Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong đợt nghỉ lễ dài ngày dịp Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, gác lại những niềm vui gặp gỡ gia đình, du lịch… hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (CBCS) công an tại nhiều địa phương trên cả nước đã đến các bản làng vùng sâu, vùng xa, đến từng nhà người ốm đau, già yếu, neo đơn để thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD), định danh điện tử.
Tại tỉnh Quảng Nam: 18/18 công an cấp huyện đã tổ chức các tổ công tác bố trí tại trụ sở tiếp dân và nhiều tổ công tác lưu động đến từng khi dân cư, từng thôn, bản để thu nhận hồ sơ cấp CCCD, định danh điện tử và kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân.
Với những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ công an, chỉ trong 3 ngày (29 và 30/4, 1/5), toàn tỉnh đã thu nhận gần 1.500 hồ sơ làm CCCD và thu nhận hơn 2.500 tài khoản định danh điện tử. Đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 1.365.993 hồ sơ CCCD.
Đặc biệt, trong ngày 30/4, tổ công tác lưu động Công an huyện Đông Giang đã thực hiện nhiệm vụ từ 5-23h để đến tận nhà, thu nhận các hồ sơ CCCD cho người dân bị ốm đau, già yếu, bị bệnh tâm thần tại xã Jơ Ngây.
Trung uý Trần Viết Thiện, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Đông Giang) chia sẻ: "Những trường hợp bị tâm thần, chúng tôi phải kiên trì phối hợp với gia đình để thu nhận hồ sơ CCCD cho họ. Biết là khó khăn, vất vả, nhưng với tinh thần 'Vì nhân dân phục vụ', nhất là những trường hợp khó như thế này, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều thấy đó là niềm vui, giúp người dân có được giấy tờ cần thiết để phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống".
Tại tỉnh Nghệ An: Trong những ngày nghỉ lễ, nhiều CBCS công an Nghệ An đã băng đồi, vượt núi đến với các bản làng vùng biên để thu thập dữ liệu, làm CCCD. Xuyên suốt dịp nghỉ lễ, 3 tổ công tác của công an tỉnh đã khắc phục khó khăn, thực hiện thu nhận hồ sơ CCCD, định danh điện tử tại 42 bản thuộc 6 xã là Keng Đu, Đọoc Mạy, Bắc Lý, Mỹ Lý, Thanh Sơn và Ngọc Lâm.
Tại tỉnh Thái Bình: Để người dân trong tỉnh nắm được chủ trương, đặc biệt với những người đi làm ăn xa trở về địa phương nghỉ lễ, công an các huyện, thành phố Thái Bình đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh của các xã, phường, thị trấn về việc bố trí tổ tiếp dân tại trụ sở công an các huyện, thành phố và các tổ lưu động tại xã để thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp và hướng dẫn người dân tạo lập tài khoản định danh điện tử mức độ 1, 2 từ 7-22h hằng ngày.
Với chủ trương đơn giản hóa các thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, mỗi trường hợp đến làm thủ tục cấp CCCD gắn chip được lực lượng công an tập trung giải quyết rất nhanh chóng, chỉ khoảng 10 phút là hoàn thành các thủ tục.
Tại tỉnh Thái Nguyên: Hầu hết những trường hợp đến thời điểm này chưa được cấp CCCD đều có những hoàn cảnh đặc biệt hoặc khó khăn nhất định, như: Người dân ở địa bàn vùng cao, miền núi, nhận thức còn hạn chế, chưa quan tâm nhiều đến CCCD và định danh điện tử; người già yếu, neo đơn, người bị bệnh tật không có khả năng đi lại; có những trường hợp bị bại liệt, thiểu năng trí tuệ, thần kinh có vấn đề không làm chủ được hành vi, lời nói hoặc sống biệt lập và tránh tiếp xúc với người khác… Do vậy, CBCS đã đến từng nhà, tìm gặp từng người, kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục họ và người thân trong gia đình để phối hợp thu nhận CCCD.
Những ngày nghỉ lễ, thời tiết Thái Nguyên mưa giông, ngập lụt, đường xá đi lại khó khăn, lầy lội, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi, tuy nhiên, với tinh thần khắc phục mọi khó khăn, sáng tạo, linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, CBCS đã tận dụng tối đa thời gian, làm việc không ngừng nghỉ, không quản mưa lũ, trèo đèo, lội suối để đến được với bà con.
Kết quả, chỉ tính trong 2 ngày đầu thực hiện cao điểm, lực lượng công an toàn tỉnh đã thu nhận gần 2.000 hồ sơ CCCD kèm tài khoản định danh điện tử, nổi bật như Công an các huyện, thành phố: Thái Nguyên, Phổ Yên, Võ Nhai…
Tại Hà Nội: Trung tuần tháng 4/2023, Công an TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch 169, phát động đợt thi đua đặc biệt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho toàn bộ công dân trên địa bàn Thủ đô.
Triển khai kế hoạch vào đúng dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, công an các đơn vị, địa phương đã phát động CBCS dành trọn vẹn kỳ nghỉ lễ phục vụ làm CCCD. Trong 2 ngày 29 và 30/4, CBCS vẫn đến nhà người dân phục vụ, hoàn thành hơn 3.500 hồ sơ cấp CCCD gắn chip, trong đó có 300 trường hợp là công dân tỉnh ngoài tạm trú ở Hà Nội...
Trong những ngày này, người dân ở khắp nơi trên cả nước về Đền Hùng tham gia các hoạt động giỗ Tổ. Theo thống kê, đã có trên 2.500 phương tiện ô tô đưa đón du khách thập phương, đồng bào cả nước về dự lễ hội. Công an tỉnh Phú Thọ đồng loạt triển khai phương án tổng thể bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hơn 1,5 triệu du khách về Đền Hùng tham gia các hoạt động lễ hội.
Dịp này, Công an tỉnh đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông tại các chốt trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP. Việt Trì và các huyện Phù Ninh, Lâm Thao. Đồng thời phối hợp với Tỉnh đoàn Phú Thọ huy động khoảng 300 đoàn viên thanh niên, phối hợp với các ngành quân đội, y tế… để triển khai "hàng rào mềm" nhằm hướng dẫn, phân luồng dòng người tham gia các hoạt động lễ hội, không để xảy ra ùn tắc cục bộ.
Trong 5 ngày nghỉ lễ, Bộ Công an thống kê toàn quốc xảy ra 30 vụ cháy, khiến 5 người bị thương.
Cụ thể, trong 30 vụ cháy có 7 vụ cháy nhà dân, 1 vụ cháy chung cư, 3 vụ cháy cơ sở kinh doanh, 4 vụ cháy cơ sở sản xuất, 2 vụ cháy phương tiện giao thông, 2 vụ cháy nhà để ở kết hợp kinh doanh, 2 vụ cháy rừng, 9 vụ cháy loại hình khác.
Nguyên nhân các vụ cháy có 3 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện và 27 vụ hiện đang được điều tra làm rõ.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ công an các địa phương đã xuất 107 lượt phương tiện và 581 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức chữa cháy 29 vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố; hướng dẫn thoát nạn cho hàng trăm người và cứu được 15 người bị mắc kẹt... Trực tiếp tham gia 14 vụ cứu nạn, cứu hộ, tổ chức cứu được 2 người; tìm kiếm được 9 thi thể bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Đáng chú ý, khoảng 19h ngày 29/4, tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, phường Tân Quang, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, trong quá trình vận hành thổi lửa khinh khí cầu phục vụ Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ 2 "Năm Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023", do gió mạnh, bình gas bị rò rỉ làm lửa tạt, cháy bạt khinh khí cầu gây nổ bình gas, làm 5 người bị thương nhẹ phần tay, chân; 1 khinh khí cầu cháy hoàn toàn, 1 kinh khí cầu cháy một phần. Công an địa phương đang điều tra làm rõ vụ việc.
Dịp lễ 30/4-1/5, nằm trong trọng tâm công tác bảo đảm an ninh, trật tự của Công an TP. Hà Nội chính là kế hoạch, phương án phân luồng, hướng dẫn, bố trí phương tiện hợp lý xung quanh khu vực Lăng Bác, Hoàng Thành Thăng Long và vườn thú Hà Nội. Nắm rõ thực tế, tình hình, cũng như trên cơ sở báo cáo của Công an quận Ba Đình, Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã tham mưu lãnh đạo Thành phố và Ban Chỉ đạo 197 Thành phố có chỉ đạo, giải pháp "nóng" để giải quyết ngay khó khăn khách quan trong công tác tổ chức, bố trí phương tiện dừng đỗ, nhất là đối với xe khách từ 29 chỗ trở lên.
Trong 5 ngày, có khoảng 100.000 lượt du khách trong và ngoài nước đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chưa tính các phương tiện cá nhân, taxi, xe hợp đồng… trong 3 ngày vừa qua, đã có trên dưới 5.000 lượt xe loại 45 chỗ chở khách tham quan đến địa bàn quận Ba Đình.
Trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2023, hình ảnh những người chiến sĩ công an nhân dân bình dị phục vụ nhân dân đến viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội thật ấn tượng về Thủ đô "Trái tim của cả nước" đã đảm bảo bình an, thông suốt phục vụ nhân dân viếng Lăng Bác. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã phối hợp với với thanh niên các đơn vị đã chủ động đề xuất chương trình hỗ trợ bánh, nước cho người dân đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã xử lý gần 800 trường hợp "nhậu xỉn" vẫn lái xe ra đường trong dịp nghỉ lễ
Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP. Hà Nội cho biết, dịp nghỉ lễ vừa qua, người dân được nghỉ 5 ngày, do vậy, xu hướng hội họp, tụ tập ăn nhậu cũng gia tăng. Nắm và dự báo tình hình, Phòng Cảnh sát giao thông đã đôn đốc, chỉ đạo các đội nghiệp vụ, lực lượng cảnh sát trật tự công an các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Trong đó, cán bộ chiến sĩ tập trung vào các khung giờ cao điểm từ 12-4h, 19-23h và từ 23h đến 2h sáng hôm sau. Đây là những khung giờ mà có số người vi phạm tăng cao. Mục đích là để hạn chế các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn.
Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội cũng khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý, thay đổi mạnh thói quen của người dân, để khẩu hiệu "Đã uống rượu, bia - Không lái xe" thực sự đi vào thực chất cuộc sống, hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do rượu, bia gây ra.
Phương Liên