Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khánh thành tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam”. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cùng dự có Thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Hội Nông dân Việt Nam, tỉnh Thái Bình và đông đảo bà con nhân dân tỉnh Thái Bình.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta. Tên tuổi và sự nghiệp của Bác sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc.
Nhân dân Thái Bình có nhiều kỷ niệm, tình cảm đặc biệt sâu nặng với Bác Hồ. Sinh thời, Người đã 5 lần dành thời gian về thăm Thái Bình. Khi nhân dân và Đảng bộ Thái Bình làm chưa tốt, Bác về động viên, chỉ bảo ân cần, cặn kẽ, có lý, có tình. Khi Thái Bình lập thêm làng mới, Bác về tận nơi xem xét, chỉ bảo những gì đã làm được, những gì chưa làm được, những việc phải làm gấp…
Đáp lại tình cảm thiêng liêng, cao quý của Bác, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Dưới bàn tay, khối óc của bao thế hệ, Thái Bình, tỉnh đồng bằng duyên hải đất đai phì nhiêu, màu mỡ, vùng đất “địa linh, nhân kiệt” gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, quê hương của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, đã sớm trở thành “kho của, kho người” trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử mãi mãi âm vang hào hùng tiếng trống xưa, nơi Tiền Hải thúc giục vạn vạn nông dân vùng lên giành chính quyền từ thực dân Pháp, phong kiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
Bước sang thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thái Bình tiếp tục phát huy truyền thống, năng động sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa. Đặc biệt năm 2020, 100% số xã trong tỉnh đã về đích nông thôn mới và 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, vượt trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Không ồn ào mà thầm lặng
Thủ tướng nêu rõ, giai cấp nông dân là một lực lượng có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đã không ngại gian khổ, hy sinh, tích cực tăng gia sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến của dân tộc. Hơn ai hết, Bác Hồ thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của những con người ấy. Trong “Thư gửi nông dân thi đua canh tác” vào tháng 2/1951, Bác viết: “Thực túc thì binh cường! Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất. Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”.
Trong thời kỳ đổi mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, giai cấp nông dân, kinh tế nông nghiệp và khu vực nông thôn luôn khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, là chỗ dựa trung thành, vững chắc của Đảng, của nhân dân. Nhờ đó, Việt Nam chúng ta đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt trên 41 tỷ USD và có hàng chục ngành hàng có doanh số xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Hằng năm, có hơn 3,5 triệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Các tỷ phú nông nghiệp của chúng ta giờ đây không còn hiếm.
Những năm gần đây, đặc biệt từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, vai trò của nền nông nghiệp Việt Nam không chỉ giữ cho xã hội ổn định, mà còn góp phần duy trì tăng trưởng dương của Việt Nam, là một trong những nước hiếm hoi vẫn duy trì tăng trưởng dương trên thế giới.
Thủ tướng nêu rõ, nhìn sâu vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, người nông dân Việt Nam luôn là ngọn cờ đầu trong các phong trào khởi nghĩa, kháng chiến, đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Nhìn rộng ra một cách sâu sắc và toàn diện cho thấy vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn đối với sự phát triển của đất nước đã vô cùng lớn, không chỉ bao trùm mà còn rất bền bỉ, không ồn ào mà thầm lặng, góp phần to lớn cho quốc phú dân cường.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị, tự hào có Bác Hồ dõi theo, chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần, ý chí của người dân Việt Nam. Chúng ta hãy vun đúc khát vọng mãnh mẽ về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân Việt Nam. Nông dân Việt Nam chiếm hơn 1/2 dân số nước ta. Nếu Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 nhưng một nửa nông dân Việt Nam chưa đạt mức thu nhập cao thì chúng ta cũng chỉ mới thành công một nửa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức khánh thành tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam”. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Bao nhiêu hạt gạo, ơn người trồng bấy nhiêu
Chúng ta cần giáo dục cho con cháu chúng ta về lòng biết ơn đối với người nông dân ta, về lòng tự hào vì đã có những lớp nông dân quật khởi, đứng lên chiến đấu chống lại kẻ địch, giữ nước, giữ làng, về những người nông dân tần tảo thức khuya dậy sớm để làm ra những hạt gạo nuôi dân, cứu đói, phục vụ kháng chiến, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Nhắc đến câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”, Thủ tướng nói thêm, "hôm nay đếm chén cơm đầy, bao nhiêu hạt gạo ơn người trồng bấy nhiêu". Chúng ta phải hình thành nên một lớp người nông dân mới, lớp nhà nông 4.0, đó là lớp nhà nông có ý chí và tinh thần với đất nước, tinh thần tự lực, tự cường để khơi dậy sức mạnh nội lực bản thân, không trông chờ ỷ lại.
Chúng ta cần thay đổi tư duy về vai trò, vị thế của người nông dân trong xã hội. Người nông dân phải thay đổi tư duy về tổ chức sản xuất, áp dụng các mô hình sản xuất hiện đại trên nền tảng học hỏi và tiếp thu các tiến bộ công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy tăng năng suất và thu nhập một cách bền vững.
“Tạc tượng đá chi bằng tạc tượng dạ”, hôm nay chúng ta tạc tượng Bác Hồ với nông dân để tưởng nhớ công lao trời biển của Người, để luôn lưu ý những kỷ niệm đẹp của nông dân Việt Nam với Bác. Song quan trọng hơn, chúng ta cần phải tạc vào trong lòng, trọng dạ những lời dạy của Bác, phải ra sức học tập tư tưởng của Người, phải không ngừng tu dưỡng đạo đức trong sáng, rèn giũa ý chí, bản lĩnh của người Cộng sản, cùng làm cho đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, nhân dân ta giàu mạnh, cơ đồ dân tộc mãi bền vững, trường tồn.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, sau hơn 4 năm chuẩn bị và xây dựng, công trình tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” đã hoàn thành, bảo đảm chất lượng và vượt tiến độ đề ra. Công trình được làm với chất liệu bằng đá xanh, nhóm tượng 13 nhân vật, trong đó Bác Hồ là nhân vật trung tâm với chiều cao tượng là 5,04 m, các nhân vật còn lại đại diện cho các thế hệ, người già, các cụ bô lão, trung niên, thanh niên và trẻ em nông thôn Việt Nam, có chiều cao trung bình là 4,6 m, đứng xung quanh tượng Bác, đang hướng về Bác, thể hiện sự kính yêu vô bờ bến. Nhóm các mảng phù điêu có kích thước và vị trí cao nhất là 15,3 m, vị trí thấp nhất là 8,6 m; chiều dài tổng thể 108 m. Trong đó mặt trước thể hiện hình ảnh về nông thôn, nông dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước. Mặt sau thể hiện một số hình ảnh về hoạt động sản xuất làng nghề, hoạt động văn hóa và hình ảnh di tích đặc trưng của tỉnh Thái Bình.