Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Lưỡng viện Ấn Độ Shri P. P. Chaudhary tiếp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và thành viên đoàn. Ảnh: TTXVN |
Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Ấn Độ kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Xin ông cho biết ý nghĩa và mục đích của chuyến thăm?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội tại các nước và quan hệ quốc tế, khiến các quốc gia phải tìm kiếm những giải pháp và hành động kịp thời để ứng phó. Hoạt động trao đổi đoàn cấp cao giữa Việt Nam với các nước, trong đó có Ấn Độ, cũng đã bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của tôi lần này đến Ấn Độ có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng. Trước hết, chuyến thăm nhằm đáp lại các lời mời của Ngài Chủ tịch Thượng viện kiêm Phó Tổng thống Ấn Độ và Ngài Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ, góp phần tích cực xây dựng và củng cố quan hệ cá nhân giữa chúng tôi nói riêng và lãnh đạo cấp cao hai nước nói chung.
Thứ hai, qua chuyến thăm này, tôi muốn nối lại việc duy trì hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao giữa hai nước sau các giai đoạn căng thẳng của đại dịch COVID-19, đồng thời thể hiện sự coi trọng và mong muốn không chỉ của Việt Nam và mà còn của Ấn Độ trong việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước nói chung và quan hệ giữa các cơ quan lập pháp hai nước nói riêng.
Chuyến thăm này nhằm 3 mục đích chính. Thứ nhất, tạo động lực mới cho quan hệ giữa hai nước, đồng thời là thời điểm để hai bên trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng-an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, giáo dục, y tế, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine, đóng góp thiết thực vào công cuộc chống đại dịch và phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch COVID-19.
Thứ hai, chuyến thăm là cơ hội để hai nước tìm hiểu rõ hơn tình hình, chủ trương phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của mỗi nước trong thời gian tới. Thứ ba, đây là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm và tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu, đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định và phá triển ở khu vực và trên thế giới.
Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đã được nâng lên thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016. Xin ông cho biết đánh giá tổng quan về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ thời gian qua và phương hướng phát triển thời gian tới. Hai nước sẽ có những biện pháp nào để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp và nuôi dưỡng để đơm hoa kết trái như ngày nay.
Như các bạn đã biết hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân chuyến thăm Việt Nam năm 2016 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Đây là một bước ngoặt nâng cấp quan hệ lên một tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước, cũng như để tương xứng với bề dày phát triển và tầm vóc của quan hệ song phương.
Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược Toàn diện với Ấn Độ và rất vui mừng khi Ấn Độ cũng ưu tiên thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong chính sách “Hành động hướng Đông” của mình.
Trong 5 năm qua, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ đã không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều trụ cột hợp tác. Hai nước đang phối hợp chặt chẽ triển khai Chương trình hành động 2021-2023 nhằm đưa quan hệ ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả, mang lại những lợi ích thiết thực cho chính phủ và nhân dân hai nước.
Mặc dù bị tác động bởi đại dịch COVID-19 trong hai năm qua, hai bên đã duy trì tiếp xúc cấp cao và các cấp và đã thông qua Tầm nhìn chung về Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân (tháng 12/2020).
Ấn Độ là một trong những nước Việt Nam có tần suất trao đổi đoàn cấp cao nhiều nhất, với 7 chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo hai nước trong 5 năm qua, trong đó có các chuyến thăm của Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ tới Việt Nam và các chuyến thăm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Việt Nam tới Ấn Độ. Quốc phòng và an ninh đã trở thành trụ cột quan trọng của mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với các kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể, phong phú giữa các quân, binh chủng của hai nước.
Về thương mại-đầu tư, Ấn Độ đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng trung bình 20% hàng năm, đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua và có thể cán mốc 12 tỷ USD trong năm nay. Các lĩnh vực hợp tác truyền thống khác như giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân đã có những phát triển thực chất.
Chính phủ Ấn Độ cũng đang hỗ trợ Việt Nam trùng tu, bảo tồn các nhóm tháp Chàm tại Mỹ Sơn, là biểu tượng của mối giao thoa văn hóa hàng nghìn năm giữa hai nước chúng ta. Đáng chú ý, hai nước đã mở các đường bay thẳng giữa hai thủ đô và các thành phố lớn của nhau. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong hai năm qua, Việt Nam và Ấn Độ cũng đã dành cho nhau sự hỗ trợ quý báu, cùng giúp nhau vượt qua đại dịch và phục hồi phát triển kinh tế. Việt Nam cũng đánh giá cao các dự án hỗ trợ phát triển, các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản tín dụng mà Chính phủ Ấn Độ đang dành cho Việt Nam.
Hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và Ấn Độ là một trong những kênh hợp tác quan trọng, hiệu quả và là một bộ phận cấu thành trong mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ. Hai bên duy trì trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động nghị viện và trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm, cũng như hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế. Quốc hội khóa XV đã thành lập Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ do ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện làm Chủ tịch Nhóm.
Thời gian tới, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm thiết thực, phong phú nhân dịp 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương trong năm 2022, góp phần tăng cường hiểu biết về quan hệ Việt Nam-Ấn Độ cho người dân hai nước.
Cùng với đó là các hoạt động đoàn cấp cao và các cấp khác, các hội thảo, hội nghị, các sự kiện văn hóa và giao lưu nhân dân cũng sẽ được tổ chức tại các thành phố của hai nước nhân dịp này. Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam và Ấn Độ sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các Chương trình hành động và các văn kiện hợp tác mà hai bên đã ký kết trên nhiều lĩnh vực; thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác quốc phòng giữa các quân binh chủng hai nước; hợp tác trong các vấn đề an ninh phi truyền thống và phòng chống tội phạm, khủng bố….
Lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hứa hẹn sẽ là lĩnh vực rất tiềm năng thời gian tới khi Việt Nam đang kêu gọi những làn sóng đầu tư mới từ các tập đoàn của Ấn Độ trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo.
Tôi tin tưởng rằng trong tương lai không xa, Ấn Độ sẽ trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh-quốc phòng, khoa học- công nghệ, văn hóa, giáo dục-đào tạo.
Về hợp tác Quốc hội, thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan lập pháp hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong việc xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho việc phát triển kinh tế số và xã hội số; chia sẻ kinh nghiệm ban hành chính sách pháp luận để kịp thời hỗ trợ Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh và phục hồi sau đại dịch.
Xin ông chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19? Những biện pháp trong thời gian tới để thúc đẩy, mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Ấn Độ?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Như các bạn đã biết đại dịch COVID-19 diễn ra trong gần 2 năm qua đã gây ra những tác động tiêu cực, sâu rộng và ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội không chỉ tại Việt Nam mà còn tại tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Đây là cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi các quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải có những biện pháp ứng phó kịp thời, quyết liệt nhưng cũng phải linh hoạt, vừa để để đối phó, giảm thiểu tác hại của dịch, đồng thời nhằm duy trì và phát triển kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam đã chuyển trạng thái phòng, chống dịch COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát dịch bệnh gắn với phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới.”
Qua quá trình phòng chống đại dịch, chúng tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm. Thứ nhất, là tiếp cận theo hướng toàn dân, người dân là trung tâm, là chủ thể, ngược lại, cũng huy động nhân dân tham gia phòng, chống dịch một cách chủ động. Huy động tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Thứ hai, là linh hoạt trong ứng phó, dù còn nhiều hạn chế, nhưng việc linh hoạt huy động quân đội và công an vào công tác phòng chống dịch là một kinh nghiệm tốt. Thứ ba, khi chưa đủ vaccine để ngăn chặn dịch bệnh, các chính sách an sinh xã hội đã góp phần giúp người dân an tâm, phối hợp cùng chính quyền chống dịch. Thứ tư, là ngoài sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nước, Việt Nam cũng đã huy động sự giúp đỡ của quốc tế.
Nhờ những nỗ lực đó, sau 2 năm chống dịch, Việt Nam đã dần thích ứng và rút ra được những bài học như cách ly nhanh chóng, xét nghiệm khoa học, hiệu quả, tiết kiệm, an toàn và tốc độ, điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở, giảm tỷ lệ tử vong. Ngay từ đầu, Việt Nam đã hình thành ra được công thức phòng chống như 5K Vaccine, thuốc điều trị, các biện pháp điều trị, công nghệ, đặc biệt là đề cao ý thức của nhân dân.