Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, từ đầu năm đến nay, Agribank đã dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ DN, người dân
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, từ đầu năm đến nay, Agribank đã dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ DN, người dân. Ngân hàng đã 7 lần giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ 2-4%/năm so với cuối năm 2022. Ngoài ra, ngân hàng đã chủ động cơ cấu nợ theo Thông tư 02 cho hơn 2.000 khách hàng.
Đáng chú ý, cùng với việc giảm lãi suất, Agribank vẫn tích cực cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, giảm tỉ lệ nợ xấu, đồng thời vẫn bảo đảm là ngân hàng chủ lực cho vay nông nghiệp nông thôn, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng.
Liên quan đến vấn đề xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch HĐTV Agribank thông tin, thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Agribank đã xây dựng và trình NHNN phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; trong đó tập trung vào một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở phương án đã xây dựng, Agribank đã chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại, đến 30/6/2023, ngân hàng cơ bản đạt và vượt tiến độ mục tiêu đã đề ra.
Mặc dù đã có những kết quả khả quan, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Agribank xác định sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Một là, về nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các DN hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng, mặc dù NHNN đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ.
Hai là, sự phát triển công nghệ, số hóa trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra với tốc độ rất nhanh, các công ty fintech vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh và các NHTM cổ phần sẵn sàng đầu tư nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghệ một cách mau lẹ để chiếm ưu thế so với NHTM Nhà nước (do trình tự, thủ tục đầu tư các dự án về công nghệ mất rất nhiều thủ tục và thời gian).
Ba là, về bảo đảm vốn tự có để đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II vẫn là thách thức. Dù với đề nghị của Chính phủ, Quốc hội thông qua Nghị quyết tăng vốn điều lệ tối hơn 17.000 tỷ đồng cho Agribank giai đoạn 2021-2023, nhưng số vốn tăng thêm này chỉ đủ tăng trưởng tín dụng năm 2024. Dự kiến, trong năm 2025, nếu tăng trưởng tín dụng 10% cần Nhà nước cấp vốn điều lệ lên tới 10.000 tỷ đồng.
Nhìn ra thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ kiểm soát lạm phát nhiều nền kinh tế lớn ảnh hưởng hoạt động DN, sức cầu giảm thấp tồn kho tăng cao, quan hệ kinh tế thương mại suy giảm. Do đó, dù Agribank nhiều giải pháp, trong đó có nhiều lần hạ lãi suất, nhưng tăng trưởng tín dụng thấp.
Người đứng đầu Agribank cho rằng, tăng trưởng tín dụng thấp ngoài nguyên nhân mùa vụ nông nghiệp, còn có nguyên nhân khách hàng không đáp ứng điều kiện, khách hàng vay đảo nợ, tránh nợ xấu ngân hàng khác, hay khách hàng hoạt động cầm chừng... không đáp ứng điều kiện cho vay.
Do đó, ông Phạm Đức Ấn cho rằng, chính sách tài khóa cần phát huy nhiều hơn trong việc khơi thông nguồn lực kinh tế tăng sức cầu trong nước. Chính phủ có cơ chế tăng cường tính tự chủ tự chịu trách nhiệm của DNNN, đặc biệt NHTM Nhà nước, qua đó ưu tiên quản lý theo mục tiêu thay cho hành vi để NHTM Nhà nước chủ động linh hoạt có giải pháp sáng tạo tạo trong đầu tư công nghệ, phối hợp với fintech tạo ra sản phẩm dịch vụ nhanh nhất đáp ứng yêu cầu cạnh tranh. Agribank cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương, từ năm 2024 cho phép áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hằng năm cho Agribank.
Trước đó, tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến trong toàn hệ thống, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, đến 30/6/2023, tổng tài sản của Agribank đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,46 triệu tỷ đồng; các tỉ lệ an toàn hoạt động bảo đảm theo quy định.
Agribank luôn làm tròn nhiệm vụ chính trị, vai trò của NHTM hàng đầu Việt Nam, giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với tỷ trọng đầu tư cho khu vực "tam nông" chiếm khoảng 65%/tổng dư nợ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm Agribank triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, nỗ lực hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả. Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng đồng thời tích cực triển khai các chính sách, như: Chính sách cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02, đến hết tháng 6 đã cơ cấu lại nợ cho hơn 2.000 khách hàng; hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, với doanh số cho vay là 10.813 tỷ đồng, dư nợ 4.973 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 57,4 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng, như chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD; chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với tổng nguồn vốn cho vay lên đến 15.000 tỷ đồng…
NHNN vừa triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản là khoảng 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra là 10.000 tỷ đồng), thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn.
Đến nay đã có 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội.
Anh Minh