Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Carnaval Hạ Long năm 2012 diễn ra vào đêm 1/5 là hoạt động lớn nhất, quan trọng nhất của Tuần Du lịch Hạ Long - Quảng Ninh năm 2012 kéo dài từ ngày 24/4 - ngày 2/5.
Trải qua 5 năm liên tiếp tổ chức (từ năm 2007), Carnaval Hạ Long đã được đông đảo công chúng, du khách trong và ngoài nước hưởng ứng, đạt được những thành công nhất định, bước đầu trở thành một sản phẩm du lịch – văn hóa đặc sắc của riêng Quảng Ninh.
Nét mới của Carnaval Hạ Long 2012 là: Các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được nghệ thuật hóa và tôn vinh tối đa, một phần được chính đại diện nhân dân các dân tộc trong tỉnh thể hiện, trình diễn; lực lượng tham gia trình diễn trong Carnaval là quần chúng nhân dân các dân tộc và học sinh, sinh viên, thanh niên chiếm tỷ lệ 5/6 (diễn viên chuyên nghiệp chiếm tỷ lệ 1/6); các trang trí mỹ thuật sân khấu đã phát huy tối đa cảnh vật thiên nhiên, lợi thế về biển, núi (không trang trí núi giả, hang giả trên sân khấu), mà sử dụng công nghệ ánh sáng, màn nước… tạo hiệu ứng nghệ thuật.
Carnaval Hạ Long 2012 là một kỳ Carnaval có số lượng người tham gia trình diễn lớn nhất từ trước đến nay, với 3.800 diễn viên, chủ yếu là lực lượng không chuyên và nhân dân các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp. Và một điều cũng rất đáng chú ý là kinh phí tổ chức Carnaval được xã hội hóa toàn bộ.
Đẹp lắm Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh
Những nét đặc sắc nhất của văn hóa, con người, cảnh sắc 3 thành phố kết nghĩa Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh được trang trọng giới thiệu tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật tại Nhà Triển lãm số 45 Tràng Tiền, Hà Nội bắt đầu từ 4/5.
Tác phẩm: "Người xưa còn đó" |
150 bức ảnh của 80 tác giả trưng bày tại triển lãm cho người xem cảm nhận được những nét riêng của 3 thành phố. Hà Nội với nét thanh lịch, giàu truyền thống văn hóa. Huế trầm lặng, mộng mơ và TP Hồ Chí Minh với nhịp sống náo nhiệt, năng động.
Đối với các bức ảnh về Hà Nội, ngoài tác phẩm khắc họa vẻ đẹp của cuộc sống và cảnh vật như: Mùa thu Hà Nội, Chiều Ô Quan Chưởng, Em yêu hòa bình; còn có các tác phẩm diễn tả chiều sâu văn hóa như: Người xưa còn đó, Tri kỷ, Từ trong vốn cố... Để lại ấn tượng mạnh trong các bức ảnh khắc họa về Huế là: Huế vào xuân, Đường làng, Sương sớm...
Còn với TP Hồ Chí Minh, các tác giả đã phản ánh nhịp sống năng động của một thành phố đang từng ngày đổi mới qua những bức ảnh như: Giao thông đổi mới, Đón năm mới, Hạnh phúc ngày Xuân, Sài Gòn ngày nay, Học bơi...
Liên hoan ảnh nghệ thuật ba thành phố kết nghĩa Hà Nội - Huế - thành phố Hồ Chí Minh mở cửa đến hết ngày 10/5. Trước đó, liên hoan đã khai mạc tại Huế nhân dịp Festival Huế 2012. Sau khi triển lãm tại Hà Nội, bộ ảnh sẽ tiếp tục chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh trưng bày trong tháng 8.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – một tấm lòng với lịch sử đất nước
Ngày 3/5, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội cùng Nhà Xuất bản Kim Đồng đã tổ chức hội thảo “Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Từ khi chưa đầy 20 tuổi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cầy ruộng. Cầy với ai cũng được mà cầy ruộng nào cũng được”. Một người sáng tác sớm có ý thức về lịch sử dân tộc như thế thật quý giá. Ông khiến độc giả nhiều thế hệ phải tri ân và đáng để các nhà văn thế hệ sau phải lắng tâm suy nghĩ, học hỏi.
Theo nhà văn Vũ Nho, mặc dù Nguyễn Huy Tưởng là cây bút có khuynh hướng sử thi, đam mê lịch sử, nhưng cũng sẵn sàng tham gia những sự kiện đương thời để rồi bây giờ, các tác phẩm ấy cũng là chứng nhân lịch sử của một thời. Đó là các tác phẩm như "Những người ở lại" (1948), “Ký sự Cao Lạng” (1951)…
Nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương nói, là một cán bộ lãnh đạo văn nghệ của Đảng Cộng sản từ chiến khu Việt Bắc trở về, trong cảm quan bản năng của người nghệ sỹ Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng vẫn có một năng lực nắm bắt chân thực và rất nhạy thực tại đời sống Hà Nội.
Đọc và ngẫm lại những trang văn của Nguyễn Huy Tưởng, có thể thấy một tấm lòng với đất nước, với lịch sử và truyền thống thật đáng quý trọng làm sao. Và hôm nay, sau khi đi xa hơn nửa thế kỷ, Nguyễn Huy Tưởng đã và luôn ở trong lòng dân tộc như một biểu tượng về tình yêu với Hà Nội, với đất nước.
Mừng chiến thắng Điện Biên
Ngày 4/5 tại tỉnh Điện Biên, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Triển lãm “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam” nhằm chào mừng kỷ niệm 58 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2012).
63 bức tranh tiêu biểu trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mang đến cho người xem cảm nhận về một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, với sự đa dạng phong phú của các dòng tranh dân gian nổi tiếng thuộc các tỉnh thành phía Bắc như: Dòng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội), dòng tranh Kim Hoàng (Hà Tây cũ), dòng tranh thờ đạo giáo của các dân tộc thiểu số miền núi như: tranh Vũ Di (Vĩnh Phúc), tranh thờ Độc Lôi (Nghệ An).... Mỗi dòng tranh có lối thể hiện riêng biệt, nhưng đều mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Đề tài được thể hiện trong triển lãm lần này là tranh sinh hoạt đời thường, phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất của nhà nông, cảnh gieo mạ, cấy lúa ngoài đồng, mục đồng chăn trâu - thổi sáo, những phiên chợ quê... Các nhân vật và địa danh lịch sử cũng được khắc hoạ như “Bà Trưng khởi nghĩa”, “Bà Triệu xuất quân”. Điện Biên là vùng đất lịch sử có bề dày truyền thống lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, là vùng đất cách mạng có nhiều dân tộc anh em sinh sống. Tại mảnh đất Anh hùng này, cách đây 58 năm quân và dân ta đã làm nên một chiến thắng lịch sử “Lừng lẫy năm châu- chấn động địa cầu”, đưa Việt Nam bước sang một trang sử mới. Bởi vậy trong cuộc triển lãm này đã trưng bày bức tranh “Mặt trận Điện Biên Phủ” để chào mừng Kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Nhóm Tứ tấu CHLB Đức |
Khởi động “Những Ngày châu Âu” ở Việt Nam
“Những Ngày châu Âu” 2012 đã chính thức khởi động với chuỗi những sự kiện văn hóa đa dạng và đặc sắc từ sáng ngày 3/5 tại Hà Nội và kéo dài trong suốt tháng 5 ở cả TP Hồ Chí Minh.
Điểm nhấn của “Những Ngày châu Âu” năm nay là Liên hoan Phim châu Âu với những bộ phim đặc sắc, trong đó có những phim từng đọat giải Oscar. Về âm nhạc gồm các chương trình đặc sắc của Nhóm nhạc nữ của nước Anh, nhóm tứ tấu piano của CHLB Đức.
Ngoài ra, các chương trình văn hóa ấn tượng như Ngày Văn học châu Âu, Tọa đàm về bình đẳng giới...cũng hứa hẹn nhiều nội dung hấp dẫn.
Những sự kiện này tiếp tục là những minh chứng sống động của một nền văn hóa đa dạng của châu Âu đồng thời thể hiện sự hợp tác thành công sâu rộng giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Đại diện từ phái đoàn Liên minh châu Âu nhấn mạnh: "Những Ngày châu Âu” 2012 là dịp tổ chức các sự kiện nhằm đưa châu Âu lại gần hơn với các nước trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Mai Hồng