Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu đến tháng 11/2024, phấn đấu đạt 80% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính (TTHC) có đủ điều kiện cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 75% dân số trưởng thành từ 15 tuổi trở lên có tài khoản DVCTT (trong đó 40% dân số trưởng thành từ 15 tuổi trở lên có sử dụng DVCTT); 70% hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa; 50% hồ sơ trực tuyến được thực hiện toàn trình; trên 85% hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh/Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số hồ sơ thanh toán; trên 80% số lượng DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến trên tổng số DVCTT có phát sinh hồ sơ.
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng DVCTT, cụ thể như: Tăng cường công tác tuyên truyền việc cung ứng DVCTT đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp; tất cả TTHC thực hiện nội bộ giữa các cơ quan nhà nước đã được cung ứng DVCTT toàn trình, một phần phải thực hiện bằng hình thức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến.
Triển khai thí điểm một số ngày không tiếp nhận hồ sơ TTHC bản giấy và các mô hình hướng dẫn; rà soát các TTHC đủ điều kiện để cung ứng DVCTT thực hiện toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; đẩy mạnh việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC được cung cấp DVCTT toàn trình, một phần đối với TTHC có phát sinh nhiều hồ sơ.
Tuyên truyền, hướng dẫn các DVCTT có phát sinh hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh/Cổng Dịch vụ công quốc gia; phát huy hiệu quả Tổ hướng dẫn thực hiện DVCTT toàn trình, một phần; tổ công nghệ số cộng đồng tại cấp xã, khu phố, thôn, ấp; tiếp tục tuyên truyền, triển khai quy định mức thu phí, lệ phí sử dụng DVCTT để khuyến khích người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến; ban hành danh mục DVCTT giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến so với xử lý hồ sơ giấy.
Thực hiện rà soát các TTHC, DVCTT, bao gồm các dịch vụ công thiết yếu theo quy định, có nhiều người sử dụng để đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét đơn giản hóa, tái cấu trúc lại quy trình thực hiện, lược bỏ các bước trung gian không cần thiết, lược bỏ các thành phần hồ sơ đã có trong cơ sở dữ liệu để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi tiếp cận, thực hiện; thiết kế lại giao diện, trải nghiệm người dùng đối với các DVCTT trên Cổng Dịch vụ công tỉnh (phân hệ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC); trong đó chú trọng việc cung cấp thông tin hướng dẫn đơn giản, trực quan, dễ hiểu, dễ làm, giúp người dân có thể tự thực hiện một cách dễ dàng, thuận tiện...
UBND tỉnh giao trách nhiệm cho người đứng đầu các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan ban hành quyết định hoặc kế hoạch để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng DVCTT; giao chỉ tiêu tỉ lệ DVCTT toàn trình, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến từ xa tới người đứng đầu cơ quan, đơn vị năm 2024; thúc đẩy DVCTT toàn trình, tiến đến 100% DVCTT tại cơ quan, đơn vị đều sử dụng chữ ký số để giảm bớt thời gian, thủ tục giấy tờ của người dân.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện DVCTT toàn trình, một phần trên địa bàn, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai, tổ chức thực hiện DVCTT toàn trình, một phần đối với UBND cấp huyện, cấp xã; phấn đấu trên 20% dân số trưởng thành từ 15 tuổi trở lên có cài đặt, sử dụng chữ ký số hoặc chữ ký điện tử.
BT