Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển KTXH năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2020 và 5 năm 2016-2020 được thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt. Xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn cầu dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929-1933.
Ở trong nước, sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, bão lũ, sạt lở đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện mục tiêu phát triển KTXH năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội về phát triển KTXH 5 năm 2016-2020 và hằng năm, Chính phủ đã chủ động ban hành các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể; xây dựng các phương án, kịch bản điều hành và quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Tinh thần chung trong chỉ đạo điều hành là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Năm 2020, trước diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": Vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển KTXH, bảo đảm đời sống nhân dân.
Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ các dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời, chú trọng chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; triển khai linh hoạt, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam an toàn, nhân văn, tốt đẹp.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020.
Cụ thể, cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH. Trong khi đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng ta đã sớm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Thành công này thể hiện sự quyết tâm cao, ý chí thống nhất, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 bình quân là 6,8%/năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%; là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.
GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%).
Tăng trưởng từng bước chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, ngày càng dựa vào khoa học, công nghệ. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; cán cân thanh toán thặng dư; hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện.
Kỷ cương, kỷ luật tài chính được tăng cường. Thu NSNN năm 2020 đạt 96% dự toán. Cơ cấu lại NSNN đạt kết quả tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% (giai đoạn 2011-2015 là 68,7%); tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27-28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62-63%. Bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn và giảm so với giai đoạn trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 5 năm liên tiếp (năm 2020 ước đạt 19,1 tỷ USD). Thị trường nội địa được chú trọng; quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường...
Các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả. Phát triển văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu có những chuyển biến rõ nét. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng lên; môi trường kinh doanh được cải thiện; phòng chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập. Trong đó nổi lên là tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động của đại dịch COVID-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 không đạt mục tiêu. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Đào tạo nguồn nhân lực còn bất cập về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực chính thúc đẩy năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao. Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, khoảng cách phát triển giữa các vùng chậm được thu hẹp…
Đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, năm 2021 có nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030.
Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, liên kết phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác lớn tiếp tục diễn ra gay gắt. Xung đột thương mại gia tăng và những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu và những thách thức lớn đối với thương mại, đầu tư, tăng trưởng và các vấn đề xã hội.
Sau 35 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính trị - xã hội ổn định, vị thế uy tín quốc tế cao. Việt Nam được đánh giá là quốc gia nhiều tiềm năng, có thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, cơ cấu dân số vàng; không gian phát triển rộng mở với 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, chỉ tiêu cụ thể đặt ra cho năm 2021 với 12 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66% (trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%); tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỉ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỉ lệ che phủ rừng khoảng 42%...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu… để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội./.
Nguyễn Hoàng