Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đại diện Bộ Xây dựng và các đô thị Việt Nam tham gia hội nghị thường niên Mạng lưới ASCN theo hình thức trực tuyến. Ảnh: VGP |
Về phía Việt Nam, Bộ Xây dựng là đại diện quốc gia và đại diện đô thị là các TP. Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và sự tham gia của các đại bộ, ban, ngành liên quan.
Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN chính thức được thành lập vào tháng 4/2018, tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 32 tại Singapore.
Hiện nay ASCN có 26 đô thị thành viên từ 10 quốc gia ASEAN. Năm 2020, Việt Nam giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN, đồng thời là Chủ tịch Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN.
Tại hội nghị này, Bộ Xây dựng đã trình bày tóm tắt hoạt động nổi bật của ASCN trong năm 2020. Theo đó, trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 tác động tiêu cực tại nhiều quốc gia trên thế giới, với vai trò Chủ tịch mạng lưới ASCN, Việt Nam đã linh động, sáng tạo chuyển phương thức tổ chức các hoạt động, thay vì trực tiếp sang hình thức trực tuyến Hội nghị thường niên lần thứ 3 Mạng lưới ASCN, Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh 2020; Hội nghị cấp cao Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN-Nhật Bản lần thứ 2…
Ngay sau Hội nghị thường niên ASCN 2020, các thành viên đã thông qua 3 văn kiện quan trọng tiếp tục định hình các hoạt động phát triển đô thị thông minh trong toàn Mạng lưới hướng tới sự phát triển và thịnh vượng chung, đó là: Khung giám sát và đánh giá mạng lưới đô thị thông minh ASEAN; khung quy định về sự hợp tác giữa mạng lưới đô thị thông minh ASEAN với các đối tác bên ngoài; văn bản xem xét mở rộng thành viên Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN.
Ngoài ra, 6 đối tác ngoài Mạng lưới ASCN đã đưa ra một số đề xuất hợp tác về phát triển đô thị thông minh với nhiều nội dung phong phú, đa dạng như: Hiệp hội Nhật Bản về hợp tác đô thị thông minh khu vực ASEAN (JASCA), Chương trình Hợp tác toàn cầu của Hàn Quốc, Chiến lược quốc gia và dự án về phát triển đô thị thông minh của Nga, Hợp tác đô thị thông minh của Mỹ - ASEAN, đề xuất tổ chức đoàn khảo sát cho thành viên ASCN của Na Uy, Ứng dụng phản hồi sức khỏe thông minh và điều khiển thành phố thông minh của WeGO)…
Trong mối quan hệ giữa ASCN và Nhật Bản, các bên cũng thống nhất đề xuất các cơ chế và hành động cụ thể duy trì kết nối và hợp tác trong lĩnh vực phát triển đô thị thông minh…
Bộ Xây dựng nhấn mạnh trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đối tác với các đối tác trong và ngoài Mạng lưới ASCN, đồng thời phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan, các cấp chính quyền địa phương để cùng gia tăng những cơ hội phát triển. Đặc biệt chú ý đến lĩnh vực ứng dụng công nghệ chống đại dịch COVID-19 hướng đến mục tiêu cốt lõi của phát triển đô thị thông minh là vì chất lượng cuộc sống, sự phát triển, tiến bộ con người và phát triển quốc gia bền vững.
Hội nghị lần này, các thành viên ASCN đã tập trung thảo luận để thông qua các tài liệu quan trọng của Mạng lưới, như: Tài liệu ý tưởng về phát triển Cổng thông tin trực tuyến ASCN; tài liệu ý tưởng về phát triển bộ công cụ đầu tư đô thị thông minh và bền vững ASEAN.
Các tài liệu này là bước phát triển quan trọng mới, tiếp tục củng cố hoạt động của Mạng lưới cũng như tạo nền tảng vững chắc cho việc hợp tác với các đối tác. Đặc biệt, các thành viên cũng đã thông tin, trao đổi tình hình phát triển đô thị thông minh và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với đại dịch COVID-19; thảo luận về các tiến triển, thử thách và phương hướng hợp tác theo Chương trình hành động đô thị thông minh ASCN.
Đồng thời trao đổi với các đối tác ngoài Mạng lưới về khả năng đóng góp các sáng kiến trong cơ hội hợp tác chung để thúc đẩy hiện thực hóa đô thị thông minh…
Hội nghị cũng thảo luận về công tác chuẩn bị cho sự kiện Hội nghị thường niên ASCN lần thứ 5 vào tháng 11/2021 và các hoạt động trong giai đoạn tới. Cũng tại Hội nghị, Singapore được bầu là Quốc gia hướng dẫn ASCN cho 2 năm tới, đồng thời giới thiệu Campuchia giữ vai trò Chủ tịch ASCN cho năm 2022.
Toàn Thắng