Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đến Ba Chẽ hôm nay, diện mạo đã có sự đổi thay. Con đường đến Trung tâm thị trấn được rải nhựa, nhiều nhà cao tầng mọc lên hai bên đường. Trên đường vào thị trấn không chỉ là những cánh rừng bạt ngàn với keo, gió bầu, quế, sưa…mà còn thấp thoáng những khóm thanh long sum xuê ở các vườn của hộ dân với những cành cây từ khóm vươn dài như những cánh tay thõng xuống, mọc xen kẽ là những quả đỏ chín xen với chùm hoa màu vàng và quả non mới nhú.
Ba Chẽ vốn là một huyện nông nghiệp với cơ cấu kinh tế: nâm- nông nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Tổng diện tích gieo trồng của toàn huyện trung bình hàng năm là 2.152,9 ha, các giống cây trồng chủ yếu của huyện, bao gồm các cây ngắn ngày như: lúa, ngô, khoai, sắn và các cây lâu năm, như: bưởi, na, mía tím, vải, nhãn lồng...Do đặc thù của Huyện nên cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm chú trọng đến phát triển kinh tế nông -lâm nghiệp và có chủ trương chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh diện tích cánh đồng có giá trị kinh tế cao, đạt giá trị trên 50 triệu đồng/ha/năm.
Huyện đã chỉ đạo nông dân áp dụng các biện pháp “tăng canh xen vụ”, “luân canh xen vụ” nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác. Gần đây xuất hiện trên địa bàn là cây thanh long, một loại cây mới lạ, phù hợp với đồng đất Ba Chẽ và trở thành sản phẩm đặc sản của Huyện, đem lại nguồn thu khá, cho giá trị kinh tế cao hơn các loại cây truyền thống của địa phương, góp phần cải thiện đời sống cho các hộ dân nơi đây.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đàm Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết cây thanh long được đưa vào địa bàn từ năm 2000 do dân tự phát trồng. Đến năm 2006, huyện triển khai làm mô hình với tổng diện tích 2,4 ha tập trung ở các xã Thanh Sơn, Thanh Lâm, Đạp Thanh, mỗi hộ trồng bình quân từ 20-30 hom với trụ bằng gỗ.
Thanh long sau thời gian trồng 2 năm bắt đầu cho quả, từ năm thứ 3 trở đi sẽ cho thu hoạch rộ. Mỗi vụ thu hoạch kéo dài trong 3- 4 tháng, từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch. Thanh long sinh trưởng và phát triển trong thời gian từ 12-15 năm. Hàng năm cây cho ra hoa 6- 7 đợt. Tiềm năng năng suất sau 3 năm trồng cho khoảng 20 tấn quả/ha/năm, tương đương với khoảng 300 triệu đồng/ha/năm (giá hiện nay), các năm tiếp theo sẽ cho năng suất tăng dần.
Sau khi người dân trồng, thấy giống cây thích hợp với đồng đất. Cây phát triển tốt, dễ trồng, dễ nhân giống. Mặt khác, quả có vị ngọt sắc, ngon được người tiêu dùng ưa thích. Vì vậy, Huyện đã tiến hành nhân giống để triển khai mở rộng diện tích trồng thanh long ruột trắng. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được qua trồng thanh long ruột trắng, qua tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu của thị trường và tính chất đặc thù của vùng đất, tháng 5-2009, Trạm khuyến nông huyện đã đưa mô hình thanh long ruột đỏ vào trồng thử nghiệm ở 2 xã Đồn Đạc và Nam Sơn. Ưu điểm nổi bật của thanh long ruột đỏ là chất lượng ngon, trông đẹp mắt đang được thị trường ưa dùng, có giá trị cao gấp đôi thanh long ruột trắng. Huyện đã có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các hộ trồng thanh long với mức: 80% tiền giá giống, 60% tiền cọc bê tông, 60% tiền phân bón và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tổng diện tích trồng thử nghiệm 0,7 ha (tương ứng với 100 cọc bê tông).
Vườn thanh long của gia đình chị Đào Thị Thuận ở thôn Nam Hả Ngoài, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ- một trong những vườn thanh long được trồng lâu năm nhất huyện, cho giá trị kinh tế cao.
Chúng tôi đến thăm một hộ dân có thâm niên trồng thanh long lâu nhất vùng, và là người đầu tiên của huyện Ba Chẽ đưa giống cây thanh long vào trồng, đó là gia đình chị Đào Thị Thuận ở thôn Nam Hả Ngoài, xã Nam Sơn. Sau nhiều lần thử nghiệm, từ năm 2000, gia đình chị được thu hoạch quả thanh long và đem bán trên thị trường, đem lại nguồn thu nhập khá. Bà con quanh vùng nghe nói đều đến thăm quan học tập và có nhu cầu trồng thử nghiệm. Từ đó, gia đình chị làm thêm dịch vụ cung cấp giống cho các hộ dân trong và ngoài xã. Chị đã phát triển ra nhiều khóm, bình quân hàng năm trong vườn chị có trên 100 khóm, mỗi năm cho thu nhập trên 30 triệu đồng (bao gồm cả dịch vụ cung cấp cây giống cho các hộ dân lân cận).
Tiếp chúng tôi, anh chị niềm nở ra vườn hái mấy quả còn sót lại sau đợt vừa thu hoạch xong, chị nhanh nhảu bổ thanh long mời chúng tôi nếm thử. Vị ngọt của thanh long Ba Chẽ đậm đà và sắc, có mùi thơm đặc trưng. Tuy hơi bé so với thanh long được bày bán ngoài thị trường, phải từ 3-4 quả mới nặng 1 kg, nhưng bù lại màu vỏ quả đỏ tươi, đậm, trông bắt mắt hơn, vỏ mỏng, ăn có vị ngọt hơn hẳn. Chính vì thế mà thanh long Ba Chẽ đã chiếm được thị hiếu người tiêu dùng. Những năm gần đây thanh long Ba Chẽ đã có mặt ở các địa phương trong tỉnh: Cẩm Phả, Hòn Gai, Tiên Yên…và được người tiêu dùng ưa thích.
Cũng theo đồng chí Đàm Sơn, sau khi mô hình trồng thanh long ruột đỏ thành công, Huyện sẽ nhân rộng và triển khai trên toàn địa bàn, đưa cây thanh long trở thành một loại cây trồng chính, thay thế dần những cây trồng có giá trị kinh tế thấp, là cây xóa đói cho bà con trong Huyện. Không những thế, Huyện sẽ tìm hướng đi cho sự phát triển cây thanh long trong tương lai, theo hướng sản xuất hàng hóa, tiến tới xây dựng thương hiệu thanh long Ba Chẽ./.