Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Làng Hành Hương (Huế )là 1 trong 33 cơ sở lưu trú du lịch được cấp nhãn "Du lịch bền vững Bông Sen xanh" |
Nhãn Du lịch bền vững Bông Sen xanh với 81 tiêu chí được Bộ VHTT&DL ban hành năm 2012, được xem là công cụ để đánh giá, quản lý công tác bảo vệ môi trường đối với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam.
Nhãn Bông Sen xanh được Tổng cục Du lịch cấp cho các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. Đó là những cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, góp phần bảo vệ các di sản, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Nhãn Bông Sen xanh có 5 cấp độ, từ 1-5 bông sen. Số lượng bông sen xanh trên nhãn ghi nhận mức độ nỗ lực trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của cơ sở lưu trú du lịch, không phụ thuộc vào loại, hạng mà cơ sở lưu trú du lịch đó đã được công nhận.
Thời hạn của Giấy chứng nhận nhãn Du lịch bền vững Bông Sen xanh là 3 năm. Sau 3 năm các cơ sở lưu trú du lịch xây dựng lại hồ sơ gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp để đánh giá và thẩm định lại và ra quyết định cấp tiếp hoặc không.
Tại hội thảo "Áp dụng nhãn Du lịch bền vững Bông Sen xanh trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam" do Tổng cục Du lịch tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết việc đẩy mạnh áp dụng nhãn Bông Sen xanh không chỉ là phương thức tiếp cận về mặt thực tiễn và lý luận cho sự phát triển bền vững trong khối cơ sở lưu trú du lịch, mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ mới có 33 khách sạn được trao chứng nhận loại nhãn này cấp độ từ 1-5, chủ yếu tập trung ở TPHCM, Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Vũng Tàu, Bắc Ninh. Riêng khu vực ĐBSCL, chưa có cơ sở lưu trú du lịch nào được cấp chứng nhận Bông Sen xanh.
Phát triển du lịch bền vững là vấn đề cốt yếu khi hội nhập
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, sự phát triển với quy mô lớn và tốc độ nhanh của các cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng trong thời gian gần đây đang xuất hiện nhiều yếu tố đi ngược với phát triển bền vững.
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng phát triển bền vững trong các cơ sở lưu trú du lịch cần được giải quyết nghiêm túc, sao cho vừa kinh doanh với hiệu quả cao nhưng đảm bảo phát triển lâu dài.
Trong đó, vấn đề đặt ra đối với cơ sở lưu trú du lịch cả nước là tuyên truyền để các cơ sở lưu trú du lịch hiểu về phát triển bền vững, thay đổi cách quản lý, nghiên cứu các công nghệ mới và đăng ký cấp nhãn Bông Sen xanh trong thời gian tới.
Với danh hiệu khách sạn xanh sẽ giúp các cơ sở lưu trú du lịch có thêm công cụ và lợi thế để xây dựng chiến lược marketing cho nhãn hiệu được cấp.
Hướng đến mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tổng cục Du lịch cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với các địa phương trong vùng giới thiệu các giải pháp phát triển bền vững, các công nghệ xanh áp dụng trong cơ sở lưu trú du lịch, các tiêu chí về du lịch xanh đang áp dụng trong du lịch nhằm động viên các cơ sở lưu trú trung khu vực tích cực đăng ký nhãn Bông Sen xanh.
Việc làm này sẽ tạo hiệu ứng với toàn xã hội cùng tham gia cải thiện môi trường, quyết tâm thực hiện các hoạt động có trách nhiệm với ngành Du lịch bằng những hành động thiết thực, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch thế giới.
BT