Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, trong những năm qua, Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, làm việc cụ thể để hướng dẫn các thủ tục, giúp các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ theo chính sách của Trung ương và nguồn vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng thương mại đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm tháo gỡ vướng mắc, giúp tiếp cận vốn thuận lợi. Cùng với đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Giang cũng thường xuyên tổng hợp khó khăn của các hợp tác xã, thành viên trong tiếp cận vốn ngân hàng và phối hợp với Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang tổ chức đối thoại với các hợp tác xã để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn vay.
Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã được thành lập năm 2012. Qua 12 năm hoạt động, Quỹ luôn phát huy tốt vai trò hỗ trợ hiệu quả cho hợp tác xã, thành viên hợp tác xã. Tính đến ngày 31/12/2023, đã có 14 hợp tác xã được vay vốn từ các ngân hàng thương mại của tỉnh với dư nợ đạt 110,029 tỷ đồng, có 10 hợp tác xã được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương với số tiền 50,335 tỷ đồng; mỗi năm có từ 40-50 lượt dự án được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Bắc Giang với số vốn khoảng 20 tỷ đồng và 7 hợp tác xã vay với số vốn 2,192 tỷ đồng tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…
Các hợp tác xã được vay vốn cơ bản phát huy hiệu quả nguồn vốn, trong đó tập trung vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của tỉnh; đầu tư sản xuất các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP chất lượng. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã dùng nguồn vốn tổ chức các hoạt động phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, tăng giá trị thương mại, hợp tác xã đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các ngành chủ động hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng kết quả các thành tựu khoa học và công nghệ về giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh. Đồng thời triển khai xây dựng thành công một số mô hình chuyển đổi cấp xã với trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó có nội dung hướng dẫn hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.
Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng được triển khai theo hướng năng động, linh hoạt và hiệu quả; quảng bá và mời gọi kết nối tiêu thụ với các tập đoàn bán lẻ, chuỗi các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong và ngoài nước, các chợ đầu mối nông sản trong nước đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh để thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như một số chuỗi các sự kiện xúc tiến tiêu vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang tới các thị trường trong nước cũng như xuất khẩu đã được triển khai như: Hội nghị trực tuyến xúc tiến vải thiều năm 2022; Hội nghị Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022; Hội nghị "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Mỹ" năm 2023...
Tuy nhiên, việc triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc do nhận thức về vai trò, giá trị và bản chất của mô hình hợp tác xã kiểu mới một số nơi còn chưa thống nhất, dẫn đến công tác quản lý, ban hành, thực hiện cơ chế, chính sách, nhất là chính sách về vốn, đất đai… chưa được một số cấp ủy, chính quyền quan tâm hoặc triển khai chưa trọng tâm, chưa tương xứng với yêu cầu thực tế, chưa đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, tuy Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên về nhiệm vụ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng còn một số ngân hàng thương mại có tâm lý e ngại đối với loại hình hợp tác xã, chưa thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để hợp tác xã phát triển.
Số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận còn hạn chế; việc xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn chưa rõ, gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách chung trong đó có chính sách ưu đãi về tín dụng.
Vì vậy, để tháo gỡ vướng mắc về tín dụng đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, theo ông Phan Thế Tuấn, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế hiện nay. Từ đó quan tâm, tạo điều kiện hơn đối với các tổ chức này trong việc tiếp cận vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, của tỉnh.
Tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể rà soát khó khăn, đề xuất, kiến nghị của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để tham mưu với tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn; đồng thời hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã dễ dàng tiếp cận vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh việc đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại góp phần giúp các hợp tác xã quảng bá, liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Chủ động nắm bắt về nhu cầu, khó khăn của các hợp tác xã trong tiếp cận vốn để thông tin với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện nguồn lực cho kinh tế tập thể của tỉnh Bắc Giang phát triển.
Đối với các hợp tác xã trên địa bàn Bắc Giang cần chủ động khắc phục các khó khăn, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; quan tâm tới quyền lợi của các thành viên, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ để phát triển nhưng không ỷ lại, chông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Tăng cường năng lực quản trị hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch; củng cố bộ máy kế toán, kiểm toán.
Thiện Tâm