Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vừa qua, anh ông Công đã thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền ngân hàng. Nay bố ông Công đã chết chỉ còn mẹ. Ông Công hỏi, nếu ông muốn chia tách thửa đất thì có được không và thủ tục như thế nào?
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời ông Công như sau:
Do không có đầy đủ thông tin, các giấy tờ tài liệu liên quan đến quá trình sử dụng đất, căn cứ xác lập quyền sử dụng đất, việc đăng ký quyền sử dụng đất của anh ông Công, nên luật sư không có cơ sở để đưa ra ý kiến về việc anh ông Công được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đúng trình tự, thủ tục, đối tượng hay không.
Nếu anh ông Công đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng trình tự, thủ tục, đúng đối tượng theo quy định của pháp luật, thì quyền sử dụng đất thuộc về anh ông Công. Căn cứ quy định tại Điều 106 Luật Đất đai, anh ông Công có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Hiện nay anh ông Công đang thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền ngân hàng. Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 348 Bộ Luật Dân sự, bên thế chấp tài sản không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, như vậy chỉ khi nào trả xong nợ, giải chấp tài sản thế chấp thì anh ông Công mới có thể thực hiện quyền của người sử dụng đất như tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trường hợp sau khi trả xong nợ ngân hàng, giải chấp tài sản thế chấp, mà anh ông Công thỏa thuận tặng cho, chuyển quyền sử dụng đất một phần thửa đất cho ông Công thì hai bên phải lập hợp đồng và chứng nhận hợp đồng tại một tổ chức công chứng ở địa phương nơi có đất; thuê đo đạc địa chính chia tách thửa đất, đăng ký biến động quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.