Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo hãng tin Anh Reuters, tuyên bố của quân đội Syria cho biết vụ không kích vào đêm 12/4 (giờ địa phương) đã khiến các chất độc phát tán ra ngoài và "hàng trăm người, trong đó có nhiều dân thường" thiệt mạng.
Trong khi đó, Truyền hình Nhà nước Syria nhận định vụ việc trên chứng tỏ rằng IS và các tay súng có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al Qaeda "sở hữu các vũ khí hóa học".
Liên quan đến vụ việc, ngày 13/4, Liên minh quân sự chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng do Mỹ đứng đầu đã phủ nhận cáo buộc của quân đội Syria liên quan đến vụ không kích một kho vũ khí hóa học của IS ở miền Đông nước này khiến hàng trăm người thiệt mạng do chất độc phát tán.
Trong thư gửi hãng tin Reuters (Anh), người phát ngôn liên minh, Đại tá Không quân Mỹ John Dorrian khẳng định liên quân không tiến hành bất kỳ cuộc không kích nào tại tỉnh Deir al-Zor vào đêm 12/4 (giờ địa phương).
Quan chức này bác bỏ các thông tin quân đội Syria đưa ra đồng thời cáo buộc phía Syria "cố ý đánh lạc hướng" thông tin.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết không có thông tin về những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công do liên quân tiến hành tại khu vực tỉnh Deir al-Zor của Syria.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đã triển khai máy bay không người lái để kiểm tra tình hình khu vực.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, các vụ không kích nhằm vào một thị trấn ở tỉnh trên ngày 13/4 đã khiến 7 dân thường thiệt mạng và hơn 70 người bị thương.
Trong khi đó, quân đội Syria cho biết vụ không kích khiến các chất độc phát tán ra ngoài và "hàng trăm người, trong đó có nhiều dân thường" thiệt mạng.
Tình hình Syria hiện rất căng thẳng sau khi Mỹ phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ Sharyat của Syria ở tỉnh Homs, khiến căn cứ này gần như bị phá hủy hoàn toàn. Hành động quân sự này của Mỹ diễn ra sau khi xảy ra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí vũ khí hóa học gây thương vong cho dân thường ở Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đây là một hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế với một cái cớ bịa đặt.
Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng kiên quyết phủ nhận việc can dự vào cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học, khẳng định các lực lượng vũ trang Syria chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công.
Hiện một nhóm chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), có trụ sở ở La Hay, Hà Lan, đã được cử đến Thổ Nhĩ Kỳ để thu thập các mẫu phẩm từ các bệnh nhân Syria được chuyển đến quốc gia này như một phần trong công tác điều tra vụ tấn công nghi là bằng vũ khí hóa học ở Syria hồi tuần trước, khiến 87 người thiệt mạng.
Trước đó, hôm 12/4, dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó lên án vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhun do quân nổi dậy chiếm đóng ở Syria đã không được thông qua. Moskva cho rằng chưa có đủ bằng chứng để kết tội chính quyền Damascus trong vụ việc này./.