• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

ADB: Việt Nam có cơ hội bứt phá trong chuyển đổi xanh và số hóa

(Chinhphu.vn) - Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Báo Điện tử Chính phủ nhân dịp Việt Nam đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) 2025, ông Scott Morris, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhấn mạnh: Việt Nam đang có cơ hội bứt phá để trở thành hình mẫu tăng trưởng xanh nếu xây dựng được một môi trường chính sách đủ mạnh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và bảo đảm công bằng trong quá trình chuyển đổi.

15/04/2025 14:49
ADB: Việt Nam có cơ hội bứt phá trong chuyển đổi xanh và số hóa- Ảnh 1.

Theo ông Scott Morris, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, thậm chí nhanh hơn nhiều quốc gia trong khu vực - Ảnh: VGP/Quang Thương

Trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên chuyển đổi xanh và số hóa, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của những cơ hội mang tính bước ngoặt, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Với quyết tâm hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực kiến tạo một mô hình phát triển kinh tế bền vững, bao trùm và thích ứng.

Là một trong những đối tác phát triển chiến lược của Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã và đang đồng hành sâu sát trong nhiều lĩnh vực then chốt. Nhân dịp Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư tại Hà Nội, ông Scott Morris, Phó Chủ tịch ADB, đã chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ về tiềm năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam trong hành trình hướng tới một nền kinh tế xanh, bao trùm và bền vững.

Theo ông Scott Morris, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, thậm chí nhanh hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Đây là nền tảng quan trọng để theo đuổi những mục tiêu đầy tham vọng về chuyển đổi số và năng lượng. Tuy nhiên, việc triển khai công nghệ mới ở quy mô lớn, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng xanh, vẫn đối mặt với không ít thách thức từ chi phí, năng lực triển khai đến khung khổ chính sách.

Chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để xây dựng một hệ thống năng lượng ổn định, bền vững, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các công nghệ mới đang góp phần làm thay đổi bài toán chi phí, nhưng để phát huy hiệu quả, Việt Nam cần một môi trường chính sách đủ mạnh để hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Morris nhận định. 

ADB: Việt Nam có cơ hội bứt phá trong chuyển đổi xanh và số hóa- Ảnh 2.

Ông Scott Morris nhấn mạnh tăng trưởng không thể được coi là thành công nếu một bộ phận người dân bị bỏ lại phía sau - Ảnh: VGP/Quang Thương

Theo ông, thành tích giáo dục của Việt Nam là đáng ghi nhận, nhưng điều quan trọng là phải chuyển hóa những thành tựu này thành kỹ năng nghề nghiệp thực tiễn – nhất là trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo (AI).

Đồng thời, ông Scott Morris nhấn mạnh rằng một nền kinh tế bền vững không thể thiếu tính công bằng xã hội. “Tăng trưởng không thể được coi là thành công nếu một bộ phận người dân bị bỏ lại phía sau. Các khoản đầu tư phải có mục tiêu rõ ràng, hướng đến các cộng đồng dễ bị tổn thương, doanh nghiệp nhỏ, phụ nữ và trẻ em gái để bảo đảm mọi khu vực trong nền kinh tế đều có cơ hội phát triển”.

Ông cũng cho biết ADB đang triển khai một mô hình hợp tác song song giữa khu vực công và tư nhân. Với khu vực công, ADB hỗ trợ cải cách chính sách để mở đường cho đầu tư; với khu vực tư, ADB trực tiếp đầu tư vào các doanh nghiệp và lĩnh vực tiềm năng, nhằm lan tỏa hiệu ứng đến toàn nền kinh tế. Mục tiêu dài hạn là thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng sạch, để giúp Việt Nam loại bỏ dần các nguồn năng lượng gây ô nhiễm và chuyển dịch sang các giải pháp hiệu quả, bền vững hơn.

Trước tiềm năng đang mở ra, Việt Nam đang ở vào thời điểm quan trọng để hành động. Việc hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bao trùm không thể chỉ dựa vào cam kết, mà cần đến một hệ sinh thái chính sách thực chất, đồng bộ và đủ sức khuyến khích khu vực tư nhân cùng tham gia kiến tạo tương lai.

Các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đầu tư vào hạ tầng xanh, chuyển giao công nghệ, cũng như có cơ chế ưu đãi và bảo lãnh đủ hấp dẫn để thu hút dòng vốn tư nhân. Đồng thời, cần có các chương trình đào tạo kỹ năng mới cho lực lượng lao động nhằm bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi.

Với sự đồng hành của các tổ chức phát triển như ADB, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để vươn lên trở thành hình mẫu tăng trưởng xanh không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu. 

Hoàng Thu Trang