Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Có mặt tại bãi biển Hồ Tràm (đoạn bãi tắm Thanh Thanh và đồn Biên phòng 492), chúng tôi thấy khá nhiều cây dương chiều cao từ 5-10m bật gốc nằm chổng chơ trên bãi biển. Anh Mai Văn Ba, chủ bãi tắm Thanh Thanh cho biết: “Tuần trước, khu nhà kho (đã bỏ hoang) của đồn Biên phòng 492 đã bị cuốn xuống biển. Từ năm 1996 đến nay, mỗi năm khu vực này bị xói lở ít nhất 30m. Khu bãi tắm tôi đang kinh doanh trước đây cách mép nước gần 300m thì nay đã ngập hoàn toàn mỗi khi thủy triều lên”.
Ông Đỗ Hùng Lam, Giám đốc Ban Quản lý các KDL huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện tượng biển xâm thực đất liền trên địa bàn huyện Xuyên Mộc diễn ra từ nhiều năm nay, khu vực bị xâm thực dịch chuyển mỗi năm mỗi khác. Nhưng năm nay hiện tượng biển lấn đất liền diễn ra khốc liệt hơn. Khu vực cửa Lộc An, mũi Hồ Tràm, Hồ Cốc bị sóng biển tấn công mạnh nhất. “Chưa có thống kê đầy đủ, nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện, không tính các dự án đang triển khai xây dựng hoặc mới được giao đất, hiện tại có ít nhất có 7 KDL, bãi tắm đã đi vào hoạt động chịu ảnh hưởng của việc biển xâm thực”.
Theo nhận định của người dân, hiện tượng biển xâm thực là tự nhiên, nhưng thời gian gần đây việc hút cát ở khu vực cửa Lộc An, xâm hại đồi cát ven bờ và rừng cây chắn sóng đã tiếp sức cho sự tàn phá của biển dữ dội hơn.
Chống sạt lở: Mạnh ai nấy làm
Ông Đặng Hải Đường, chủ DNTN Dịch vụ Du lịch Biển Viễn Đông (Hồ Cốc, xã Bưng Riềng) cho biết, quá trình biển lấn đất liền bắt đầu diễn ra từ tháng 11, đỉnh điểm vào tháng 12 và kéo dài đến tháng 4 năm sau. Sau khi nước rút, những khu vực bị xói lở thường lồi lõm, có nơi xuất hiện những hố sâu đường kính hàng chục mét nên dù việc bồi lấp sẽ diễn ra sau đó nhưng không thể bù lại phần đất đã mất. Vì vậy, để bảo vệ cơ sở hạ tầng, nhiều doanh nghiệp du lịch đã tự xây kè chắn sóng theo kiểu thủ công. KDL Hương Phong bảo vệ bãi biển bằng bức tường bê tông khá dày chạy dọc theo mép biển. Cạnh bên, KDL Biển Viễn Đông lại dùng cừ tràm đóng xuống, đổ đá hai bên và dằn bê tông lên tạo thành dải hàng rào dài gần 250m chắn sóng. Bãi tắm Thanh Thanh lại tận dụng những tấm tôn cứng đã qua sử dụng ghép lại tựa những lá chắn dọc theo khu bãi tắm để chống xói lở. “Tuy thiếu thẩm mỹ nhưng giải pháp này vừa tiết kiệm chi phí mà thời gian sử dụng cũng được vài năm nên cứ làm tạm để tiếp tục kinh doanh. Khi nào những tấm tôn này hỏng lại thay mới”, anh Mai Văn Ba, chủ bãi tắm Thanh Thanh nói.
Được biết, từ tháng 7-2005, đề án chống xói lở biển bằng công nghệ Stabiplage đã được thí điểm tại cửa biển Lộc An với mục tiêu chống xói lở bờ biển trên chiều dài 500m, bít cửa đã mở, tái lập Profin tự nhiên nhằm bảo vệ khu đầm phá bên trong, khu vực dân cư, khu du lịch, con đường ven biển đối diện với cửa mở… Kết quả đã bít được các cửa mở, chặn đứng xói lở đồng thời phục hồi lại bãi cát và tiến ra phía biển một cách tự nhiên trung bình khoảng 25-30m, có nơi từ 60-70m. Ngoài ra, bãi cát được bồi tụ, nâng cao lên và trải dài, ước tính khoảng 30.000-40.000m 2 bãi cát được bảo vệ ổn định với lượng cát tích tụ tự nhiên 145.000-150.000m 3 . Tuy nhiên, do giá thành cao nên việc ứng dụng công nghệ này tại các khu vực biển tương tự chưa được thực hiện.
Mỗi doanh nghiệp tự nghĩ ra cách làm trên cơ sở tiết kiệm chi phí và tận dụng những vật liệu dễ kiếm khiến các công trình chắn sóng không đồng bộ, mỗi nơi mỗi kiểu, mất mỹ quan bãi biển chưa kể có thể nguy hiểm đến tính mạng cho khách tắm biển nếu bị va đập vào các các bức tường bê tông này. Còn theo ông Trần Minh Phước, Phó Giám đốc Ban Quản lý các KDL huyện Xuyên Mộc, về lâu dài nếu không có giải pháp đồng bộ bảo vệ dải đất ven biển thì việc mạnh ai nấy làm các công trình chắn sóng có thể ảnh hưởng đến dòng chảy và địa mạo vùng bờ biển, làm xuất hiện nhiều cửa biển mới đe dọa sinh hoạt, sản xuất của khu vực đầm phá bên trong.
Đăng Khoa- BR-VT