Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một góc khu công nghiệp Tằng Loỏng hiện nay. Ảnh: LCĐT
Mục tiêu đến năm 2015, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm trên 41,1% trong GDP của tỉnh; Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2011 - 2015 đạt trên 18,65 %; Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.200 tỷ đồng. Phấn đấu đến hết năm 2015, 92% thôn, bản có điện lưới quốc gia, 95% số hộ được sử dụng điện; Tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đạt trên 70% với việc hình thành 9 cụm công nghiệp, quy hoạch và phát triển mới 2 khu công nghiệp;…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, trong giai đoạn tới, ngành công nghiệp Lào Cai sẽ phát huy tốt lợi thế về tiềm năng tài nguyên khoáng sản của địa phương, chú trọng đầu tư vào 9 lĩnh vực trọng tâm như:
Phát triển, khai thác, chế biến khoáng sản làm ngành công nghiệp nền tảng của tỉnh, bảo đảm cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất trong nước và xuất khẩu. Khai thác và tuyển quặng apatit, quặng đồng, quặng sắt, quặng cao lanh,…Phấn đấu đến 2015 sẽ cho ra các sản phẩm quan trọng như quặng đồng từ 40.000- 50.000 tấn đồng/năm, quặng sắt 3,5 - 4 triệu tấn/năm, quặng graphit với công suất 20.000 tấn tinh quặng/năm,…
Phát triển công nghiệp luyện kim màu và luyện kim đen với việc sử dụng 2 nguồn nguyên liệu chủ yếu là quặng sắt và quặng đồng. Dự kiến đến cuối năm 2013, Nhà máy gang thép Bản Qua- Bát Xát công suất 220.000 tấn/năm hoàn thành và đi vào hoạt động. Phấn đấu đến năm 2015, sản phẩm chủ yếu như đồng thỏi 40.000- 50.000 tấn/năm; thép và phôi thép các loại 1.220.000 tấn/năm, các sản phẩm phụ đi kèm như vàng, bạc, axit sun fua ríc.
Phát triển mạnh ngành sản xuất phân bón, hóa chất. Trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm như: phân bón chất lượng cao (DAP), phụ gia các loại, Axit và muối phốt phát, phụ gia các loại, chất tẩy rửa, mỹ phẩm,…nâng công xuất nhà máy sản xuất supe lân Lào Cai lên công suất 200.000 tấn/năm; sản xuất phân bón NPK lên 50.000 tấn/năm.
Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản dựa trên tiềm năng về nguồn nguyên liệu có thể đáp ứng được như gỗ, tre, nứa các loại, cây thuốc lá, cây chè, cây cao su,...Trong đó tập trung đầu tư sản xuất bột giấy và giấy đế ở Bảo Yên, Văn Bàn; sản xuất ván ghép thanh, ván bóc, ván MDF, đồ mộc dân dụng,...ở Bảo Thắng, Văn Bàn, thành phố Lào Cai; chế biến chè ở Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà, Sa Pa, thành phố Lào Cai; chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su.
Phát triển lưới điện phục vụ đấu nối, truyền tải điện năng của các nhà máy thủy điện trên địa bàn vào hệ thống điện quốc gia và đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải của tỉnh Lào Cai và các vùng phụ cận theo Quy hoạch điện lực và Quy hoạch phát triển thủy điện. Phấn đấu hết năm 2015, tổng công suất phát điện của các nhà thủy điện trên địa bàn đạt trên 600 MW, có trên 90% hộ được sử dụng điện quốc gia. Nâng cấp, mở rộng các nhà máy nước đảm bảo đến năm 2015, 100% dân cư đô thị được cấp nước sạch, 95% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh.
Phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất xi măng, gạch, đá các loại. Theo đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xi măng 450.000 tấn/năm tại Phong Hải. Duy trì sản xuất gạch tuynel và gạch không nung tại các nhà máy hiện có. Đẩy mạnh đầu tư sản xuất gạch không nung chất lượng cao, thay thế dần gạch nung từ đất sét. Tổ chức khai thác đá, cát với quy mô lớn phục vụ cho xây dựng đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội và nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Phát triển tiểu, thủ công nghiệp, phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất tiểu - thủ công nghiệp trên địa bàn đạt 600 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 16%/năm. Tạo việc làm mới cho 2000 đến 2500 lao động. Tập trung vào một số nghề chủ yếu như: dệt may, thêu thổ cẩm, sản xuất mây tre đan, nấu rượu đặc sản, bảo quản và chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, chế biến gỗ, chế biến thuốc lá, sản xuất vật liệu xây dựng quy mô nhỏ,…
Quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp đáp ứng hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghiệp – TTCN. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp hiện có (Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải, Tằng Loỏng); Hoàn thiện hồ sơthành lập 2-3 khu công nghiệp tại các khu vực Tân An -Tân Thượng (Văn Bàn), phía Tây thành phố Lào Cai, khu vực Bát Xát và dọc tuyến cao tốc Lào Cai-Hà Nội. Đầu tư xây dựng hạ tầng chủ yếu (đền bù GPMB, trục giao thông, cấp điện, nước...) cho 10 cụm công nghiệp để ít nhất mỗi huyện, thành phố có một cụm đi vào hoạt động. Phấn đấu đến năm 2015 các khu, cụm công nghiệp mới thành lập có tỷ lệ lấp đầy đạt trên 70%.
Quan tâm chú trọng phát triển các ngành Công nghiệp phụ trợ như: Công nghiệp cơ khí sửa chữa cung cấp dịch vụ sửa chữa máy, thiết bị, các phương tiện vận tải...gắn với các đô thị và khu vực sản xuất công nghiệp tập trung; Đẩy mạnh sản xuất phụ kiện và chế biến nguyên liệu phụ gia, trợ dung như quắczit, đôlômit, đá vôi, thuốc tuyển thủy tinh lỏng, thùng phuy kim loại đựng phốt pho, sản xuất bao bì PP, vỏ bao xi măng...phục vụ cho các ngành luyện kim, hóa chất, tuyển khoáng,..
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng công nghiệp gắn với phát triển bền vững, Lào Cai luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm cho người lao động trong quá trình phát triển đô thị, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.