Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp với tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Các ổ dịch trên địa bàn tỉnh hầu hết có nguồn lây nhiễm từ những người về từ các ổ dịch TPHCM, Bình Dương, như chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền… là các F1, F2, F3 nay trở thành F0, hình thành nhiều ổ dịch lớn tại các chợ dân sinh, khu nhà trọ công nhân và các doanh nghiệp trên địa bàn, khiến dịch bệnh trên địa bàn trở nên phức tạp và khó kiểm soát.
Hiện đã ghi nhận ca dương tính ở 2 doanh nghiệp quy mô lớn, có số lượng lao động từ 10.000-20.000 người tại thành phố Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu. Nhiều khu nhà trọ công nhân ở huyện Nhơn Trạch và các địa phương khác đã có các ổ dịch lây nhiễm thứ phát.
Từ 0h ngày 9/7/2021, Đồng Nai đã bắt đầu thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời thiết lập 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào tỉnh để kiểm soát người và phương tiện ra vào.
Mức độ nguy cơ dịch bệnh ở tỉnh Đồng Nai được đánh giá ở mức cao. Cấp huyện, thành phố có 1 đơn vị nguy cơ rất cao, 1 nguy cơ cao, 5 nguy cơ và 4 mức độ bình thường mới; cấp xã, phường có 4 đơn vị nguy cơ rất cao, 4 nguy cơ cao, 40 nguy cơ và 122 mức độ bình thường mới.
Hiện tỉnh đã triển khai 600 giường điều trị COVID-19 và đang chuẩn bị nâng lên khoảng 1.150 giường; số người đã tiêm vaccine COVID-19 đạt gần 35.000 liều; công suất xét nghiệm của tỉnh hiện đạt 5.000 mẫu đơn/ngày, số lao động được xét nghiệm khoảng 98.000 người.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Với tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc sớm, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, lãnh đạo Đồng Nai kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thiết lập đơn vị ICU, bệnh viện dã chiến, khu điều trị bệnh nhân COVID-19. Đồng thời cử các bác sĩ có kinh nghiệm hỗ trợ tỉnh thiết lập, vận hành đơn vị ICU, hỗ trợ điều trị những ca bệnh nặng, huấn luyện sử dụng ECMO tại chỗ và các phương tiện hồi sức cấp cứu. Hỗ trợ thêm các trang thiết bị khác phục vụ ICU và bệnh viện dã chiến như máy thở 40 cái, khoảng 100 máy đo SpO2…
Tại cuộc họp, theo GS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, tại Đồng Nai, nguy cơ dịch từ các điểm có ca mắc lây sang các doanh nghiệp, khu công nghiệp và từ các điểm dịch ra cộng đồng rất cao. Do đó, trong những ngày tới, tỉnh cần nâng năng lực xét nghiệm để nhanh chóng khoanh vùng dịch. Cùng với đó, cần tăng cường đội ngũ truy vết, cả về số lượng và chất lượng, cần có sự tham gia của lực lượng công an và chính quyền cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, lượng người từ TPHCM về Đồng Nai trong các ngày 7, 8, 9/7 vừa qua rất lớn, khả năng lượng F0 trong cộng đồng nhiều. Do vậy, nhiệm vụ cấp bách của Đồng Nai hiện nay là ngăn chặn dịch lan rộng, xâm nhập vào các khu dân cư đông người và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh cũng không nên quá lo lắng mà cần tỉnh táo trong triển khai chống dịch.
Trong kiểm soát dịch, việc tổ chức khai báo cần tính toán, bảo đảm thuận tiện, tránh gây khó khăn khiến người dân khai báo gian dối, phản tác dụng. Cùng với đó, có chiến lược xét nghiệm phù hợp. Còn tại các khu công nghiệp, trong khi đã xuất hiện các ca F0 trong doanh nghiệp nhưng kết quả tự đánh giá nguy cơ của hơn 2.000 doanh nghiệp Đồng Nai không có doanh nghiệp nào có nguy cơ cao và rất cao là cần phải xem lại, tỉnh cần tổ chức kiểm tra, cần phải đánh giá chính xác mới có phương án kiểm soát hiệu quả.
Thời gian tới, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng số ca bệnh chắc chắn sẽ tăng lên nên tỉnh cần tính toán lực lượng, nhân sự bảo đảm cho tổ chức lấy mẫu, truy vết. Bộ Y tế sẽ cùng Bộ Tư pháp sớm trình Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa luật liên quan đấu thầu trong trường cấp bách để có thể nhanh chóng mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ chống dịch.
Ngoài ra, Đồng Nai cần sớm tổ chức tập huấn lực lượng tiêm chủng. Dự kiến trong tháng 7, Việt Nam sẽ nhập về khoảng 9 triệu liều vaccine và sang tháng 8, 9 tới là khoảng 21 triệu liều. Ông Thuấn yêu cầu Viện Pasteur TPHCM hỗ trợ tỉnh tập huấn hỗ công tác chuyên môn cho cán bộ thực hiện tiêm chủng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất tại bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 của tỉnh Đồng Nai tại Trường đại học Mở TPHCM. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá việc Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là quyết định đúng, hợp lý. Vấn đề đặt ra là phải tận dụng được thời gian này để kiềm chế, kiểm soát, chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, cũng cần có phương án chuẩn bị cho những tình huống dịch bệnh ở mức cao hơn.
Để làm được điều này, trước hết phải kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt không chỉ tại các ổ dịch, mà còn phải kiểm soát tốt người đến từ các địa phương khác và kiểm soát cả người ra khỏi tỉnh. Đối với các địa phương trong tỉnh cũng cần làm tốt việc kiểm soát đi lại giữa các huyện, xã theo nguyên tắc “chặt trong”, “chặt ngoài”, bảo đảm “ai ở đâu ở yên đó” thì giãn cách mới hiệu quả, mới kiểm soát được dịch bệnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải có đánh giá đúng về tình hình nguồn lực của địa phương hiện nay cả về cơ sở vật chất và con người. Theo đó, cần có kế hoạch bảo đảm cơ sở vật chất để phục vụ chống dịch theo từng tình huống cụ thể, như trang thiết bị phục vụ lấy mẫu, sinh phẩm xét nghiệm; cơ sở cách ly, điều trị bệnh nhân. Đặc biệt là phải có phương án ngay từ bây giờ về đội ngũ nhân viên y tế tương ứng.
Về tổ chức thực hiện, cần sự thống nhất trong phối hợp giữa các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, từ khoanh vùng, xét nghiệm, phong tỏa, cách ly, điều trị để tránh bỏ sót; sớm triển khai áp dụng công nghệ trong truy vết, trong tổ chức giao thông...
Trong lấy mẫu cần bảo đảm an toàn cho nhân viên làm nhiệm vụ; lấy mẫu phải có trọng tâm, trọng điểm, không làm đại trà, có ưu tiên căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ, tránh lãng phí. Không để tập trung đông người, tổ chức xét nghiệm tới tận khu phố, gia đình để bảo đảm an toàn. Tổ chức xét nghiệm và trả kết quả, công bố ca bệnh phải tổ chức khoa học.
Tỉnh cần tận dụng thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg để thực hiện giãn cách tại nhà, tuy nhiên cần quản lý tốt, nhất là hoạt động giám sát cộng đồng. Trường hợp không bảo đảm cách ly tại nhà thì áp dụng cách ly tập trung hoặc các hình thức khác, trong đó, cách ly F1 không quá 2 người/phòng và phải được giãn cách đúng quy định.
Đối với sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp có phương án cho người lao động ăn, nghỉ tại khuôn viên nơi làm việc. Với doanh nghiệp không thể thực hiện thì đưa đón cần khép kín. Các cơ sở sản xuất không bảo đảm điều kiện an toàn phòng dịch phải cho tạm dừng hoạt động, tránh để bùng phát dịch trong các khu công nghiệp. Tại các khu lưu trú của công nhân, các khu nhà trọ đông người thì địa phương và doanh nghiệp cùng khối hợp quản lý, bảo đảm an toàn.
Về lưu thông hàng hóa, nguyên tắc là bảo đảm chống dịch. Tuy nhiên tỉnh cần phối hợp tốt với các tỉnh, thành phố trong khu vực để có giải pháp, rút kinh nghiệm một số địa phương đưa ra biện pháp cứng nhắc, làm đứt gãy lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, Bộ Y tế cần tổng kết, rút kinh nghiệm từ những đợt dịch trước và đặc biệt là biến chủng của virus trong đợt dịch thứ 4 này về mức độ nguy hiểm để có hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo Đồng Nai cần triển khai nhanh, hiệu quả Nghị quyết 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống cho người lao động, nhất là những người nghèo, người yếu thế, hỗ trợ người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.
Mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng nếu Đồng Nai phát huy tốt vai trò của hệ thống chính trị, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, sự chia sẻ của người dân chung tay cùng chính quyền trong phòng, chống dịch, đặc biệt là giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, Phó Thủ tướng tin tưởng Đồng Nai sẽ kiểm soát được tình hình, góp phần cùng các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép trong năm 2021.
Tại Đồng Nai hôm nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đi kiểm tra cơ sở vật chất bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 của tỉnh Đồng Nai đặt tại Trường Đại học Mở TPHCM (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa).
Mạnh Hùng