Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Giang |
Sáng 9/4, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2015-2020.
Thúc đẩy cải cách hành chính
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá, sau hơn 7 năm triển khai, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008, sau này được nâng cấp thành tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đã khẳng định được vai trò là một công cụ quan trọng, hỗ trợ cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chuẩn hóa các quá trình giải quyết công việc, cải tiến phương thức thực thi công vụ với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân công dân có liên quan, minh bạch hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, hướng đến một nền hành chính hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh.
Với nhiệm vụ được giao là cơ quan đầu mối theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã luôn nhận được sự đồng hành của các ban, bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định nói trên một cách mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ và thống nhất trên phạm vi cả nước.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đến nay, 91% bộ, ngành (20/22) đã thực hiện việc xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo quy định (tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng của các bộ, ngành đã xây dựng, công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp TCVN ISO 9001 đối với toàn bộ thủ tục hành chính).
Đồng thời, các bộ, ngành cũng đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng (74/98 cơ quan, tổ chức, tỉ lệ 75,5%).
Tại địa phương, 98,4% địa phương (62/63) đã thực hiện việc xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo quy định (tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng của địa phương đã xây dựng, công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp TCVN ISO 9001 đối với toàn bộ thủ tục hành chính).
Các địa phương cũng đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng, theo đó có 62/63 địa phương (tỉ lệ 98,4%) đã triển khai việc xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng tại các UBND cấp xã, trong đó đã có 5.564/8.910 UBND cấp xã (tỉ lệ 62,5%) đã xây dựng, áp dụng, công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp TCVN ISO 9001 theo quy định.
Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, do hệ thống quản lý chất lượng yêu cầu cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân/tổ chức phải công khai các yêu cầu về hồ sơ, tài liệu mà người dân phải nộp; nêu rõ quy trình xử lý công việc, kết quả xử lý cuối cùng, thời gian hoàn thành, từ đó có thể đưa ra biện pháp để giúp đơn giản hoá các thủ tục hành chính.
Đồng thời giúp vận hành cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” hiệu quả hơn; tạo điều kiện để người dân cùng giám sát cán bộ, công chức, giám sát các thủ tục hành chính có được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hay không, từ đó kiến nghị sửa đổi, chỉnh lý văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế...
Lãnh đạo Bộ KH&CN tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Hoàng Giang |
Áp dụng ISO điện tử vào chuyển đổi số
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh hoạt động chuyển đổi số ngày càng được đẩy mạnh (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số).
Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM Nguyễn Thị Kim Huệ, việc áp dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 trong thời gian tới nếu được duy trì và triển khai tốt hơn nữa sẽ góp phần tích cực trong việc thực hiện xây dựng chính quyền điện tử nói riêng và cải cách hành chính của TPHCM nói chung. Đồng thời kiến nghị mở rộng UBND phường, xã, thị trấn là đối tượng bắt buộc phải xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng để thực hiện đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương...
Bên cạnh đó, đại diện một số Sở KH&CN địa phương cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc như: Hiện nay, quy định về điểm số cho hoạt động xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong việc chấm điểm chỉ số cải cách hành chính còn thấp, chưa tạo động lực thúc đẩy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động này; công tác kiểm tra việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng chưa được thực hiện sát sao...
Cho rằng trong thời gian đầu, việc áp dụng TCVN ISO 9001 còn khá mới mẻ, khó khăn nhưng đến nay hoạt động này đã trở thành một công cụ hữu hiệu xây dựng nền hành chính hiện đại, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc hoàn tất các nội dung theo quy định tại Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg; tăng cường hoạt động kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Đồng thời gắn kết việc triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số với hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001; mở rộng việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng như UBND cấp xã, các đơn vị sự nghiệp...
Bộ KH&CN sẽ nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đối với các hoạt động liên quan đến dịch vụ công.
“Đặc biệt đó là tăng cường áp dụng ISO điện tử gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Đây là một nội dung rất quan trọng cần đẩy mạnh trong thời gian tới”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.
Hoàng Giang