• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Ai đẩy Hy Lạp đến bờ vực

(Chinhphu.vn) - Tại sao Hy Lạp lại nên nông nỗi như hiện nay và ai là người thực sự có lỗi trước thảm cảnh này?

09/07/2015 14:15
Ảnh minh họa
Cha đẻ của EU với đồng tiền chung euro hiện nay- chính trị gia người Pháp Jacques Delors- khi được hỏi căn cứ vào đâu mà ông đưa ra ý tưởng xây dựng Liên minh châu Âu? J.Delors nói, ông “copy” theo mô hình của Liên bang Xô Viết, nơi mà ở đó có 1 nhà nước chung, đồng tiền chung và sức lao động tự do di chuyển.

Thời kỳ những năm 1980, khi ý tưởng này nảy sinh là lúc cuộc đua giữa “ba trục của tam giác” trên thương trường quốc tế là Mỹ - EU và Nhật Bản đang diễn ra rất quyết liệt (giai đoạn này, kinh tế Liên Xô đang dần tụt hậu hẳn so với phương Tây). 

Đồng euro ra đời với mục đích chủ yếu là tạo một sức mạnh đối trọng với đồng USD (cuối những năm 1990, nền kinh tế Nhật Bản cũng rơi vào tình trạng “ngủ đông”, hầu như không có tăng trưởng). Vì là đồng tiền đại diện cho 19 quốc gia ở châu Âu nên dù euro có tạo nên những vị thế nhất định cho toàn khối và một số “thủ lĩnh” trong EU, như Đức , Pháp, Italy…, đằng sau nó lại ẩn chứa rất nhiều bất hợp lý.

Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) một khi đã trở thành “sân chơi” của nhiều quốc gia, lẽ đương nhiên cũng phải có các “luật chơi” đi kèm. Nhưng do có rất nhiều khác biệt và nhất là sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế quá lớn nên sự hòa nhập, mức độ “sánh vai” giữa 19 quốc gia trong Eurozone ngay từ những năm tháng đầu tiên đã bộc lộ nhiều bất cập. Và Hy Lạp là một trong những điển hình như vậy.

Hệ lụy của sự ràng buộc

Hy Lạp có khoảng 11 triệu dân và mật độ khoảng 85người/km², khi gia nhập Eurozone năm 2001 được Morgan Stanley Capital International World (MSCI World) xếp vào nhóm những nước công nghiệp phát triển, nhưng cơ cấu và đặc thù của nền kinh tế đã chứa đựng những yếu tố bất ổn.

Cụ thể, khu vực kinh tế nhà nước chiếm 40% GDP, ngành xây dựng những năm 2000 đã mang về doanh thu khoảng 10% GDP nhưng xuất phát từ nhu cầu chuẩn bị cho Athens Olympic 2004 nên không có tính phát triển bền vững. Ngành du lịch, một trong những ngành phụ thuộc rất lớn vào “yếu tố nước ngoài” đóng góp 15% GDP và 16,5% việc làm cho quốc gia này.

Khi gia nhập Eurozone, người dân Hy Lạp đều hy vọng vào những lợi ích kinh tế và chính trị mà khối này sẽ mang lại, tuy nhiên sự lệ thuộc, những ràng buộc đã chỉ mang đến những hệ lụy.

Trước khi gia nhập Eurozone, Hy Lạp là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong khối, đặc biệt là những năm từ 1950-1973, thời kỳ được gọi là bùng nổ của kinh tế Hy Lạp với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm. Do sự khắt khe của “luật chơi”, sau khi chuyển đổi từ đồng drachma sang đồng euro không lâu, ngành luyện kim của Hy Lạp sụt giảm 30%, các hạn ngạch về lương thực thực phẩm (nhất là thịt và hoa quả) đã đẩy nông nghiệp của nước này phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Nga. Khu vực dịch vụ cũng trở nên kém hiệu quả. Nợ công bắt đầu vượt ngưỡng GDP. Dù Hy Lạp thuộc nhóm những quốc gia đứng đầu về mức đầu tư tại vùng Balkan (năm 2006, Ngân hàng Trung ương Hy Lạp mua 46% cổ phiếu Finansbank của Thổ Nhĩ Kỳ và 99,44% cổ phiếu Vojvodanska Serbia) nhưng vị thế và tiếng nói chính trị của Hy Lạp tại khu vực này vẫn bị các cường quốc trong EU “át”.

Khủng hoảng tài chính những năm 2008-2009 đã đẩy Hy Lạp vào vòng xoáy nợ nần. Năm 2009, nợ công của Hy Lạp vượt ngưỡng GDP, đạt mức 127% và chỉ một năm sau đó con số này đã vọt lên 146%GDP! Năm 2012, Hy Lạp trở thành nước đầu tiên trong nhóm công nghiệp phát triển bị MSCI World gạch tên và đánh tụt xuống nhóm các nước đang phát triển.

Vì là thành viên của Eurozone nên “một cơn mưa tiền” từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các “thủ lĩnh” của EU, như Đức, Pháp, Italy… được rót vào để bịt “lỗ hổng về tài chính” đang ngày một lớn tại Hy Lạp. Tuy nhiên, những vấn đề lớn hơn cũng đang tồn tại như vực dậy nền sản xuất công nghiệp hay tạo thêm nhiều việc làm… lại dường như bị quên lãng. Thêm vào đó là yêu cầu phải “thắt lưng buộc bụng” để tạo ra thặng dư ngân sách, như áp thuế VAT vào doanh thu của ngành du lịch vô hình chung đã “bóp chết” ngành công nghiệp không khói này và cả với ngành nông nghiệp cũng vậy (mặc dù Mỹ và một loạt các cường quốc của EU vẫn đang thực hiện trợ giá cho một số mặt hàng nông sản, thực phẩm của mình).

Sang năm 2015, nợ công của Hy Lạp có giảm một chút so với năm 2014 nhưng với mức nợ khoảng 320 tỷ euro vẫn là con số quá lớn so với GDP của quốc gia này (bằng 176% GDP).

Chuyên gia kinh tế của Trung tâm cải cách châu Âu (CER) Simon Tilford nhận định: “Vấn đề nợ công của Hy Lạp hiện đã trở nên trầm trọng hơn nhiều so với 5 năm trước, thời điểm mà quốc gia này mới sa vào khủng hoảng. Suy thoái kinh tế là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình cảnh này. Tăng trưởng kinh tế 1,6% mới chỉ bắt đầu xuất hiện từ năm 2014 và với tốc độ này phải 20 năm nữa, tức là mất cả một thế hệ, Hy Lạp mới cơ bản trả được số nợ mà họ đang gánh. Có lẽ chính vì thế mà các cử tri đã bỏ phiếu phản đối chính sách khắc khổ mà các chủ nợ yêu cầu”. Còn từ góc độ chính trị thì các nước vùng Balkan mà điển hình là Hy Lạp ít được lưu tâm khi bày tỏ các quan điểm của mình trên bình diện quốc tế.

Những toan tính và thế tiến thoái lưỡng nan


Tình hình địa chính trị thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp. Các cường quốc hàng đầu luôn tận dụng tối đa những động thái này nhằm đạt được những mục đích của mình. Chính Điện Kremlin đã xác nhận Tổng thống Nga V.Putin là nguyên thủ đầu tiên được Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras chủ động điện đàm ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố.

Từ khi Hy Lạp từ chối trả khoản nợ hơn 1,5 tỷ euro cho IMF đã đến hạn vào ngày 2/7, không chỉ EU mà cả Hoa Kỳ cũng đang hết sức quan ngại sự rạn nứt trong Eurozone nếu Hy Lạp rời khỏi khu vực này. Chính người phát ngôn của Nhà trắng Josh Ernest đã phải tuyên bố: “Athens và Brussels cần phải đi tới thỏa hiệp nhằm giúp cho Hy Lạp có mức độ nợ công hợp lý và kinh tế có tăng trưởng. Hoa Kỳ không ủng hộ ý tưởng về việc Hy Lạp rời Eurozone”.

The Washinghton Times mới đây đã dẫn lời của cựu thành viên Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ Henry Nau: “Nếu Athens không thỏa thuận được với các chủ nợ châu Âu thì rất có thể Hy Lạp sẽ ngả về phía Moscow và cuộc khủng hoảng tại đất nước này sẽ trở thành vấn đề với an ninh của Mỹ. Vì thế Washington cần phải tích cực hơn nữa trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại đây nếu không Nga sẽ nhanh chân hơn phương Tây để củng cố quan hệ với một thành viên trong NATO”.

Còn chuyên gia phân tích thuộc Heritage Foundation Luke Coffey thì nhận định: “Bằng việc trợ giúp về tài chính cho Athens, Moscow sẽ có nhiều cơ hội để thâm nhập và kiểm soát các cảng biển lớn tại Địa Trung Hải. Hơn nữa Nga sẽ có được đồng minh là thành viên NATO, thông qua đồng minh này những quyết định của NATO nếu chĩa vào Nga thì sẽ bị ngăn chặn vì nguyên tắc “tuyệt đối đồng thuận” của khối liên minh quân sự này”.

Hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp của EU diễn ra hôm thứ ba (7/7) nhằm giải quyết khủng hoảng tại Hy Lạp không những không mang lại kết quả gì mà còn xuất hiện những thái độ trái chiều. Thủ tướng Đức A.Merkel vẫn rất cứng rắn với quan điểm: “Hy Lạp phải cắt giảm chi tiêu, chấp nhận các điều kiện của chủ nợ và bắt đầu tiến hành trả nợ” và “Những khoản trợ giúp ngắn hạn sẽ chỉ được nhắc đến khi mà các đề nghị chiến lược của quốc gia này tương đối phù hợp với yêu cầu của các chủ nợ”. Tổng thống Pháp F.Holland cũng giữ quan điểm như vậy. Tuy nhiên, một số nguyên thủ quốc gia của EU lại có quan điểm mềm mỏng hơn, ví dụ Thủ tướng Áo Werner Faymann không loại trừ khả năng vẫn tiếp tục cho Hy Lạp vay tiền. Còn Bộ trưởng Tài chính của Ireland Michael Noonan thì bóng gió: “các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone có thể cho phép tái cơ cấu lại các khoản nợ của Hy Lạp” (khả năng này trước đó hoàn toàn bị loại bỏ).

Cả phương Tây mà cụ thể là Cộng đồng châu Âu đang đau đầu vì vấn đề khủng hoảng nợ công của Hy Lạp. Hầu hết đều cho rằng “thủ phạm chính” là Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsepras. Tuy nhiên, những lỗi mang tính hệ thống của EU, của Eurozone… mới là “thủ phạm chính”. EU mà cụ thể là Eurozone đã bộc lộ tính chất “đông mà không tinh” từ cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp. Hệ lụy rất có thể sẽ nảy sinh như là một hiệu ứng Domino bị kích hoạt từ trường hợp vỡ nợ của Hy Lạp (dù chưa công bố nhưng thực tế đang xảy ra) đối với Italy, Tây Ban Nha và thậm chí là cả Pháp vì tổng nợ của ba quốc gia này vào đầu năm 2015 đã vượt ngưỡng 5 nghìn tỷ euro.

Bài học đắt giá này chắc chắn sẽ buộc “Nữ hoàng châu Âu” A.Merkel và “đồng đội” của mình phải xem xét lại chính sách mở rộng EU “bằng mọi giá” mà cụ thể trong trường hợp này là Ukraine với cái giá đã, đang và sẽ phải trả không biết cụ thể là bao nhiêu?

Phạm Hoàng