Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Vùng cây ăn quả trên 51.000 ha, trong đó, vùng vải thiều tập trung 28.000 ha; vùng cây có múi gần 11.000 ha, vùng rau an toàn gần 12.000 ha; đàn lợn gần 1 triệu con, đàn gia cầm trên 20 triệu con…
Bên cạnh đó, Bắc Giang có 27 làng nghề đã được công nhận, có 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và 45 thành phần dân tộc chung sống với nhiều nét văn hóa đặc trưng, có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch. Đây là tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh trong việc lựa chọn, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Bắc Giang đã mang lại kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh có 180 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên thuộc 10/10 huyện, thành phố, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 138 sản phẩm đạt 3 sao.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được tỉnh quan tâm chú trọng. Giai đoạn 2018-2022, tỉnh đã hỗ trợ cho trên 100 lượt hợp tác xã, doanh nghiệp với khoảng 350 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối cung cầu do Bộ NN& PTNT, Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức; hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Học hỏi kinh nghiệm để phát triển OCOP bền vững
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Bắc Giang có khoảng 350 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao, theo ông Lê Bá Thành, Bắc Giang đã nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm từ các đơn vị doanh nghiệp trong quản lý chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện theo chu trình OCOP, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả của chương trình.
Bên cạnh đó là những kinh nghiệm hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia các sàn thương mại điện tử; kết nối cung-cầu, xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP…
Từ đó giúp ngành nông nghiệp Bắc Giang có những định hướng phát triển sản phẩm OCOP phù hợp với thế mạnh của địa phương.
Bà Lê Thị Thêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần đầu tư Hoàng Anh (đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn, phát triển thương hiệu, chuẩn hoá sản phẩm theo tiêu chí OCOP của Trung ương) cho biết, trong quá trình triển khai tư vấn phát triển sản phẩm OCOP tại các địa phương, công ty nhận thấy hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú, chất lượng cao, tuy nhiên các sản phẩm vẫn chưa có sức cạnh tranh trên thị trường và chưa được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị hay chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần đầu tư Hoàng Anh, muốn hội nhập thành công, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, mỗi doanh nghiệp, chủ thể sản xuất cần tập trung xây dựng cho mình hình ảnh và chiến lược phát triển thương hiệu bền vững. Qua đó tạo dựng được vị thế mới, tạo được niềm tin với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài, nâng tầm giá trị cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của các địa phương", bà Thêm cho biết.
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu chia sẻ, Bắc Giang là một địa phương có nhiều lợi thế cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp.
Ông Hưng cho biết thêm, doanh nghiệp của mình rất may mắn khi đã được kế thừa vùng nguyên liệu quả vải với quy mô và chất lượng hàng đầu Việt Nam tại Bắc Giang, giúp doanh nghiệp tham gia vào sân chơi kinh doanh vải và các sản phẩm từ vải.
Tuy có nhiều thuận lợi được kế thừa, nhưng doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điển hình như khi lấy mẫu test dư lượng thì đạt nhưng khi sản xuất đại trà và kiểm mẫu ngẫu nhiên thì vẫn bắt gặp kết quả vượt ngưỡng dư lượng mà thị trường cho phép. Hay việc thu hoạch tại các vùng được kiểm soát về dư lượng nhiều khi không đủ để đáp ứng đơn hàng, do đặc thù cần đủ nguyên liệu ngay cho tối thiểu một Cont sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Từ những vướng mắc nêu trên, theo ông Nguyễn Đức Hưng, Bắc Giang cần tập trung quản lý mạnh mẽ hơn nữa trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thời gian cách ly để tạo được vùng sản xuất "mạnh" từ quả vải. Xây dựng các chương trình hỗ trợ trọng điểm, tạo mô hình hiệu quả và lấy đó làm cơ sở để thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu cũng như phát triển kinh tế, tránh hỗ trợ dàn trải, khó mang lại kết quả tích cực theo chiều sâu.
Đồng thời quy hoạch phát triển vùng theo phân khu với từng loại sản phẩm, từng tiêu chuẩn, để tránh việc nhầm lẫn. Đặc biệt, loại vải phù hợp xuất khẩu do có thời gian bảo quản tốt là quả vải U hồng, nên cần có kế hoạch tăng diện tích và tăng các mã vùng.
Thiện Tâm