|
Ảnh: AP
|
Theo báo Kommersant, các chuyên gia có mặt tại hiện trường vụ nổ máy bay của hãng Kogalymavia tại bán đảo Sinai đã giải thích rằng, máy bay đã vỡ thành nhiều mảnh ngay khi còn trong không trung, bằng chứng là các mảnh vỡ nằm rải rác trên một khu vực rộng lớn. Vụ việc tương tự từng xảy ra với chuyến bay An-24 ở Cherkess năm 1997.
Khi đó, nguyên nhân tai nạn được cho là phần thân máy bay bị phá hủy do ăn mòn, xảy ra trong quá trình vận hành tại châu Phi. Các nhân viên bảo dưỡng đã không nhận thấy vấn đề và trong thời gian bay khi cấu trúc bị quá tải thì máy bay bị phá vỡ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, không nên vội vàng khi so sánh hai vụ việc này với nhau và với các máy bay hiện đại ngày nay, phải trải qua tất cả các quy trình bảo dưỡng cần thiết.
Ngoài ra, cũng không loại trừ đã xảy ra một vụ nổ nhỏ từ khoang hành lý. Vụ nổ không phá hủy máy bay, nhưng do chênh lệch áp suất khiến vỏ máy bay bị bung ra. Sự việc tương tự xảy ra hồi năm 1988 trên bầu trời Lockerbie (Scotland). Trong vòng 3 năm sau đó các chuyên gia cũng không hiểu nổi nguyên nhân vì sao chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Pan American rơi.
Mãi sau này, khi thu thập đầy đủ các mảnh vỡ, người ta mới nhận thấy có một trong số các mảnh vỡ của máy bay có một lỗ thủng bằng quả dưa hấu. Một quả bom được cấy trong khoang hành lý. Kẻ khủng bố sau đó đã được phía Anh giao cho chính quyền Lybia khi đó.
Một khả năng nữa có thể là nguyên nhân gây ra vụ nổ là thân máy bay có vết nứt. Hồi năm 2001, chiếc máy bay này còn chưa thuộc về sở hữu của Koralymavia, khi hạ cánh tại Cairo, phần đuôi của máy bay đã quệt xuống đường băng. Điều này dẫn tới cấu trúc của máy bay bị ảnh hưởng. Tất cả những phần hư hỏng sau đó đã được sửa chữa, tuy nhiên, rất có thể trong quá trình sửa chữa người ta đã không quan sát thấy hết những gì cần phải khắc phục.
Một nguyên nhân khác được nhận định là sự cố động cơ gây ra nổ và làm gẫy cánh turbin của động cơ. Theo các chuyên gia khi máy bay đang bay ngang với tốc độ cực lớn, nếu điều này xảy ra thì những cánh turbin sẽ cưa đứt cánh dẫn tới máy bay bị thất tốc và rơi xuống như một mũi khoan.
Hộp đen trên máy bay sẽ cho biết máy bay đã hoạt động thế nào trước thời điểm tai nạn cũng như các hoạt động của phi hành đoàn. Quá trình điều tra, nghiên cứu sẽ phải rất cẩn trọng và tỉ mỉ thì mới có thể tìm ra được nguyên nhân đích thực của vụ tai nạn thảm khốc này.
Chiếc Airbus-321 của hãng hàng không Nga Kogalymavia bị nạn ngày 31/10 khi đang trong hành trình từ thành phố nghỉ dưỡng Sharm El- ở Nam Sinai (Ai Cập) tới thành phố St. Petersburg của Nga. Máy bay đã biến mất khỏi màn hình radar 23 phút sau khi cất cánh. Theo số liệu mới nhất, trong số 224 nạn nhân thiệt mạng trên có 25 trẻ em và 7 thành viên phi hành đoàn.