Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Lễ ký kết Biên bản hợp tác giữa Trung tâm Sáng tạo, khai thác dữ liệu và AgriS.
Theo đó, hai bên cùng thống nhất xây dựng và phát triển nguồn dữ liệu nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm mô hình thực địa, phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nông nghiệp, xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá nông nghiệp tích hợp tiêu chí ESG.
Trên cơ sở đó, hạ tầng dữ liệu ngành nông nghiệp được chuẩn hóa theo đặc thù vùng sinh thái, tạo nền tảng cho việc phát triển giải pháp và sản phẩm nông nghiệp hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng hình thành hệ sinh thái dữ liệu nông nghiệp mở, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam.
"Việc triển khai ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác ngày hôm nay là cột mốc quan trọng của AgriS, đặc biệt khi từ ngày 1/7/2025, Luật Dữ liệu có hiệu lực và dữ liệu được công nhận là nguồn lực chiến lược mới. AgriS cam kết tối ưu hệ sinh thái dữ liệu nông nghiệp tuần hoàn AgTech-FoodTech-FinTech-ESG nhằm thúc đẩy số hóa trong nông nghiệp, đóng góp vào mục tiêu làm chủ công nghệ dữ liệu lõi của Chính phủ", bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT AgirS chia sẻ.
Phát triển nền nông nghiệp số không chỉ dừng lại ở ứng dụng máy móc hiện đại, mà còn đòi hỏi một nền tảng dữ liệu vững mạnh có khả năng phản ánh nhanh chóng và chính xác các biến động về thời tiết, thổ nhưỡng, sinh trưởng cây trồng và thị trường.
Đề án Trung tâm Dữ liệu trồng trọt quốc gia là sáng kiến của AgriS với vai trò là thành viên của Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, đóng góp vào mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp thông minh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Trung tâm Sáng tạo, khai thác dữ liệu là đơn vị chiến lược thuộc Trung tâm Dữ liệu quốc gia, là bộ não đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dữ liệu, thúc đẩy khai thác, ứng dụng, chuyển hóa dữ liệu thành giá trị phục vụ quản trị, điều hành và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc tận dụng hệ thống dữ liệu ngành trồng trọt cần được chuẩn hóa dựa trên nền tảng công nghệ cao để khai mở tiềm năng lớn lao, tạo bệ phóng để nền nông nghiệp Việt Nam bức phá mạnh mẽ, phát triển bền vững theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên quốc gia.
Việc xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu trồng trọt chuẩn hóa và phù hợp với đặc điểm từng vùng sinh thái nông nghiệp giúp phản ánh kịp thời các biến động thời tiết, thổ nhưỡng, cây trồng và thị trường, đồng thời có thể tích hợp với các cơ sở dữ liệu ngành hiện có. Đây là tiền đề quan trọng để hình thành hệ sinh thái nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số, liên kết chuỗi giá trị bền vững trên nền tảng dữ liệu minh bạch, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Minh Thi