, từ năm 2000 đến nay các DN nhập khẩu mặt hàng có tên thương mại là Anhydrous Milkfat (AMF) của Tập đoàn Fontera (New Zealand) để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Theo tài liệu Quy chuẩn Codex của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế mà Việt Nam là thành viên cấp chính phủ, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam, Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam, (TCVN 8434:2010) thì Milkfat hay Anhydrous Butterfat là dầu bơ khan có mã số khai báo là 0405.90.10.
Từ năm 2000, tất cả các công ty nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất như Công ty CP sữa Hà Nội, Nutifood, FrieslandCampina... khi nhập khẩu mặt hàng này về đều thực hiện khai báo, gửi mẫu đi phân tích để xác định chính xác về bản chất, thành phần cấu tạo... Tất cả các kết quả giám định, phân tích chứng nhận đều xác định mặt hàng Anhydrous Milkfat có mã số là 0405.90.10 với mức thuế suất nhập khẩu là 5%.
Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, việc thực hiện truy thu thuế (nhập khẩu và VAT) đôi với sản phẩm này từ năm 2010 đến nay là không nhất quán, không đúng quy định của pháp luật và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. |
Đến ngày 8/12/2014, căn cứ trên kết quả phân tích do Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa XNK chi nhánh tại TPHCM thực hiện đối với một mẫu hàng thuộc lô hàng Anhydrous Milkfat do Công ty TNHH Nestlé Việt Nam nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã có công văn yêu cầu cục hải quan các địa phương thực hiện thu thuế mặt hàng Anhydrous Milkfat theo mã số mới là 0405.90.90, thuế suất nhập khẩu mới là 15%.
Tuy nhiên, các DN không đồng ý với kết quả phân tích và việc truy thu thuế, và đưa ra các cơ sở để chứng minh. Đồng thời, cơ quan hải quan cũng lấy mẫu để tiến hành thực hiện phân tích (bằng một mẫu hàng giống hệt mẫu do Công ty cổ phần Đại Tân Việt nhập khẩu tại Hải quan Hải Phòng).
Kết quả, Tổng cục Hải quan xác định mặt hàng AMF có mã số đúng là 0405.90.10, tức là mã hàng mà DN khai báo, chứ không phải mã hàng được căn cứ trên kết quả phân tích mà Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu chi nhánh tại TPHCM đưa ra. Đến 20/4 vừa qua, cơ quan Hải quan tiếp tục lấy mẫu với một lô hàng giống hệt nhập khẩu cũng tại cửa khẩu Hải Phòng của Công ty cổ phần Đại Tân Việt và một lần nữa, kết quả vẫn là 0405.90.10.
Do bị các DN phản ứng, cơ quan hải quan đã đồng ý dừng việc áp dụng mã số mới và không thực hiện truy thu thuế. Nhưng mới đây, Tổng cục Hải quan lại ra những văn bản chỉ đạo các cục hải quan địa phương sử dụng mã số thuế 040590.90 và thực hiện truy thu thuế đối với DN với các lô hàng từ năm 2010.
Vì vậy, 8 DN bị truy thu thuế đồng ký tên kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan hải quan ngừng ra quyết định truy thu thuế bởi việc này là sai và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của DN (khi phải phải nộp bổ sung thuế một cách bất hợp lý; hàng hóa đã được đưa vào sản xuất kinh doanh từ nhiều năm trước) cũng như vi phạm các cam kết của Việt Nam với các hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia.
Ngoài ra, việc tính thuế lại đối với AMF sẽ khiến các DN phải tăng giá bán sản phẩm vì đây là nguyên liệu sản xuất chính nhiều mặt hàng sữa. Các DN cũng khẳng định, việc làm của cơ quan Hải quan sẽ khó tránh khỏi những tranh chấp pháp lý.
Hiện một số DN đã nhận được thông báo nộp thuế của các cục hải quan địa phương, yêu cầu nộp trong thời hạn 10 ngày kể từ khi ra thông báo. DN còn bị đề nghị truy thu luôn cả các tờ khai đăng ký tại hải quan địa phương khác. Theo các DN ngành sữa, số tiền mà họ buộc phải truy nộp lên đến trên dưới 1.000 tỉ đồng.
Thành Đạt