Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một ngày giữa tháng 3, theo chân cán bộ Sở KH&CN Bắc Giang, chúng tôi đến với vùng đất là thủ phủ vùng cây ăn quả - huyện Lục Ngạn. Thời điểm này, hoa vải thiều nở thành chùm, nhỏ li ti, bắt đầu bung trắng xóa.
Bắc Giang được biết đến là tỉnh có sản lượng vải thiều lớn nhất cả nước với diện tích hơn 28.000 ha, sản lượng hằng năm khoảng 200.000 tấn. Chỉ tính riêng huyện Luc Ngạn, diện tích hơn 17.000 ha, sản lượng hằng năm khoảng 120.000 tấn, giá trị hơn 3.000 tỷ đồng.
Vải thiều Lục Ngạn hiện nay được Bộ KH&CN cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại 7 quốc gia: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Mỹ. Đây cũng là loại nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm này vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường khó tính đòi hỏi yêu cầu khắt khe về chất lượng, đóng góp giá trị thương hiệu vải thiều Lục Ngạn.
Một sản phẩm chủ lực khác của Bắc Giang là con là gà. Bắc Giang có tổng đàn gà lớn thứ 2 toàn quốc, với quy mô khoảng 18 triệu con, sản lượng hằng năm hơn 34.000 tấn, riêng huyện Yên Thế có 14 triệu con, với sản lượng từ 24-28.000 tấn, giá trị 1.300-15.00 tỷ đồng, trung bình mỗi năm cung ứng ra thị trường ngoài tỉnh khoảng 10-12 triệu con, có mặt tại các chợ đầu mối lớn tại 18 tỉnh, thành trên cả nước. Gà đồi Yên Thế đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận trong nước; cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại 3 nước là Trung Quốc, Lào và Singapore.
Ngoài ra, Bắc Giang có mỳ Chũ là sản phẩm nổi tiếng của làng nghề Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn. Làng có trên 300 hộ sản xuất mỳ gạo từ loại gạo đặc sản của vùng "Gạo bao thai hồng"; bình quân mỗi ngày sản xuất gần 30 tấn mỳ gạo. Mỳ Chũ là nhãn hiệu tập thể và đã được bảo hộ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào.
Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm: Gạo thơm Yên Dũng, rượu làng Vân, mỳ Chũ, mỳ Kế, gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn… đã tạo được thương hiệu sản phẩm, góp phần phát triển chương trình OCOP của tỉnh (hiện Bắc Giang có đến 205 sản phẩm OCOP, trong đó có 31 sản phẩm đạt 4 sao).
Ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang cho biết việc xây dựng thương hiệu đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, các sản phẩm được bảo hộ phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn và yêu cầu của quốc tế, khẳng định tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn tỉnh đã sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa đáp ứng được yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Các sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ đã phát huy được giá trị riêng có, ưu việt của mình, sản phẩm được đóng gói và truy xuất rõ ràng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Bản thân các nhà sản xuất, hiệp hội, ngành hàng sản xuất đã có cơ chế giám sát lẫn nhau ngay từ ban đầu để khi sản phẩm xuất bán ra thị trường đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc bảo hộ tài sản trí tuệ ra nước ngoài đối với chỉ dẫn địa lý tốn nhiều thời gian, thủ tục và chi phí. Đơn cử như việc đàm phán để vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản kéo dài gần 3 năm, với nhiều nội dung yêu cầu, chi phí phát sinh. Để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn, Bộ KH&CN đã triển khai thực hiện dự án KH&CN cấp quốc gia (với 3 sản phẩm là vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột), kinh phí được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương mới thành công (trong dự án, có sản phẩm đã không bảo hộ thành công như cà phê Buôn Ma Thuột).
Một khó khăn nữa, đối với sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, theo quy định, định kỳ hằng năm, chủ sở hữu phải báo cáo về quá trình sản xuất kinh doanh, kiểm soát chất lượng, tài chính (bằng tiếng Anh và tiếng Nhật) cho cơ quan chức năng của Nhật Bản (Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản), điều này gây trở ngại cho chủ sở hữu tại địa phương.
Ngoài ra, việc mất phí để gia hạn sản phẩm đã được bảo hộ ra nước ngoài cũng là một trong yếu tố hạn chế đến việc tiếp tục duy trì sản phẩm được bảo hộ (sau 10 năm).
Chia sẻ về những định hướng ưu tiên trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Phúc Thương cho biết Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về sở hữu trí tuệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, xây dựng cơ chế tài chính, chính sách đặc thù của tỉnh về hỗ trợ, phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của địa phương trong giai đoạn tới.
Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động hơn trong việc đăng ký xác lập quyền đối với một số sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, sản phẩm tiềm năng; chú trọng hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với một số sản phẩm chủ lực, đặc thù riêng của tỉnh.
Sở KH&CN Bắc Giang cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực thế mạnh của tỉnh nhằm bảo vệ danh tiếng và thương hiệu các nhãn hiệu mang yếu tố địa danh đã được bảo hộ.
Bên cạnh đó, chú ý nghiên cứu nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng ở nước ngoài, rà soát các sản phẩm có khả năng thương mại tốt để bảo hộ mới ở các nước phục vụ xuất khẩu. Trên cơ sở đó, tìm kiếm và huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển tài sản trí tuệ. Gắn với đó phải xác định lấy doanh nghiệp là trung tâm, đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm hàng hóa.
Hoàng Giang - Hồng Minh