Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy |
Đó là khẳng định của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 325, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2, quyền Tư lệnh Quân khu 2. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông là Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, trực tiếp chỉ huy đơn vị tham gia giải phóng Sài Gòn.
Ông là một vị tướng đặc biệt, trực tiếp tham gia chiến đấu và chỉ huy qua 3 cuộc chiến hào hùng của dân tộc (chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc) để giành và giữ độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Giờ đây, đã tròn 90 tuổi, điều còn vẹn nguyên với một vị tướng cầm quân dày dạn trận mạc vẫn là lý tưởng mà ông tin và đi theo: “Là người lính, tâm nguyện của tôi là trách nhiệm với Tổ quốc, dù bất cứ ở đâu, bất cứ kẻ thù nào, nếu có nhiệm vụ chiến đấu là tôi sẵn sàng. Chẳng ai muốn chiến tranh, bất đắc dĩ chúng ta phải chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Đó là chính nghĩa”.
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, ông tiếp tục trải qua những năm tháng chiến đấu từ chiến trường Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào đến giải phóng Sài Gòn. Đặc biệt là cuộc chiến ở Quảng Trị năm 1972, đối với ông là những năm tháng cực kỳ gian khổ, hy sinh nhưng cũng thật tự hào.
Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, tướng Nguyễn Đức Huy cho rằng chiến trường ác liệt nhất chính là Thành cổ Quảng Trị ngày đó. Chưa có một trận chiến nào mà đối phương phải huy động một lực lượng hùng hậu với hàng loạt máy bay ném bom B52, một khối lượng đạn khổng lồ để đánh chiếm mục tiêu là một toà thành cổ có chu vi chưa đầy 2.000 m.
Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm được ví như một túi bom, thị xã và Thành cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi ngày, địch huy động 150-170 lần máy bay phản lực, 70-90 lần B52 để ném bom hủy diệt. Tại các chiến trường gian khổ và ác liệt đó, ông đều ở vị trí người cầm quân, chỉ huy trực tiếp nhiều trận đánh trên các cương vị khác nhau, từ tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng đến Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng rồi Tư lệnh Sư đoàn.
Tháng 5/1974, Quân đoàn 2 được thành lập, hội tụ những sư đoàn thiện chiến, đóng vai trò quyết định trong chiến dịch giải phóng miền Nam. Lúc này, Tướng Huy được điều động từ Sư đoàn 304 về làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Sư đoàn 325, Quân đoàn 2.
Ông bồi hồi kể lại về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ở những ngày này cách đây 46 năm. Ngày 1/4/1975, Quân đoàn 2 mở chiến dịch giải phóng Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Buôn Ma Thuột. Với tinh thần “diệt địch mà đi, sửa đường mà tiến”, Sư đoàn 325 thần tốc tiến vào chiến trường miền Nam, giải phóng các tỉnh, thành phố dọc miền duyên hải, chuẩn bị bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn.
Ngày 26/4/1975, cuộc tổng tiến công lớn vào Sài Gòn bắt đầu. Quân đoàn 2 nhận nhiệm vụ tấn công hướng Đông Nam. Sư đoàn 325 do Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy trực tiếp chỉ huy đảm trách cánh trái, hướng trọng yếu của toàn bộ chiến dịch đánh chiếm Chi khu quân sự Long Thành, Nhơn Trạch, sân bay Tân Sơn Nhất nhằm cắt đứt đường hàng không, đường sông và khu Thành Tuy Hạ - kho vũ khí trọng yếu của địch, tiêu diệt căn cứ hải quân Cát Lái, khóa chặt đường thủy của đối phương, chuẩn bị cho quân Giải phóng vượt sông qua bến phà Thủ Thiêm, đánh vào nội đô Sài Gòn.
Sáng 30/4/1975, lực lượng đột kích của Quân đoàn 2 vượt cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè theo hướng Hồng Thập Tự tiến vào Dinh Độc Lập. Đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ quân giải phóng cắm trên nóc Dinh Độc Lập.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng! Đây là thời khắc lịch sử, chiến công vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Sau khi đất nước thống nhất, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy lại tiếp tục nhận nhiệm vụ ra mặt trận chỉ huy phụ trách giải phóng Nam Lào (1976), rồi tiếp tục sang Campuchia (1979) chiến đấu.
Năm 1985, lúc này là Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy được điều lên tăng cường chỉ huy chiến đấu ở tuyến biên giới Vị Xuyên (Hà Giang).
Đi suốt chiều dài lịch sử của đất nước trong thế kỷ 20, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã cùng các đồng chí, đồng đội của mình chiến đấu kiên cường, vượt qua bao gian khổ, ác liệt của chiến tranh, hy sinh cả cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm nên chiến thắng khải hoàn vĩ đại.
Nhớ về chiến thắng mùa Xuân 1975 cách đây 46 năm, Tướng Huy khẳng định, mặc dù sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam đã giành thêm nhiều thành tựu to lớn nhưng Chiến thắng 30/4 vẫn là một mốc son sáng chói, là niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi người dân Việt Nam. Chúng ta hướng tới tương lai nhưng không được quên quá khứ. Quên quá khứ là có tội với lịch sử, có tội với những người đã đổ máu hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Mỗi năm, kỷ niệm Chiến thắng lịch sử 30/4 là dịp để chúng ta nhớ tới hàng triệu người con ưu tú của đất Việt đã ngã xuống hoặc để lại một phần xương máu trên chiến trường, để đất nước có được thắng lợi huy hoàng.
Nhớ tới những thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh giành độc lập cho đất nước, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy bày tỏ mong muốn thế hệ trẻ giữ được truyền thống bất khuất của dân tộc, có kiến thức, khoa học để xây dựng đất nước vững mạnh.
Giá trị của chiến thắng, giá trị của độc lập rất lớn lao, cần phải được ghi nhớ, khắc sâu trong tâm khảm các thế hệ người dân Việt Nam. Từ đó, hình thành nên tư thế của người dân đất Việt, nỗ lực tạo lập một vinh quang mới to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong hòa bình và hội nhập quốc tế.
Chiến thắng 30/4 mãi mãi là một mốc son sáng chói, là niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi người dân Việt Nam. Nhưng điều mà Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cũng như mọi thế hệ cha anh đều mong mỏi, đó là chiến thắng này sẽ mãi là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi trở ngại, khơi nguồn cảm hứng, động viên toàn dân tộc ta, cùng nhau thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Phương Liên