Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
An Giang có tổng diện tích rừng và đất rừng 19.000 ha, trong đó, rừng và đất rừng phòng hộ là 14.000 ha và 5.000 ha là rừng và đất rừng sản xuất. Diện tích rừng tuy không lớn so với các tỉnh trên cả nước, nhưng An Giang luôn gắn kết chặt chẽ công tác bảo vệ rừng với du lịch sinh thái, môi trường và an ninh quốc phòng tuyến biên giới được giữ vững.
Số lượng chặt phá hại rừng giảm
Trong 10 tháng đầu năm 2010, Chi cục Kiểm lâm An Giang đã phát hiện 28 vụ vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng, giảm 56% so với cùng kỳ năm 2009. Chi cục đã xử lý 24/28, trong đó, cảnh cáo 5 vụ, phạt hành chính 19 vụ, 4 vụ sử dụng lửa không tìm được thủ phạm. Nộp ngân sách Nhà nước 45,25 triệu đồng và tiền hóa giá tang vật 400,075 triệu đồng; tịch thu 0,5064 m3 gỗ trắc, thả về rừng 181 con le le, 09kg rùa răng (càng đước), 2.000 con cá sấu, tiêu hủy 37 con rùa tai đỏ....
Từ đầu năm đến nay, An Giang đã xảy ra 2 vụ chặt phá rừng trồng, diện tích rừng bị chặt phá thiệt hại khoảng 6,0 ha, loài cây bị chặt là keo lá tràm; số lượng người tham gia chặt phá rừng có lúc lên đến 40 - 50 người - chủ yếu là người dân tộc Khmer (xóm Chùa Sóc Rè, ấp bà Đen, xã An Cư, huyện Tịnh Biên), số lượng cây bị chặt hạ chủ yếu là hầm than đem bán.
Trước thực trạng trên, Hạt Kiểm lâm Tịnh Biên kết hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và lực lượng công an, quân sự thị trấn Tịnh Biên, Ban khóm Xuân Hiệp được tăng cường để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng tại đây. Qua đấu tranh khai thác, các lực lượng quản lý đã bắt được 6 đối tượng chặt phá rừng, giao công an thị trấn Tịnh Biên và công an huyện củng cố hồ sơ để xử lý. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện Tịnh Biên tình hình chặt phá rừng tại khu vực này hiện đã giảm hẳn.
Khuyến khích gây nuôi động vật hoang dã
Chi cục Kiểm lâm luôn tạo điều kiện và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình gây nuôi, góp phần phát triển ngành nghề và tạo công ăn việc làm trong tỉnh.
Theo số liệu thống kê, An Giang hiện có khoảng 136 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với 85.939 cá thể các loại, bao gồm: cá sấu nước ngọt, các loài rùa, rắn, heo rừng lai, khỉ, nhím... Trong đó, có 80 cơ sở nuôi cá sấu nước ngọt với 70.543 cá thể, có một cơ sở được CITES (Văn phòng thực hiện Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) cấp Giấy chứng nhận cho phép xuất khẩu cá sấu nước ngọt
An Giang có đường biên giới đi qua 3 huyện và 2 thị xã giáp ranh với Campuchia. Hoạt động mua bán động vật hoang dã và gỗ trái phép với quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát vẫn còn diễn ra vào mùa nước nổi hàng năm do nhu cầu của thị trường nội địa vànhu cầu sửa chữa nhà cửa của hộ gia đình, nên rất khó tuần tra, ngăn chặn và quản lý. Do vậy, hàng năm, Chi cục Kiểm lâm tổ chức họp các cơ sở gây nuôi để phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan và hướng dẫn xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý động vật hoang dã, giúp công tác quản lý chặt chẽ và chính xác hơn.
Chi cục đã xác nhận để cấp phép vận chuyển xuất tỉnh 45 giấy phép đối với các loài trong đó Cá sấu nước ngọt 30 giấy, kỳ đà 2 giấy, trăn đất 1 giấy, da trăn đất 2 giấy, rùa, rắn các loại 10 giấy.
Đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
Đến nay, các hạt, trạm, đội quản lý rừng trên địa bàn An Giang được trang bị 105 máy chữa cháy chuyên dùng (đồi núi 62 máy, đồng bằng 43 máy) và trên 4.000 dụng cụ như bình xịt, can đựng nước, dao, bàn đập... Tổ chức đốt dọn 55 ha băng trắng và đốt dọn thực bì các điểm rừng trồng.
Ban Chỉ huy các cấp về công tác bảo vệ và PCCCR thực hiện tuần tra kiểm tra 132 đợt với 640 lượt người tham gia. Đến hết mùa khô năm 2010 chỉ có 6 vụ vi phạm sử dụng lửa trong phạm vi đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có 2 vụ cháy rừng đã được phát hiện và huy động lực lượng tại chỗ dập tắt ngay, chỉ thiệt hại 0,5 ha rừng tràm trồng năm 2009 tại khu vực rừng tràm Bình Minh, thuộc ấp Tân Trung, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn. Nguyên nhân do chủ hộ đốt dọn đất (đốt cành nhánh tràm sau khai thác) gây cháy.
Tại huyện Tri Tôn, những tháng đầu năm 2010, đã xảy ra 9 vụ cháy vào đất lâm nghiệp gồm 3 vụ cháy ở vùng đồi núi và 6 vụ ở vùng đồng bằng, đa số đều không gây thiệt hại đến rừng, chỉ có 1 vụ cháy tại khu vực rừng tràm Bình Minh làm thiệt hại 0,5ha. Tình hình chặt phá rừng xảy ra 3 vụ. Tuy nhiên tại khu vực núi Nam Quy đối tượng chặt phá cây rừng là cộng đồng dân cư người dân tộc Khmer do thiếu việc làm họ phá rừng trồng để làm củi, hầm than đem bán. Công tác phát triển rừng, 8 tháng đầu năm đã trồng mới được 75,62ha, trồng bổ sung trên 169ha và tra dặm chăm sóc rừng trên 500ha.
Mục tiêu nhiệm vụ những tháng còn lại năm 2010, huyện Tri Tôn sẽ tập trung duy trì tốt công tác tuần tra chống chặt phá rừng và mua bán động vật hoang dã. Triển khai gieo ươm và cung cấp cây phân tán trồng vụ II năm 2010; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong công tác chăm sóc và bảo vệ rừng.
Theo kế hoạch, An Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mạng lưới cộng tác viên Kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng. Thực hiện vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trong địa bàn, tạo mối liên hệ chặt chẽ và tham mưu cho chính quyền địa phương cấp xã, ấp nắm chắc diễn biến tài nguyên rừng và đất Lâm nghiệp.
Xuân Hợp