Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự hội nghị có có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng khoảng 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư. Sự kiện nhằm giúp lãnh đạo tỉnh lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 1.386 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký khoảng 14.875 tỷ đồng, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm 2023. Thu hút đầu tư trong nước trong 9 tháng đạt 168,3% kế hoạch và tăng 3,5 lần so với cùng kỳ với 22 dự án thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 34.751 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư đầu tư nước ngoài đã đạt 95,4% kế hoạch và tăng gấp 3,35 lần so với cùng kỳ năm 2023 với 48 dự án cấp mới và điều chỉnh tăng vốn có tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm khoảng 1,9 tỷ USD.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 489 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 33,4 tỷ USD và 697 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 400.000 tỷ đồng.
Phát biểu với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết trong 3 năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố cao nhất nước và đứng đầu trong khu vực Đông Nam Bộ. Đối với chỉ số Xanh cấp tỉnh, có sự thăng hạng vượt bậc, từ xếp thứ 19 năm 2022 lên vị trí thứ 8 trong năm 2023.
Theo ông Thọ, Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về "phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã định vị vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, thể hiện rõ thông qua các cơ chế, chính sách để vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Trong chỉ đạo, điều hành, Bà Rịa - Vũng Tàu nhận thức nếu làm tốt công tác quy hoạch sẽ tạo không gian phát triển tốt, có không gian phát triển tốt sẽ có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt sẽ có dự án tốt.
Do đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn xác định xây dựng và triển khai quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cơ hội để kiến tạo mô hình phân bổ không gian phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn, làm mới những động lực tăng trưởng cũ và kiến tạo động lực phát triển mới, thực hiện 3 đột phá chiến lược: Đột phá về hệ thống hạ tầng giao thông kết nối; đột phá về chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính và đột phá về nâng cao năng lực quản trị công.
Ngoài tăng tốc hoàn thiện mạng lưới giao thông nội tỉnh, từ nhiều năm nay, tỉnh cũng xác định giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng là vấn đề sống còn trong phát huy và khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi công nhiều dự án lớn mang tính liên kết vùng là đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường biển Vũng Tàu - Bình Thuận… Đây là các dự án góp phần giảm tải cho Quốc lộ 51, đẩy mạnh việc vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được nhanh chóng, giúp cho việc phát triển du lịch phía Đông và kết nối vận tải liên tỉnh qua Bà Rịa - Vũng Tàu.
Năm 2024, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục tập trung đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị bảo đảm nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, đúng thời gian và bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương.
Căn cứ định hướng của Trung ương và trên cơ sở khả năng khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, từ nay đến năm 2030, tỉnh lựa chọn 4 nhóm ngành kinh tế quan trọng làm trụ cột phát triển, gồm: Công nghiệp; Kinh tế hàng hải - dịch vụ logistics; Du lịch; Phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển hệ thống đô thị hiện đại.
Các nhóm ngành kinh tế trụ cột được thu hút đầu tư gắn với quy hoạch tỉnh, trên cơ sở tổ chức không gian 3 trục động lực phát triển tại 4 vùng chức năng.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn mà đơn vị gặp phải trong quá trình đầu tư, sản xuất - kinh doanh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, tại kỳ đối thoại tháng 10/2023, tỉnh đã tiếp nhận và xử lý khoảng 35 kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, thuế và tiền thuê đất, cải cách hành chính, hướng dẫn chính sách, thủ tục hành chính.
Đến nay, tỉnh đã xử lý xong 31 kiến nghị và gửi đến từng doanh nghiệp, nhà đầu tư, hiện còn 4 kiến nghị đang trong lộ trình xử lý. Trước hội nghị này, tỉnh cũng đã tiếp nhận khoảng 32 kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư, hiệp hội.
"Tôi mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đại diện các hiệp hội cùng với những kiến nghị sẽ đóng góp thêm những ý kiến hiến kế nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ nghiên cứu, có các giải pháp về chính sách nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, rào cản hỗ trợ tích cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư", ông Nguyễn Văn Thọ bày tỏ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho hay, các ý kiến sẽ được tỉnh tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc riêng hoặc phản hồi, trả lời cho doanh nghiệp bằng văn bản ngay sau hội nghị.
Đồng thời kỳ vọng, thông qua hoạt động đối thoại định kỳ giữa các cơ quan nhà của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch trên địa bàn tỉnh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ngọc Tấn