• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cần trợ lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục hồi sau dịch

(Chinhphu.vn) - Sau những ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4, sản xuất công nghiệp của TPHCM đã được khôi phục và đang nâng công suất để bù cho giai đoạn gián đoạn, kéo theo đó là nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng tăng theo. Tuy nhiên, năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp trong nước lại bộc lộ những hạn chế trong chiến lược đầu tư, phát triển bền vững của ngành này.

10/12/2021 12:08
BOSCH Việt Nam đã nhiều năm tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện công nghiệp ô tô nhưng chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật - Ảnh: VGP/Băng Tâm
Doanh nghiệp FDI ráo riết tìm thêm nhà cung ứng nội địa

Đầu năm 2019, khi được cấp phép đầu tư vào Khu Công nghệ cao TPHCM, Công ty TNHH Techtronic Industries Vietnam Manufacturing (Tập đoàn TTI) của Mỹ ngay lập tức tổ chức hoạt động kết nối tìm kiếm nhà cung ứng nội địa sản xuất linh kiện thiết bị điện không dây. TTI xác định sử dụng 80% sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước, song đến nay, tỉ lệ này chỉ đạt 40%, số còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ.

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM thông tin, đợt dịch vừa qua đã khiến TTI bị ảnh hưởng về nguồn cung từ các đối tác nhập khẩu, nhất là chi phí logistics tăng rất cao. Chính vì thế, TTI đã đăng ký tiếp tục tìm kiếm hơn 300 nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ trong nước để cung ứng hàng nghìn chi tiết, linh kiện.

Tương tự, BOSCH Việt Nam cũng ráo riết mở rộng kết nối các nhà cung ứng ra các tỉnh phía bắc nhằm tìm kiếm doanh nghiệp sản xuất linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô.

Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại TPHCM cũng như cả nước. Tuy nhiên, theo bà Duy Oanh, năng lực của các doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp FDI. “Nhất là sau ảnh hưởng của làn sóng dịch thứ 4, chúng tôi làm việc với một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thì thấy năng suất sản xuất của họ giảm”, bà Duy Oanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Khắc Anh Kiệt, Trưởng nhóm Bộ phận Nghiên cứu phát triển của Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ ô tô BOSCH Việt Nam cho biết, không phải bây giờ đơn vị này mới tìm kiếm nhà cung ứng. “Suốt 3 năm qua, chúng tôi đều tham gia các hoạt động tìm kiếm nhà cung ứng nội địa nhưng chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu của BOSCH. Các đối tác cung ứng linh kiện công nghiệp ô tô cho BOSCH hiện giờ chủ yếu tới từ Đức và Thái Lan”, ông Kiệt cho hay.

Thực tế, các hoạt động kết nối của chính quyền TPHCM giữa doanh nghiệp FDI với các nhà cung ứng trong nước trong 4 năm qua đã có kết quả. Còn nhớ lần đầu tiên Samsung Việt Nam tổ chức tìm kiếm nhà cung ứng vào năm 2014 thì không một doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của tập đoàn Hàn Quốc này. Nhưng qua các cuộc gặp gỡ như vậy, các doanh nghiệp Việt có thể đánh giá được nhu cầu thị trường và định hướng được chiến lược đầu tư nếu có tham vọng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trở lại với câu chuyện của TTI Việt Nam, sau các hoạt động kết nối nhà cung ứng, đến nay Tập đoàn này đang giao dịch với 80 nhà cung ứng trong nước. Tuy nhiên, theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, sau khi tìm được doanh nghiệp có đủ năng lực thì vẫn cần thời gian để nhà cung ứng trong nước đầu tư, nâng cấp hoạt động sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn của các doanh nghiệp FDI, nghĩa là cần độ lùi thời gian một vài năm thì họ mới chính thức sản xuất đơn hàng.

Tầm nhìn và chiến lược đầu tư dài hơi

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cung ứng lại nóng vội, muốn nhận đơn hàng và làm ngay. Theo ông Nguyễn Khắc Anh Kiệt, có 2 vấn đề chính, một là các doanh nghiệp FDI yêu cầu về kỹ thuật rất cao. Điều này dẫn đến vấn đề thứ 2, sự kiên nhẫn của các doanh nghiệp cung ứng. Để có thể đi cùng các doanh nghiệp FDI thì các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ phải có sự đầu tư về công nghệ và nhân lực có trình độ. “Khi tìm được doanh nghiệp có tiềm năng, BOSCH cam kết sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp cung ứng trong một đến 2 năm để cải tiến năng lực, như vậy đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cải tiến lại dây chuyền và đào tạo lại nhân lực. Nhưng doanh nghiệp Việt đang ở tâm thế: Tôi làm được, tôi muốn có đơn hàng làm ngay. Có nghĩa là các doanh nghiệp đang nhìn về lợi nhuận trước mắt chứ chưa có tầm nhìn lâu dài”, ông Kiệt chia sẻ. Nếu một doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi cung ứng của BOSCH thì các doanh nghiệp FDI khác nhìn vào đó như một sự bảo đảm khi lựa chọn nhà cung ứng, như vậy, mở ra cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp khác.

Theo thống kê, tỉ lệ nội địa hóa công nghiệp hỗ trợ của TPHCM mới đạt khoảng 65%. Để đẩy mạnh lĩnh vực này, TPHCM khẳng định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, mặt bằng sản xuất. Thành phố đang hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 300 ha.

Kinh nghiệm từ Công ty Vĩ Nam Việt (Vinavit), một doanh nghiệp tại TPHCM đang cung ứng linh kiện ốc vít cho Samsung cho thấy, để đi đường dài với các doanh nghiệp FDI thì doanh nghiệp Việt phải có chiến lược đầu tư dài hơi. “Không đặt nặng vấn đề số lượng, cung ứng bao nhiêu hàng cho đối tác, doanh thu bao nhiêu mà quan trọng nhất là sản phẩm mình làm ra có lộ trình, đi từng bước phù hợp với tiêu chuẩn, chất lượng và sự đa dạng trong danh mục của đối tác. Sản phẩm phù hợp thì tự động sản lượng và số lượng sẽ tăng”, ông Huỳnh Văn Đức, Tổng Giám đốc Vinavit chia sẻ.

Năm 2019, Vinavit là một trong số ít các doanh nghiệp vượt qua vòng đánh giá năng lực của Samsung Việt Nam, được Tập đoàn này đưa chuyên gia Hàn Quốc đến nhà máy hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến về kỹ thuật và đào tạo... Sau đó, Vinavit tự cải tiến, dần dần đáp ứng được yêu cầu của Samsung và trở thành nhà cung cấp ốc vít của họ từ năm 2019. “Ban đầu, chúng tôi chỉ làm ốc vít, nhưng khi đã có kinh nghiệm thì chúng tôi nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm khác tương thích với sự đa dạng sản phẩm của các doanh nghiệp FDI. Bây giờ, ngoài ốc vít, Vinavit sản xuất thêm bát đỡ (pass), tạo thành một bộ linh kiện cho Samsung, Toshiba và TTI”, ông Đức nói và cho biết Vinavit đang tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển để cung cấp thêm nhiều sản phẩm mới vào chuỗi giá trị của các thương hiệu lớn.

Trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững

Tuy nhiên, để đi đường dài, theo ông Huỳnh Văn Đức, doanh nghiệp cung ứng cần có nguồn lực đầu tư công nghệ và cải tiến quy trình. “Quá trình này mà để doanh nghiệp tự “bơi” thì rất khó cạnh tranh”, ông Đức khẳng định.

Cơ khí Duy Khanh là một trong những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại TPHCM đã tiếp cận được vốn từ chương trình kích cầu của TPHCM. Ông Đỗ Phước Tống, Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết, nhờ sự trợ lực của Thành phố, Công ty đang đầu tư nhà máy mới ở khu công nghệ cao với vốn đầu tư hơn 180 tỷ đồng để sản xuất linh kiện, thiết bị mới cung cấp cho các doanh nghiệp FDI. Đó là linh kiện trong bộ phận chuyển động số, sản xuất bằng công nghệ mới. Linh kiện này chưa có doanh nghiệp nào trong nước sản xuất nên các doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu.

“Biết chúng tôi đang xây dựng nhà máy, nhiều doanh nghiệp FDI đã gửi thông tin, bản vẽ để chúng tôi chào giá và thương thảo, khi nhà máy hoạt động thì có thể cung cấp hàng cho họ”, ông Đỗ Phước Tống chia sẻ.

Không thiếu khách hàng nhưng khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở TPHCM là đa số doanh nghiệp đều nhỏ, rất hạn chế về vốn để đầu tư đổi mới công nghệ. Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 16 về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ TPHCM giai đoạn 2018-2020, chỉ có chưa đầy 30 doanh nghiệp tiếp cận được chương trình.

Để tham gia chương trình kích cầu đầu tư, doanh nghiệp phải có dự án đầu tư hoàn toàn mới, từ máy móc, thiết bị, nhà xưởng. Dự án phải được ngân hàng thẩm định và đồng ý cho vay - đây là điều kiện quan trọng nhất vì chương trình chỉ hỗ trợ một phần lãi vay của Thành phố, một phần là lãi vay của ngân hàng.

Trong khi đó, ông Đỗ Phước Tống cho rằng, trong ngành hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có tài sản thế chấp. Đây là rào cản lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Đặc thù của ngành này là có biên độ lợi nhuận không cao nên các ngân hàng không “mặn mà”. Thực tế là vậy, doanh nghiệp trong ngành không dễ dàng tiếp cận vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Tống nói và cho rằng các ngân hàng cần thay đổi phương thức đánh giá khả thi hơn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài vấn đề nguồn lực đầu tư thì ngay trước mắt, vấn đề tăng giá nguyên liệu đầu vào cũng đang gây áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước. Do vậy, xác định chiến lược dài hơi, tìm sự phát triển ổn định của ngành này không chỉ cần sự quyết tâm từ phía các doanh nghiệp mà rất cần những chính sách trợ lực thiết thực từ phía Nhà nước.

Băng Tâm