Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Anh hùng Bùi Ngọc Dương |
La Văn Cầu của Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ
Kể cho chúng tôi câu chuyện đầy xúc động về tấm gương sáng của em trai mình, ông Bùi Đức Trạch nhớ lại. Hôm ấy vào giữa đêm ngày 24/1/1968, pháo của ta bắn tới tấp vào cứ điểm Huội San, bắt đầu cho chiến dịch Đường 9 Khe Sanh.
Trung đội của Bùi Ngọc Dương được bổ sung và tiếp tục làm nhiệm vụ mở đường đưa xe tăng tiến thẳng vào Huội San. Ở chặng đường cuối cùng, anh leo lên luồn bộc phá vào hàng rào dây thép gai rồi giật nổ. Lần lượt các chiến sĩ theo anh nối tiếp lao lên đánh bộc phá. Trung đội của anh đã dọn sạch vật cản, cắm mốc an toàn cho xe tăng ta tiến vào trung tâm.
Trời sáng tỏ, quân địch được tiếp viện quay lại phản kích dữ dội. Bùi Ngọc Dương leo phắt lên xe tăng quay súng kẹp nòng bắn trả máy bay địch. Một mảnh đạn phạt trúng một cánh tay anh gần đứt hẳn. Anh quay lại nói với người đồng đội chặt hộ cánh tay bị thương cho khỏi vướng để tiếp tục chiến đấu. Người đồng đội ôm chầm lấy người đồng chí anh dũng của mình. Dương khẩn khoản: “Chặt cánh tay cho tôi đi, tôi còn chiến đấu được mà”. Trước quyết tâm của anh, người đồng đội đã giúp anh chặt bỏ cánh tay và băng bó lại. Anh tiếp tục chỉ huy đơn vị xung kích xông lên đánh cứ điểm.
Lần thứ hai bị thương vào chân, Dương đã nhường cuộn băng cuối cùng cho đồng đội, còn mình băng tạm mảnh vải áo. Anh đã cố hết sức mình, dựa vào thành công sự, tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Lúc này nhiều chiến sĩ biết Dương bị thương, vừa xúc động vừa căm hờn, anh em tiếp tục xông lên chiến đấu giành chiến thắng. Dương sung sướng nghe tiếng reo hò chiến thắng của đồng đội, cùng lúc ấy anh ngã mình trong vòng tay đồng đội.
Gương sáng Anh hùng
Ông Bùi Đức Trạch, anh trai Anh hùng Bùi Ngọc Dương - Ảnh Chinhphu.vn |
Tấm gương chiến đấu của anh được các đài phát thanh, các tờ báo lớn đưa tin. Nhiều bài hát về anh ra đời lúc bấy giờ được thanh niên truyền nhau như “Bùi Ngọc Dương, gương anh ngời sáng” (Huy San); “Noi gương Bùi Ngọc Dương” (Văn Hưng); “Bùi Ngọc Dương bài ca chiến thắng” (Trọng Loan)…
Các phong trào noi gương và học tập anh hùng Bùi Ngọc Dương được dấy lên trong giới học sinh, sinh viên, bộ đội. Anh được gọi là La Văn Cầu trong kháng chiến chống Mỹ, được tôn là “dũng sĩ mở đường, anh hùng xung kích” của mặt trận Khe Sanh.
Trong số 10 anh chị em trong gia đình thì có 5 anh em tham gia bộ đội, trong đó có hai Liệt sĩ là Bùi Ngọc Dương và Bùi Đức Lưu. Tên người con tài hoa và dũng cảm đất Hà thành đã được đặt cho một con phố ở Hà Nội.
Dòng họ Bùi của Liệt sĩ là một dòng họ nổi tiếng về con đường khoa cử, đã sinh ra những người con ưu tú cho dân tộc như Tiến sĩ, Thượng thư Bùi Xương Trạch, Tiến sĩ Bùi Huy Bích, Thượng thư Bùi Phổ... Gia đình đã làm một cuốn sách về chi họ và những người con ưu tú của gia đình, trong đó có 3 anh em Bùi Ngọc Dương, Bùi Đức Lưu và Bùi Xuân Phái để con cháu hiểu và trân trọng truyền thống tốt đẹp của cha ông. Đồng thời, một quỹ khuyến học của gia đình mang tên Bùi Ngọc Dương được thành lập để khuyến khích con cháu dòng họ Bùi noi gương học tập, nối tiếp truyền thống cha anh.
Sao Chi