• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

9 kỷ lục trong lĩnh vực biển và hải đảo Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam diễn ra từ ngày 5 -8/6, được sự hỗ trợ của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức công bố 9 kỷ lục trong lĩnh vực biển và hải đảo của nước ta.

05/06/2012 10:37

Việc công bố 9 kỷ lục này nhằm quảng bá các đặc trưng, sản vật, sản phẩm của biển, đảo Việt Nam với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

9 kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực biển và hải đảo gồm:

Bãi biển Trà Cổ, nơi luôn thu hút khách du lịch

1/ Bãi biển dài nhất: Trà Cổ

Bãi biển Trà Cổ (thuộc tỉnh Quảng Ninh) là bãi biển dài nhất Việt Nam với chiều dài 17 km, diện tích khoảng 170 ha cong hình vành khuyên, trải từ Mũi Gót phía Bắc đến Mũi Ngọc ở phía Nam. Cát ở đây mịn và chặt, khi nước biển triều rút xuống, bãi cát phẳng mịn chắc và mượt, hơi thoai thoải ra xa, cách bờ 100m nước cũng chỉ sâu hơn 20 - 30 cm. Bãi biển lúc nào cũng sạch sẽ, nước biển trong xanh.

Trà Cổ được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam.

2. Vịnh có nhiều đảo nhỏ nhất: Hạ Long

Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam), nằm ở bờ Tây vịnh Bắc Bộ. Với diện tích rộng 1.553 km2 bao gồm 1.169 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó 95% là các đảo đá vôi cùng với những giá trị về cảnh quan, giá trị đa dạng sinh học, giá trị địa chất địa mạo và giá trị lịch sử, văn hóa.

Vịnh Hạ Long đã được công nhận là Di tích Danh thắng cấp quốc gia và Di sản Thế giới (2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới; được công nhận là 1 trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên mới của thế giới trong cuộc bầu chọn toàn cầu do Tổ chức New Open World Corporation tổ chức).

Trên phá Tam Giang

3/ Đầm phá lớn nhất: Tam Giang-Cầu Hai

Tam Giang - Cầu Hai (thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế) là hệ đầm phá lớn nhất và tiêu biểu nhất của Việt Nam, với diện tích mặt nước rộng 21.600 ha, chiếm 48,2% tổng số diện tích mặt nước các đầm phá ven bờ Việt Nam. Về quy mô, Tam Giang - Cầu Hai là đầm phá lớn nhất ở Đông Nam Á và thuộc loại lớn trên thế giới.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai dài 68 km, nơi rộng nhất là 8 km, hẹp nhất là 0,6 km; độ sâu trung bình 1,5 - 2m.Vực nước đầm phá thông với biển qua cửa Tư Hiền (phía Nam) và Thuận An (phía Bắc). Hai phía đầm phá phát triển các thềm, bãi cao 2-4 m cấu tạo bằng cát, bột cát.

4/ Quần đảo có nhiều đảo nhất: Cát Bà

Quần đảo Cát Bà bao gồm 367 hòn đảo lớn, nhỏ, nằm ở phía Nam Vịnh Hạ Long và ngoài khơi Thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm TP Hải Phòng 30 km và cách TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 25 km.

Đảo lớn nhất của quần đảo là đảo Cát Bà (còn gọi là đảo Ngọc), là hòn đảo lớn nhất trong tổng số 1.969 đảo của Vịnh Hạ Long.

Trên đảo Trường Sa

5/ Quần đảo xa bờ nhất: Trường Sa

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm giữa Biển Đông về phía Đông Nam nước ta, phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phía Đông giáp biển Philippines, phía Nam giáp biển Malaysia, Brunei và Indonesia. Trung tâm quần đảo Trường Sa cách Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) 243 hải lý, cách Vũng Tàu 440 hải lý.

Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 410.000 km2.

Quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, giữa các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Địa Trung Hải). Trung bình mỗi ngày có từ 250 đến 300 tàu biển các loại đi qua Biển Đông.

6/ Cụm đảo gần xích đạo nhất: Hòn Khoai

Cụm đảo Hòn Khoai thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, gồm 5 đảo nhỏ và rất nhỏ: Hòn Khoai (4,96 km2), hòn Sao (0,7 km2), hòn Gò (0,03 km2), hòn Đồi Mồi (0,03 km2) và hòn Đá Lẻ (0,005 km2).

Với vị trí đặc biệt, cụm đảo Hòn Khoai có tiềm năng phát triển kinh tế biển, đảo với dịch vụ hàng hải, dịch vụ đánh bắt hải sản, nuôi trồng hải sản, du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học.

Hòn Đá Lẻ thuộc cụm đảo Hòn Khoai được lấy làm điểm chuẩn của đường cơ sở (điểm A2, tọa độ 8o22’8” độ vĩ Bắc và 104o52’4” độ kinh Đông) dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam.

Một góc đảo Phú Quốc

7/ Hòn đảo lớn nhất: Phú Quốc

Đảo Phú Quốc còn là hòn đảo lớn nhất trong hệ thống hải đảo của Việt Nam với diện tích 561km2. Đảo Phú Quốc nằm trấn giữ ở phía Đông Bắc Vịnh Thái Lan, ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đảo có dạng hình tam giác, chiều theo phương Bắc - Nam dài 50km, chiều theo phương Đông - Tây dài 27km ở phần Bắc đảo, đảo thót hẹp dần về phía Nam.

 Đảo Phú Quốc có vị trí tiền tiêu - biên giới, là tiền đồn vững chắc trong bảo vệ quốc phòng - an ninh, là nơi có lợi ích trong phát triển kinh tế cửa khẩu, vùng biên, giao thương quốc tế.

8/ Khu bảo tồn biển Việt Nam lớn nhất: Nam Yết

Khu bảo tồn biển Nam Yết thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, có tổng diện tích là 35.000 ha, trong đó diện tích biển là 20.000 ha và toàn bộ diện tích đảo rạn san hô Nam Yết 15.000 ha.

Khu bảo tồn biển đảo Nam Yết dạng thuôn dài theo hướng Đông - Tây, nơi dài nhất khoảng 850m, rộng nhất chỉ 170m, diện tích đảo nổi khoảng 10,4ha. Mặt đảo bằng phẳng, cao 3,5-3,8m so với mặt biển. Bờ đảo gồm các bãi cát vụn san hô nhẹ và xốp, nên không ổn định, thường thay đổi theo mùa gió tác động. Thềm san hô là một bãi cạn rộng lớn, mở rộng về phía tây tới 2.000 m. Trên thềm san hô có thảm cỏ biển phát triển, bên ngoài là đới mặt bằng rạn có san hô phong phú. Bao lấy bãi cạn là gờ rạn nổi hơi cao so với bên trong, ngoài gờ rạn là đới sườn dốc.

Tượng đài Hoàng Sa Bắc Hải trên đảo Lý Sơn. Ảnh: tienphong.vn

 9/ Huyện đảo có mật độ dân số cao nhất: Lý Sơn

Huyện đảo Lý Sơn nằm ở ngoài khơi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi, cách TP Quảng Ngãi 45km về phía Đông Bắc. Huyện đảo Lý Sơn có tổng diện tích đất là 9,97km2, có 3 xã là An Vĩnh, An Hải và An Bình, tổng dân số 18.223 người (năm 2009). Mật độ dân số của huyện là 1.888 người/km2 và là huyện đảo có mật độ dân số cao nhất trong 12 huyện đảo của Việt Nam.

Lý Sơn có ưu thế vượt trội về khai thác biển. Ngư dân của huyện có truyền thống đánh bắt hải sản trên biển.

Hành và tỏi là 2 cây sản xuất chính của nông nghiệp huyện Lý Sơn. Cây tỏi và cây ré được coi là đặc trưng của huyện đảo. Lý Sơn được gọi là “Vương quốc Tỏi”.

Ngọc Ánh

(Nguồn: Tổ chức Kỷ lục Việt Nam)