Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhưng, nhìn vào những vụ án oan đã xảy ra thì nguyên nhân nào đóng vai trò quyết định?
Về pháp luật, rút kinh nghiệm những bất cập, thiếu sót của Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có quy định rõ ràng về tội danh, chẳng hạn, của hai loại tội phạm "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" để các cơ quan có thẩm quyền không nhầm lẫn giữa một tranh chấp dân sự với một hành vi tội phạm xâm phạm quyền sở hữu. Như vậy, yếu tố "lỗ hổng pháp luật" đã cơ bản được khắc phục.
Những vụ án bị truy tố oan không phải là vụ án quá phức tạp. Vì nhìn vào những vụ án đó, những người ngoài cuộc như giới truyền thông còn có thể nhận thấy sự không bình thường, có dấu hiệu oan sai của vụ án thì đối với những người trong cuộc là các điều tra viên, kiểm sát viên không thể không nhận ra.
Như vậy, trong các vụ án oan sai này, đóng vai trò quan trọng có tính quyết định chính là nhân tố con người. Theo luật sư Nguyễn Minh Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội), chưa nói đến vấn đề tiêu cực có thể có thì nhân tố con người nằm ở thái độ, quan điểm và những nguyên tắc giải quyết vụ án của đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên.
Trong hầu hết các vụ án có dấu hiệu oan sai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng nguyên tắc suy đoán vô tội thì việc khởi tố, truy tố oan sẽ không xảy ra. Nhưng, khi hầu hết các chứng cứ chống lại việc buộc tội thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn suy đoán theo hướng có tội. Đây chính là lý do dẫn đến các vụ án oan đều kéo dài và cuối cùng phải thừa nhận là oan.
Luật sư Lê Văn Kiên (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng trong các vụ án oan, dù lỗi cố ý hay vô ý, các điều tra viên, kiểm sát viên đều phải bị xử lý. Vì một lý do rất đơn giản, các điều tra viên, kiểm sát viên đã có đủ năng lực để được bổ nhiệm chức danh tư pháp, do đó không thể lấy lý do "vụ án phức tạp" để bào chữa cho việc để xảy ra án oan. Hoặc họ đã cố ý làm oan hoặc họ không có năng lực và dù lý do nào, họ cũng không đủ tư cách tiếp tục nhiệm vụ được giao, nếu xác định có tiêu cực, dĩ nhiên còn phải truy tố hình sự các cá nhân này.
Khi một bộ phận công chức đang có dấu hiệu suy thoái về phẩm chất thì để có một nền tư pháp công chính, liêm minh, chí công vô tư, chúng ta cần xây dựng cơ chế kiểm soát tốt hơn khả năng lạm quyền đến từ phía các chức danh tư pháp là điều tra viên, kiểm sát viên.
Nhiều lần nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính và kiên quyết xử lý những người vi phạm, không né tránh, không bao che, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là điều rất quan trọng để bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp. Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính và làm gương cho xã hội về vấn đề này.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan tư pháp.
Trong một kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng nhấn mạnh: “Cải cách hành chính đã quan trọng, nhưng cải cách tư pháp còn quan trọng hơn” để giảm rủi ro trong kinh doanh. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng: “Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp là một trong những điểm quan ngại hàng đầu. Hiện tượng oan sai trong xét xử, hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm phát đi một tín hiệu về yêu cầu tăng cường cải cách tư pháp”.
Chỉ với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan, chúng ta mới thành công trong việc xây dựng môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi hơn mà còn an toàn hơn, bảo đảm tốt hơn những quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản của người dân đã được hiến định, giảm rủi ro kinh doanh, từ đó tạo động lực cho người dân hăng hái tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
Lê Sơn