Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Người nhà bệnh nhân đe dọa, chửi bới nhân viên y tế tại BV đa khoa Hùng Vương ngày 7/5. Ảnh do BV ghi lại. |
Ngày 29/4, tại BV Trung ương Thái Nguyên, một sinh viên trường y trong lúc đang cấp cứu cho bệnh nhân thì bị chính bạn của bệnh nhân này hành hung.
Rạng sáng 7/5, hàng chục đối tượng mang theo nhiều hung khí khác nhau khống chế lực lượng bảo vệ, rồi xông thẳng vào Khoa cấp cứu của BV Đại học Y Hà Nội chém trọng thương một bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây do mâu thuẫn cá nhân.
Hay như vụ một nhóm thanh niên đã lăng mạ bác sĩ và nhân viên y tế đang tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu tại BV đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) vào chiều tối 7/5, nếu không có sự vào cuộc kịp thời của lực lượng chức năng, có thể vụ việc sẽ trở thành nghiêm trọng.
Cụ thể, chiều 7/5, 3 thanh niên đưa bệnh nhân nữ có biểu hiện ngất xỉu đến cấp cứu tại BV Hùng Vương. Khi nhân viên y tế mời các thanh niên này ra ngoài chờ, để bác sĩ làm nhiệm vụ, thì một trong 3 người này đã chửi bới nhân viên an ninh, nhân viên y tế trong phòng cấp cứu.
Đội phản ứng nhanh của BV kịp thời có mặt và áp tải đối tượng ra khỏi BV. Tuy nhiên, sau khi ra cổng BV, thanh niên này gọi thêm người, tiếp tục trở lại đe dọa và tấn công nhân viên BV, cho đến khi có sự xuất hiện của công an huyện Đoan Hùng và công an xã thì trật tự mới được ổn định.
Vậy nhưng đến khoảng 20h30 cùng ngày, nhóm thanh niên này tiếp tục quay lại gây rối trật tự, mang theo vật dụng nghi là súng tự chế, bất ngờ bắn nhân viên an ninh đang hướng dẫn ô tô đỗ ở cổng BV. Sau khi gây rối, các đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra và làm rõ.
Những vụ việc hành hung bác sĩ, mang vũ khí xông vào BV giải quyết xung đột cá nhân liên tiếp diễn ra gần đây cho thấy, việc bảo đảm an toàn, an ninh trong các cơ sở y tế thực sự là vấn đề cấp bách, chứ không còn là hồi chuông báo động.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ năm 2010 đến tháng 4/2017, cả nước ghi nhận 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự BV. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các BV tuyến tỉnh, chiếm 60%; tiếp đến là BV tuyến Trung ương, chiếm 20%. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ, chiếm 70%; điều dưỡng 15%. Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên BV, trong đó 60% xảy ra khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh, còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh…
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng mất an ninh BV là do từ hai phía, gồm người bệnh, người nhà bệnh nhân và cơ sở y tế do không tìm được “tiếng nói chung”.
Đó là một số cán bộ y tế chưa có kỹ năng giao tiếp với người bệnh và người nhà người bệnh, thậm chí còn có thái độ hách dịch, chậm trễ cấp cứu, gây bức xúc cho nhân dân. Mặt khác, người bệnh và người nhà bệnh nhân khi vào viện thường nóng vội, sốt ruột, không thông cảm với hạn chế về cơ sở hạ tầng và sự quá tải của BV, muốn được ưu tiên khám trước, hoặc thấy y, bác sĩ chậm giải thích là gây sự, có hành vi uy hiếp.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, việc những kẻ côn đồ xông thẳng vào phòng cấp cứu đánh, chém nhân viên y tế và bệnh nhân, có trách nhiệm không nhỏ của người đứng đầu cơ sở y tế đó.
“Các biện pháp bảo đảm an ninh chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều BV còn chưa chủ động phối hợp với lực lượng công an để thực hiện tốt các phương án phòng chống khủng bố trong BV, chưa đề cao công tác tuyển dụng, huấn luyện và kiểm tra thường xuyên nhân viên bảo vệ, nên nhân viên bảo vệ BV chưa chuyên nghiệp, chưa đủ năng lực để chống lại đối tượng gây mất an ninh...”, ông Lương Ngọc Khuê nhận định.
Bên cạnh đó, do thiếu sự quan tâm của lãnh đạo BV, nên việc vào ra phòng cấp cứu ở nhiều BV khá dễ dàng, “tạo điều kiện” cho người nhà bệnh nhân có thể vào khu vực này để hành hung nhân viên y tế hay bệnh nhân.
Tại hội nghị về tăng cường an ninh, trật tự BV, bảo vệ nhân viên y tế do Bộ Y tế tổ chức gần đây, Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, trước hết công tác bảo đảm an ninh thuộc trách nhiệm của ban giám đốc BV, sau đó đến lực lượng công an và chính quyền cơ sở.
Theo đó, các BV cần phải hoàn thiện cơ sở vật chất bảo đảm an ninh BV như: Lắp đặt camera an ninh ở nhiều điểm trong BV để giúp xử lý nhanh các hành vi gây rối, mất an ninh, trật tự; công khai quy trình khám chữa bệnh điều trị; dán thông tin cảnh báo cho bệnh nhân, người nhà, dán ảnh cò mồi tại các cổng BV; chọn đội ngũ bảo vệ có tính chuyên nghiệp…
Đối với các BV lớn, cần có sự trao đổi, phối hợp với cơ quan công an sở tại để cắt cử cán bộ tuần tra, bảo vệ bảo đảm an ninh, trật tự tại các BV.
Cũng tại hội nghị này, nhiều đại biểu đã chia sẻ nhiều giải pháp để nâng cao an toàn an ninh BV như tăng cường phổ biến, giáo dục cho nhân viên y tế về nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh, người nhà bệnh nhân và kỹ năng phát hiện, xử lý trước các tình huống và nguy cơ bất trắc xảy ra…
Đồng thời tuyên truyền cho người bệnh và người nhà của họ luôn cảnh giác với người lạ, kể cả với người mặc áo nhân viên BV nhưng có những hành vi bất thường, phản ánh kịp thời đến người có trách nhiệm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trong BV.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần đưa nội dung về an ninh BV làm tiêu chí đánh giá chất lượng BV và đề xuất bổ sung các quy định về việc nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ.
Thúy Hà