Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Với chủ đề năm nay: “ASEAN số: Bền vững và Bao trùm”, Hội nghị thảo luận về tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối trong kích thích tăng trưởng, thương mại và đầu tư và khắc phục những hậu quả của đại dịch covid cũng nhiều thách thức khác đối với khu vực. Hội nghị bàn về 4 chủ đề gồm: Triển vọng kinh tế ASEAN; Xu hướng đầu tư đảm bảo yếu tố môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị tốt (ESG); Công nghệ và tương lai việc làm trong ASEAN; ASEAN tự cường, tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các đại biểu đã trao đổi về chủ đề đầu tiên là triển vọng kinh tế ASEAN. Phiên thảo luận này được điều phối bởi bà Lin Xueling, Giám đốc sản xuất, Chanel NewsAsia, với sự tham gia của các diễn giả đến từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Ngân hàng Thế giới, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA)…
Triển vọng của các nền kinh tế ASEAN như thế nào? Cuộc khủng hoảng có đưa khu vực xích lại gần nhau hơn không? Điều gì đã thay đổi? Khu vực công và tư cần làm gì khác?
Theo ông Anger Gurria - Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chúng ta đang phải đối mặt với cuộc suy thoái nặng nề nhất từ sau thế chiến toàn cầu và OECD dự báo GDP toàn cầu có sự sụt giảm 4,5% trong năm 2020. Những áp lực ngày càng tăng với nền kinh tế ASEAN phải gánh chịu và dự báo sẽ suy giảm 4,23% trong năm 2020. OECD đã có 160 công trình tóm tắt chính sách để giúp cho các nhà hoạch định chính sách ASEAN và trên toàn cầu để xử lý những thách thức vừa là phức tạp vừa liên quan đến nhau trong đại dịch này. Có 5 lĩnh vực ưu tiên trong chính sách của OECD. Trước hết, là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19.
Thứ hai là cải thiện môi trường đầu tư. Thứ ba, những vấn đề hành vi kinh doanh có trách nhiệm, liêm chính trong kinh doanh. Thứ tư là giảm thiểu những méo mó của thị trường. OECD đã tạo nên một sân chơi bình đẳng hơn như trong tiếp cận hậu cần logistics.
Cuối cùng là chuyển đổi số, tiếp cận các công cụ số, giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất nhỏ để có chuỗi cung ứng mang tính bao trùm cao.
Tiến sĩ Aladdin D. Rillo - Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN cho biết, mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp kể từ khi bùng phát đại dịch, song chúng ta vẫn cần phải xử lý nhiều vấn đề để có thể vượt qua đại dịch.
"Trong nửa đầu năm nay ghi nhận tăng trưởng GDP ở một số nền kinh tế ASEAN đã bị giảm, thậm chí giảm mạnh, tăng trưởng âm. Để khắc phục, chúng ta đã nỗ lực từng ngày và dần dần từng bước khôi khục kinh tế, giảm thiểu tác động của COVID-19", Tiến sĩ Aladdin D. Rillo nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN nêu những ưu tiên quan trọng để vượt qua đại dịch COVID-19. Trước hết, phải tập trung vào vấn đề hợp tác trong khu vực, chuyển từ biện pháp ngăn ngừa sang phục hồi và có những hành động quyết đoán đối với đại dịch này, bảo đảm ưu tiên sao cho nguồn ngân quỹ xử lý đại dịch phải có được đầy đủ. Phải mở cửa được nền kinh tế để bảo đảm những ngành quan trọng nhất sẽ khôi phục lại, ví dụ như ngành hàng không.
Phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ về nguồn vốn, con người, đẩy mạnh số hóa... để bù đắp lại những mất mát do COVID-19.
GS. Hidetoshi Nishimura - Chủ tịch, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) khẳng định, ông ấn tượng về khả năng phòng, chống dịch COVID-19 của ASEAN cũng như của Việt Nam. Ông cũng cho biết, bên cạnh những thách thức, đại dịch COVID-19 cũng mang lại cho Việt Nam cũng như các nước ASEAN những cơ hội nhất định. Theo đó, cơ hội đầu tiên chính là cơ hội để các nước bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số; tiếp đến là cơ hội để có thể dịch vụ hóa các hoạt động cơ sở hạ tầng và cơ hội để tiếp tục chú trọng hơn nữa về con người, hướng về con người nhiều hơn. “Đại dịch là cơ hội để chúng ta có thể quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe của con người bằng cách chú trọng nhiều hơn tới sức khỏe người dân, chú trọng nhiều hơn tới hệ thống y tế, giáo dục”.
Ông Tan Sri Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Malaysia cho rằng, COVID-19 đã mang đến những thách thức chưa từng có, một thế giới hoàn toàn mới đã vượt ra mọi vấn đề về đeo khẩu trang, giãn cách xã hội đến cách thức sống và làm việc đã thay đổi...
Các hoạch định chính sách cũng đã phải thay đổi thích ứng với COVID-19, theo đó, tập trung vào đưa lao động trở lại thị trường, giảm đứt gãy của hoạt động sản xuất kinh doanh. “Và tới đây là khai phá khả năng đưa ra các chính sách phù hợp để có thể đưa nền kinh tế trở nên bền bỉ, các cơ chế phải bền vững và bao trùm, đảm bảo mọi mảng của nền kinh tế đều có được sức chống chịu cao, thậm chí khai phá mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế", Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh. Trong bối cảnh đó, mục tiêu ESG – môi trường, xã hội và quản trị là hoàn toàn phù hợp.
Bà Shinta Widjaja Kamdani, Giám đốc Sintesa Group (Indonesia) nhấn mạnh vẫn còn nhiều thách thức để các nước có thể vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Theo đó, thách thức đầu tiên chính là huy động nguồn lực của tư nhân.
Cũng theo bà Kamdani, COVID-19 đã thúc đẩy cơ hội đầu tư mới, nhưng phải hướng tới công nghệ xanh. Hiện, Indonesia đang phát triển dự án biến thuỷ triều thành năng lượng 550 triệu USD có thể mang lại điện năng cho 2.500 hộ gia đình.
“Trước đây chúng tôi dựa vào điện hoá thạch, đến năm 2025 chúng tôi đặt mục tiêu có 23% đạt mục tiêu năng lượng tái tạo. Với bối cảnh hiện nay chúng tôi cũng đang phải trợ giá cho năng lượng hoá thạch, do đó, Chính phủ đang thúc đẩy hơn nữa năng lượng tái tạo cho phát triển bền vững”, bà Shinta Widjaja Kamdani chia sẻ.
An Bình