Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi thông tin tại họp báo sau kỳ họp ABAC III, Ban Tổ chức cho biết, với chủ đề "Nắm bắt. Tham gia. Kiến tạo" (Embrace. Engage. Enable), sự kiện diễn ra từ ngày 26-29/7 đã thu hút khoảng 150 đại biểu quốc tế là các thành viên ABAC, bao gồm các lãnh đạo các tổ chức xúc tiến và đầu tư có uy tín và ảnh hưởng lớn, các tập đoàn, DN tiêu biểu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tham dự.
Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng tới các đại biểu ABAC tại phiên khai mạc kỳ họp vào sáng 27/7, thể hiện sự quan tâm, chào đón và ủng hộ của Việt Nam đối với ABAC và các hoạt động của Hội đồng.
Chủ tịch nước đã "đánh giá cao việc ABAC đã tổ chức kỳ họp III năm nay tại Hạ Long để thúc đẩy hợp tác trong khối DN tư nhân APEC, cùng nhau tìm cách phục hồi sản xuất kinh doanh thúc đẩy thương mại, đầu tư và kết nối lại các chuỗi cung ứng, và hướng tới phát triển sáng tạo, bền vững và bao trùm trong khu vực". Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh lợi thế của Việt Nam như một một nền kinh tế năng động, tiềm năng và đang thành công trong việc duy trì đà tăng trưởng tích cực và ổn định, đồng thời là điểm đến an toàn, hấp dẫn về đầu tư, và đặc sắc về danh lam thắng cảnh và du lịch: "Việt Nam là điểm đến bình yên, an toàn và tràn đầy tiềm năng hợp tác, rộng mở vòng tay chào đón và khuyến khích các DN APEC".
Mục tiêu của kỳ họp thứ 3 là xây dựng Báo cáo khuyến nghị của DN gửi lên các bộ trưởng APEC, hoàn thiện Báo cáo thường niên của ABAC trình lên lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế APEC và chuẩn bị nội dung cho đối thoại giữa lãnh đạo APEC với ABAC sẽ diễn ra trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 tại Thái Lan vào tháng 11 tới.
Để tăng cường hội nhập kinh tế, ABAC đã liên tục ủng hộ việc hiện thực hóa Khu vực Thương mại tự do Thái Bình Dương (FTAAP), đề xuất lên các bộ trưởng APEC các mục tiêu cần sớm thực hiện thông qua các chương trình hành động và ưu tiên trong 5 lĩnh vực, gồm chuyển đổi số, phát triển bao trùm, bền vững, thương mại và đầu tư, và ứng phó với đại dịch.
Các trọng tâm của ABAC đã và sẽ tiếp tục theo đuổi là các ưu tiên trong việc tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) trong khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Hỗ trợ các MSME này phát triển một cách bền vững với cách tiếp cận có tầm nhìn dài hạn thông qua áp dụng chuyển đổi số để tăng cường khả năng phục hồi và thúc đẩy sự đổi mới, đáp ứng nhanh với nhu cầu thị trường và môi trường kinh doanh liên tục thay đổi. ABAC cũng ủng hộ chương trình nghị sự toàn cầu về tính bền vững, nền kinh tế Net Zero và thúc đẩy các lộ trình phục hồi xanh, đảm bảo an ninh và an toàn lương thực.
Thông báo sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 cho biết, sự kiện đã quảng bá được tiềm năng thế mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh "An toàn, thân thiện, hấp dẫn", có lợi thế so sánh bậc nhất hiện nay trên cả nước, là địa phương đã 5 năm liên tiếp từ 2017 đến 2021 đứng đầu Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số PCI.
Thông qua phiên trao đổi thảo luận trong khuôn khổ hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện được cam kết đồng hành mạnh mẽ, mục tiêu và những định hướng phát triển của tỉnh trong tương lai.
Quảng Ninh ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, du lịch dịch vụ, năng lượng tái tạo năng lượng xanh… Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, chiến lược từ các quốc gia trên thế giới và từ các nền kinh tế thành viên APEC, Quảng Ninh đã tiếp thu được nhiều khuyến nghị của nhà đầu tư, đặc biệt là DN, nhà đầu tư đến từ Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ… cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để thực hiện và có sự chuẩn bị sẵn sàng, tốt nhất nhằm thu hút các nhà đầu tư, DN vào đầu tư, kinh doanh và sinh sống gắn bó với Quảng Ninh.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào Khu công nghiệp Deep C với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1,5 tỷ USD và lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án trị giá gần 60 triệu USD.
Trong đó, dự án khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), phục vụ công nhân, người lao động của các DN trong Khu Công nghiệp Sông Khoai là một trong những dự án góp phần hiện thực hóa chủ trương của tỉnh về đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh.
Thông qua hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã truyền tải thông điệp đến cộng đồng các DN, nhà đầu tư nói chung và đại biểu đến từ 21 nền kinh tế APEC nói riêng về sự chân thành mời gọi, sẵn sàng trao đổi, cởi mở tất cả các nội dung, hoan nghênh và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, cung cấp các dịch vụ công tiện ích, các điều kiện về đầu tư, kinh doanh, thương mại, du lịch tốt nhất, hướng tới sự phát triển song hành bền vững.
Mục tiêu của sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông không chỉ thúc đẩy liên kết kinh tế giữa 4 tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên - những địa phương đang là những cực tăng trưởng nằm trên trục đường cao tốc hướng Đông, mà còn hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, thiết lập cơ chế điều phối và triển khai hiệu quả để khơi thông, kết nối các nguồn lực, bổ sung lợi thế cho nhau, tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.
Các tỉnh tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế-xã hội ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại để tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ.
Việc liên kết 4 địa phương sẽ tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Hà Nội, 5 lần TPHCM và 8 lần so với Đà Nẵng, và quy mô dân số gấp gần 6 lần Đà Nẵng, bằng khoảng gần 80% dân số Hà Nội và bằng gần 70% dân số TPHCM.
Bốn địa phương có lợi thế lớn về kết nối về hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước. Các DN trong vùng có thể sử dụng 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế.
Các bên tham gia liên kết cùng thống nhất thành lập Hội đồng kết nối vùng, kết nối với cộng đồng DN, các ngành và các đối tác quốc tế để tạo ra một mô hình kết nối kinh tế vùng thành công, với các hoạt động thực chất, cụ thể, đem lại hiệu quả tốt nhất cho quá trình phát triển kinh tế bền vững của cả 4 địa phương.
Đóng góp vào quá trình này, thời gian qua, Quảng Ninh luôn luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh, thành phố lân cận (Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn) tìm cách kết nối chia sẻ nguồn lực chung, tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông động lực chiến lược, kiến tạo các hành lang phát triển mới, khơi thông, kết nối các nguồn lực phát triển.
Kỳ họp thường niên lần thứ 3 của ABAC do VCCI chủ trì, cùng UBND tỉnh Quảng Ninh và 2 thành viên ABAC Việt Nam là Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Tập đoàn Sovico phối hợp tổ chức đã thành công tốt đẹp.
ABAC được lãnh đạo Kinh tế APEC thành lập tháng 11/1995 theo yêu cầu của khu vực kinh tế tư nhân với mục tiêu tư vấn cho các nhà lãnh đạo APEC về những vấn đề quan trọng hàng đầu liên quan tới hoạt động kinh doanh trong khu vực.
ABAC gồm đại diện của 21 nền kinh tế thành viên, mỗi nền kinh tế được chỉ định tối đa 3 đại diện từ khu vực kinh tế tư nhân. Thành viên ABAC sẽ do nguyên thủ nền kinh tế APEC chính thức bổ nhiệm để đại diện cho khu vực kinh tế tư nhân ở mọi cấp độ, bao gồm cả DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Huy Thắng