Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Do mối quan hệ công tác tuyên truyền báo chí, tôi được quen biết Thiếu tướng tình báo quân sự Cao Pha, nguyên Phó cục trưởng Cục II, Bộ Tổng tham mưu, khi anh đã vào tuổi xế chiều, về công tác ở Ban Tổng kết chiến tranh của Bộ Quốc phòng. Anh cho tôi xem bản thảo cuốn hồi ký và nhờ tôi giúp một tay. Được gặp và trực tiếp làm việc với Bác Hồ nhiều lần, lại được Bác chỉ bảo hết sức ân cần như một người cha nhân từ, nhiều trang hồi ký của anh thấm đẫm tình yêu quý Bác vô bờ. Anh phụ trách Trưởng ban Quân báo của Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950. Về chuyện Bác Hồ ra mặt trận, anh kể lại: Tháng 8-1950, các hoạt động chuẩn bị chiến trường bước vào hồi kết, rất gấp rút và tấp nập. Hàng vạn nhân dân Liên khu Việt Bắc vô cùng nô nức, phấn khởi đi phục vụ Chiến dịch với khí thế tưng bừng “Tất cả cho chiến dịch toàn thắng!”. Vậy mà, quân Pháp đóng dọc đường số 4 không hề hay biết, không hay biết cả đài quan sát của ta đã đặt trên sườn núi chỉ cách thị xã Cao Bằng non một cây số theo đường chim bay và cơ sở của ta vào ra thị xã báo cáo rất rõ tình hình địch.
Khi anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) có mặt ở sở chỉ huy, nghe báo cáo phương án ban đầu đánh thẳng vào thị xã Cao Bằng do bộ phận đi trước chuẩn bị, anh chưa có ý kiến gì, nhưng có nhiều suy nghĩ. Theo chỉ thị của anh Văn, Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái cử Cao Pha tháp tùng anh đi trinh sát thực địa. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có ý định viết cuốn ký sự, được anh Văn đồng ý đi cùng.
Bác Hồ và các chiến sĩ quân báo trên đài quan sát trong Chiến dịch Biên Giới (1950). Ảnh tư liệu.
Trên thực địa và trên đài quan sát, anh Văn được báo cáo khá đầy đủ, chi tiết về tình hình các bến hai con sông ta phải vượt qua, các bãi trống địch có thể nhảy dù và đổ quân, đặc biệt là các “pháo đài” kiên cố, nơi có sở chỉ huy, sân bay, các ổ đề kháng hình thành các cụm cứ điểm vững chắc của lực lượng địch tương đương một trung đoàn. Anh Văn khen ngợi đồng chí Quốc Trung, Tổ trưởng Quân báo Cao Bằng đã nắm địa hình và địch tình khá tốt. Đêm đó, về nghỉ trong một ngôi làng bỏ hoang, anh Văn đi đi lại lại, đăm chiêu và thức rất khuya.
Anh chỉ thị cho Bộ tham mưu tập trung trao đổi kỹ về chỗ mạnh, yếu của địch, khó khăn, thuận lợi, nhất là khả năng bộ đội ta có đánh thắng được cụm cứ điểm phòng ngự vững chắc của lực lượng tương đương một trung đoàn địch không?
Từ đầu cuộc kháng chiến đến giờ, ta chưa có trận đánh nào vào cứ điểm phòng ngự của 2 tiểu đoàn địch, chưa có kinh nghiệm. Vận chuyển hàng vạn người, vũ khí, lương thực qua sông rất khó khăn. Nếu trận đánh kéo dài, địch đổ quân sau lưng, sẽ diễn biến rất phức tạp. Binh hỏa lực của ta chưa hơn hẳn và áp đảo địch, không bảo đảm chắc thắng. Anh Văn quyết định thay đổi phương án tác chiến.
Chính vào lúc mọi người bàn luận sôi nổi kế hoạch chiến đấu, sở chỉ huy chiến dịch vô cùng phấn khởi được báo tin Bác Hồ lên Mặt trận. Anh Văn tươi cười nói với mọi người: “Có Bác ở bên cạnh, mình càng thêm an tâm, tin tưởng”…
Khi Bác đến sở chỉ huy và bắt tay vào việc, anh Văn báo cáo với Bác tình hình chuẩn bị mọi mặt của chiến trường và phương án tác chiến mới: Không đánh vào tập đoàn cứ điểm kiên cố ở thị xã Cao Bằng để mở màn chiến dịch, mà đánh cứ điểm Đông Khê - chỗ yếu và hiểm yếu của địch, bảo đảm đánh thắng trận đầu, buộc địch kéo viện binh lớn đến để ta tiêu diệt, rồi tiến công Thất Khê, Cao Bằng trong các bước tiếp theo…
Bác hỏi: “Ý kiến của Đảng ủy Mặt trận và các cố vấn Trung Quốc thế nào?”.
Anh Văn trả lời: “Tập thể Đảng ủy, các đồng chí Trần Canh, Vi Quốc Thanh cố vấn Trung Quốc đều nhất trí cao…”.
Bác hạ bút phê chuẩn phương án tác chiến mới.
Chiều ngày 11-9, hội nghị cấp trung đoàn trở lên quán triệt phương án tác chiến mới, hết sức phấn khởi chào đón Bác đến huấn thị. Với giọng nói ấm áp, vui tươi, thân mật, nhưng cũng rất kiên quyết, Bác bảo: “Trận này nhất định phải đánh thắng. Phải quyết tâm giành chiến thắng ngay trong trận đầu và các trận tiếp theo. Phải giữ bí mật, đoàn kết, hợp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị, đặc biệt là đoàn kết quân, dân. Các chú phải làm cho đúng kế hoạch. Đoàn thể, Quốc hội, Chính phủ đang chuẩn bị khen thưởng và chờ tin chiến thắng…”. Hội nghị vỗ tay vang dậy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt hội nghị xúc động phát biểu: “Đây là lần đầu tiên Bác ra tận mặt trận gặp cán bộ và bộ đội… Sự có mặt của Bác ở mặt trận là nguồn cổ vũ to lớn không những đối với các lực lượng tham gia giải phóng biên giới mà cả đối với toàn quân ta đang anh dũng chiến đấu trên các mặt trận từ Cao Lạng cho đến Cà Mau… Toàn thể lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch này xin hứa với Bác kiên quyết, dũng cảm chiến đấu để giành toàn thắng…”.
Ngày 13-9, Bác rời Sở chỉ huy Tà Phầy Tử về Sở chỉ huy mới ở Nà Lạng. Anh Văn đề nghị Bác đi bằng xe Jeep, nhưng Bác bảo để Bác đi bộ vừa tự do, vừa gặp bộ đội, dân công cho vui và để động viên. Với bộ quần áo nâu bạc màu, mũ đội sụp xuống dưới trán, chiếc khăn trên vai che chòm râu, Bác chống gậy lên đường, dáng dấp trông rất khỏe mạnh.
Ở Nà Lạng, sau khi đi thăm nơi ăn ở của hai đồng chí cố vấn Trung Quốc Trần Canh, Vi Quốc Thanh, anh Văn bảo Cao Pha ghé vào thăm Bác. Lán của bác ở trên sườn núi đá cách Sở chỉ huy không xa.
Bỗng chợt nhận ra đây là cơ hội “ngàn năm có một”, Cao Pha mạnh dạn đề nghị anh Văn xin được gặp Bác. Anh Văn đồng ý. Sau khi thăm Bác, anh Văn báo cáo với Bác “có cậu Cao Pha Đơ Bê” (Tiếng Pháp là Deux B, viết tắt hai chữ Deuxìeme Bureau, tức Phòng Nhì, tên gọi Phòng tình báo) muốn được thăm và hầu chuyện Bác. Bác gật đầu.
Cao Pha vô cùng xúc động khi thấy bữa cơm trưa của Bác chỉ có một đĩa nhỏ thịt rim, một đĩa rau cải luộc và bát nước rau. Chỗ ngủ của Bác là mấy tấm ván kê trên những tảng đá. Tất cả chỉ có vậy thôi. Cuộc sống của một vị Chủ tịch nước sao mà bình dân, giản dị, bữa ăn đạm bạc quá!
Nhận ra Cao Pha đang rất lúng túng, Bác chủ động nói trước: “Chú đấy à”. Sau khi nghe Cao Pha xưng tên và chức vụ, Bác lắng nghe Cao Pha nói chuyện, dáng vẻ Bác rất thân ái, đôn hậu, không có gì cách biệt cả.
- Thưa Bác, chiến dịch này có Bác trực tiếp chỉ đạo, cán bộ ở Bộ Tham mưu và chỉ huy các đơn vị phấn khởi và quyết tâm càng cao. Riêng cháu, được gặp Bác lần này là lần thứ ba. Lần đầu tiên sau ngày giành chính quyền ở Huế, ngày ấy cháu là sinh viên học trường Thanh niên tiền tuyến, được cử đưa Bảo Đại ra gặp Bác. Khi trở về, Bảo Đại nhờ cháu trực tiếp chuyển quà và thư cho Hoàng hậu Nam Phương. Hoàng hậu Nam Phương vô cùng vui sướng và xúc động nói với cháu: “Trên đời này, ít ai như Cụ Hồ, đã tha tội còn dùng ngài Hoàng làm Cố vấn cho Chính phủ. Ơn đức này của Cụ Hồ với chúng tôi lớn lắm, không gì có thể đền đáp được. Tôi hằng mong ngài Hoàng sống tốt với nhân dân, chính nghĩa và chính mình…”. Vậy mà Bảo Đại trước sau vẫn đi theo đế quốc Pháp. Nghe Cao Pha nói lại chuyện cũ, Bác Hồ không nói gì, chỉ cười rất vui. Cao Pha nói tiếp: “Lần thứ hai, cháu được gặp Bác là ngày khai giảng trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1, Bác đến huấn thị, ngày ấy cháu được điều về làm giáo viên. Cháu vẫn nhớ như in và nguyện suốt đời phấn đấu làm theo lời căn dặn ngày ấy của Bác: “Trung với nước, hiếu với dân; nhân nghĩa, trí dũng; cần kiệm, liêm chính; chí công vô tư”. Và lần này, cháu vô cùng hạnh phúc được trực tiếp thăm sức khỏe Bác, được phục vụ Bác trong chiến dịch, được Bác cho phép gặp và hầu chuyện…
Bác rất vui trước thái độ chân thành của Cao Pha. Bác hỏi tình hình địch có gì thay đổi không? Bác chỉ chỗ Cao Pha ngồi gần lại, rồi ân cần căn dặn:
- Trận này ta đánh lớn, nhất định thắng. Nhưng địch không dễ dàng chịu thua. Tình hình sẽ diễn biến phức tạp và khẩn trương. Chú làm quân báo phải hết sức cảnh giác, phải theo dõi thật chặt chẽ hành động của địch. Phải biết dựa vào dân, khéo tổ chức và hướng dẫn cụ thể, thì dân sẽ cung cấp tin tức tốt cho bộ đội. Thế nào bộ đội ta cũng bắt được nhiều tù binh địch. Các chú phải coi trọng giải thích rõ chính sách tù, hàng binh của ta cho họ rõ để họ yên tâm. Làm công tác này, các chú phải sử dụng tiếng Pháp thật tốt.
À, chú chuyển lời Bác báo lại với Ban Tuyên huấn chú ý tờ báo của Mặt trận. Phải tuyên truyền các chiến thắng, gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội, những gương phục vụ tốt, tận tụy của đồng bào các dân tộc. Phải viết thật ngắn gọn, dễ hiểu và kịp thời, để động viên bộ đội, dân công và nhân dân.
Ta đánh lớn và đánh dài ngày, cần nhiều lương thực và đạn dược. Bạn có giúp cho ta, nhưng ta phải huy động nhiều trong dân. Đồng bào các dân tộc Cao-Bắc-Lạng rất hăng hái đóng góp tuy cuộc sống còn thiếu thốn lắm. Phải hết sức tiết kiệm.
À, suýt nữa quên, chú nói với anh Văn ngày mai Bác muốn đi quan sát trận địa…
Cao Pha không ngờ được Bác tiếp chuyện gần một tiếng đồng hồ, ấn tượng sâu sắc nhất là Bác căn dặn những điều rất thiết thực nhưng lại rất quan trọng, Bác mặc bộ đồ nâu, khăn mặt vắt trên vai, ngồi trên ván kê trên đá như ông lão nông dân, thái độ niềm nở, ân cần, ánh mắt nụ cười đôn hậu như cha con.
Cao Pha báo cáo lại với anh Văn đầy đủ tất cả những điều căn dặn của Bác. Anh Văn nói với Cao Pha: “Cậu thấy không, Bác rất khỏe và minh mẫn, da mặt hồng hào, 60 tuổi vẫn đi bộ lên mặt trận… một con người thật kỳ diệu…”.
Sáng hôm sau, Bác đến Sở chỉ huy, không quên dặn mang theo ống nhòm và bi-đông nước. Theo chỉ thị của anh Văn, Cao Pha tháp tùng cùng đồng chí Chước, Tổ trưởng đài quan sát hướng dẫn Bác đi. Bác xắn quần lên cao, chống gậy leo núi thoăn thoắt. Bác quan sát hồi lâu, hỏi kỹ những địa hình từ Đông Khê đến Thất Khê và Cao Bằng. Tại đây, nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An đã chụp được bức ảnh Bác ngồi quan sát trận địa. Và bức ảnh này đã đi vào lịch sử, ghi dấu một giai đoạn đáng nhớ của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nó cũng trở thành biểu tượng truyền thống “Bác Hồ với ngành tình báo quân sự Việt Nam”.
Xuống núi, Bác dặn anh Cao Pha: “Trên đài lạnh lắm nhất là về đêm. Chú phải cho anh em mặc thật đủ ấm”. Bác cười vui nói tiếp: “Các chú có biết rang thịt heo “kiểu Việt Minh” không? Ngày trước ở chiến khu, các cô chú giải phóng quân lấy thịt băm nhỏ, trộn với muối, ớt, sả, rồi rang mặn bỏ vào ống tre, đến bữa ăn xúc ra một ít nấu với rau, vừa ăn nóng, ngon, vừa để được lâu, vừa tiết kiệm. Chú nhớ phổ biến kinh nghiệm này cho anh em trinh sát, quân báo hay đi hoạt động riêng lẻ”…
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trước lều dựng tạm trên đường đi chiến dịch Biên giới năm 1950 (ảnh: TL)
Nghĩ đến việc anh Văn thay đổi phương án tác chiến, Bác tỏ rõ sự tin tưởng nhất định chiến dịch sẽ thành công. Bác cảm hứng và để lại cho đời mấy vần thơ bất hủ:
Huề trượng đăng sơn quan trận địa
Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân
Nghĩa binh khí thế thôn Ngưu Đẩu
Thề diệt sài lang xâm lược quân
Được dịch là:
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta thế mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
Ngày 16-9-1950, khi trận mở màn Đông Khê bước vào thời khắc giằng co quyết liệt nhất ở khu trung tâm, Bác bảo anh Cao Pha cho người đưa Bác lên đài quan sát đặt trên đỉnh núi của Sở chỉ huy để Bác quan sát trận quyết chiến cuối cùng ở cứ điểm lớn nhất của Đông Khê. Bác nén lòng, bình tâm theo dõi các mũi tiến công cực kỳ anh dũng của quân ta và Bác vô cùng xúc động khi nhìn thấy lá cờ quyết chiến quyết thắng phất cao, báo hiệu quân ta đã toàn thắng.
Đông Khê bị tiêu diệt. Tin chiến thắng lan nhanh khắp mặt trận. Ta bắt được nhiều tù binh địch. Trại tù binh ở cách không xa. Bác bảo anh Cao Pha đưa Bác đi gặp tù binh. Anh Cao Pha tỏ vẻ lo lắng việc giữ bí mật và an toàn cho Bác. Bác hiểu ý, liền gọi đồng chí bác sĩ đem bông, băng đến, băng bó từ đầu xuống má, băng bịt kín chòm râu, rồi bôi thấm thuốc đỏ như một thương binh. Trại trưởng tù binh đã lập tức được chuẩn bị. Ba tên sĩ quan tù binh, trong đó có viên đại úy đồn trưởng Đông Khê được lệnh đứng dậy khi Bác bước vào. Bác nói tiếng Pháp: “Tôi tự giới thiệu là Việt kiều ở Pháp, trước đây đã tham gia cùng nhân dân Pháp chống phát xít Đức. Nghe theo lời kêu gọi của Chính phủ Hồ Chí Minh, tôi về nước cùng đồng bào tôi kháng chiến. Còn các anh đến đây để làm gì?”.
- Chúng tôi đến đây theo lệnh cấp trên - Tên quan ba trả lời.
- Thực dân Pháp xâm lược Đông Dương, vậy các anh có biết mình là thực dân không? Bây giờ các anh bị bắt làm tù binh, phải tuân theo những quy định của trại. Nếu sau này các anh có thái độ tốt, tôi sẽ nghiên cứu cho các anh hồi hương, Các anh có ý kiến gì thì gửi lên tôi theo địa chỉ: “Nguyễn Thắng, Cố vấn Chính trị Mặt trận”…
Bác nói tiếng Pháp rất chuẩn, lưu loát và hay quá. Ba tên tù binh trố mắt ngạc nhiên, đứng nghiêm và tuân lệnh.
Trở về, Bác kể lại hôm lên mặt trận, gặp toán tù binh đang được giải về trại, Bác đã cởi chiếc áo ngoài cho một tù binh Pháp bị thương quần áo rách tươm. Đột nhiên Bác hỏi: “Mà sao các chú lại cho lột giày của tù binh bắt đeo lên cổ? Với người phương Tây, không có giày, họ đi lại rất khó khăn, khổ sở. Nếu có sợ tù binh chạy trốn, thì chí ít cũng cho họ đi tất chứ!”. Cả Bác và mọi người đều cười vui vẻ.
Đông Khê thất thủ, một cuộc đấu trí đã diễn ra giằng co quyết liệt giữa ta và địch không kém phần cuộc đấu lực. Ta chủ trương tiêu diệt sinh lực chủ yếu của địch đồng thời cho bao vây chặt Thất Khê, tiến tới giải phóng địa bàn hoạt động của chiến dịch. Ngược lại, Cao Bằng và một số vùng khác bị uy hiếp nghiêm trọng, địch quyết tâm giành lại những vùng đất đã mất để thực hiện mưu đồ chiếm đóng lâu dài.
Phục kích dài ngày, mệt mỏi, thiếu thốn nhưng không thấy địch kéo đến, một số cán bộ, chiến sĩ bắt đầu nản lòng. Anh Văn động viên các đơn vị nêu cao tinh thần vượt mọi khó khăn gian khổ, tin tưởng và kiên trì chờ đợi thời cơ. Trước tình hình căng thẳng, Bác Hồ luôn ung dung, thư thái, tán thành kế sách bài binh bố trận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và điều gì đến tất sẽ đến. Địch tập trung lớn lực lượng lính Âu-Phi tinh nhuệ mở cuộc hành binh hòng chiếm lại Đông Khê và giải vây cho Thất Khê.
Đúng như mưu lược của ta tiên liệu. Cán bộ, chiến sĩ ta vô cùng háo hức khi binh đoàn cơ động Sác-tông - Lơ Pa-giơ lọt vào đội hình mai phục của ta. Chiến sĩ ta xung phong lên đánh giáp lá cà hết sức dũng mãnh, tiêu diệt hoàn toàn binh đoàn này. Tin binh đoàn cơ động tinh nhuệ Sác-tông - Lơ Pa-giơ bị xóa sổ làm cho thực dân Pháp vô cùng hoang mang, hoảng sợ. Trước khí thế thừa thắng xông lên như vũ bão của quân ta, để tránh tổn thất sinh lực nặng nề hơn nữa, địch lập tức rút bỏ đồng loạt cả Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập.
Hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng. Bác vui như trẻ ra, Bác bảo anh Văn tổ chức cho Bác đi thăm đồng bào, chiến sĩ ở Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng mới được giải phóng. Từng đoàn bộ đội, dân công cùng đồng bào trước đây đi tản cư, nay gồng gánh trở về đông vui như đi hội. Tiếng cười, tiếng hát, tiếng chào hỏi xen lẫn tiếng hô vang dậy khắp nơi: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác xúc động, đôi mắt long lanh, hòa chung niềm hạnh phúc với đồng bào, bộ đội hoan hỉ tưng bừng trong ngày vui giải phóng. Bác bồi hồi nhớ lại chiều mồng hai Tết Tân Tỵ năm 1941, từ Trung Quốc về, đặt bước chân đầu tiên ở cột mốc 108 làng Pắc Bó, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, Bác sống và làm việc trong hang Pắc Bó. Vậy mà thấm thoắt đã 9 năm trôi qua kể từ ngày ấy, giờ Bác lại trở lại Cao Bằng. Không biết những người thân quý ở làng Pắc Bó đã từng đùm bọc, giúp đỡ, bảo vệ Bác nay ai còn, ai mất? Bác bùi ngùi, mong có dịp về thăm lại cảnh cũ, người xưa…
Chiến dịch kết thúc, Bộ chỉ huy triệu tập hội nghị tổng kết sơ bộ tại Lam Sơn (Cao Bằng). Cán bộ ta và bạn có mặt dự họp rất đông vui. Hội nghị càng thêm tưng bừng, phấn khởi khi Bác bước vào hội trường và tham dự suốt buổi họp.
Bác căn dặn hội nghị:
- Càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan. Ta đã đánh thắng địch ở biên giới, phải đánh thắng chúng ở đồng bằng. Chiến đấu ở đồng bằng khó khăn hơn nhiều. Không được chủ quan coi thường địch. Phải rút kinh nghiệm thật tốt, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và giành thắng lợi ngày càng lớn hơn nữa…
Tan cuộc, anh Cao Pha tình cờ gặp được Bác. Bác rút tặng anh Cao Pha một điếu thuốc lá thơm và ân cần bảo: “Công tác nắm địch có ưu và có khuyết, cần tổng kết thật kỹ, thật tốt nhưng phải giữ bí mật, nhất là những cách nắm địch mới. À, khi nào lập gia đình, sinh cháu, nhớ báo tin để Bác tặng quà…”. Cao Pha vô cùng xúc động.
Thắng lợi to lớn của Chiến dịch Biên giới lịch sử Thu Đông 1950 đã đẩy thực dân Pháp lún sâu thảm hại vào thế bị động chiến lược. Trong các cuốn hồi ký và các cuộc hội thảo của mình về cuộc chiến tranh Đông Dương, các tướng lĩnh và các nhà sử học Pháp đều cho rằng họ có hai thất bại đau đớn và cay đắng nhất, đó là thất bại ở Mặt trận đường 4 và Mặt trận Điện Biên Phủ. Suốt quá trình chiếm đóng ở Mặt trận đường 4, họ bị tử nạn hơn 6000 quân tinh nhuệ cơ động lính Âu-Phi. Họ gọi con đường 4 là “Con đường không vui!”, “Con đường chết”. Đây là mặt trận quân lính viễn chinh Pháp chết nhiều nhất, thất bại lớn thứ hai sau Mặt trận Điện Biên Phủ.
Ngược lại, Cao Bằng và Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng, căn cứ địa và hậu phương chiến lược của ta càng được mở rộng và củng cố thêm vững chắc, lại được liên thông với các nước bạn, được sự chi viện đắc lực và chí tình của bạn bè quốc tế, không chỉ tạo cho ta có thế và lực càng thêm vững mạnh, còn mang lại cơ hội lớn cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn mới-giai đoạn phản công, chủ động tiến công và chuẩn bị tổng phản công địch.
Bác Hồ ra mặt trận, không những nói lên ý chí quyết chiến quyết thắng cao nhất, tình đoàn kết keo sơn trên dưới một lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nó còn có ý nghĩa khác quan trọng và đẹp đẽ hơn nhiều, đó là biểu tượng của chân dung một con người suốt đời hy sinh cao cả, chỉ biết sống vì nước vì dân, khổ trước thiên hạ và vui sau thiên hạ, hướng tất cả tâm hồn mình cho hạnh phúc của nhân dân và sự nghiệp cách mạng.
Kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, 65 năm ngày Quốc khánh, 120 năm ngày sinh của Bác, mọi người chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ những người lãnh đạo chủ chốt các cấp, hãy ghi sâu lời dạy “Dĩ công vi thượng” của Bác, không mang danh lợi cá nhân, đặc quyền đặc lợi, đặt nhân dân và Tổ quốc lên trên hết thảy, tu dưỡng và làm theo lời Bác hằng ngày, nhất định chúng ta sẽ xây dựng được Đảng ta ngày càng vững mạnh, trong sạch, văn minh, tiến bộ, đất nước giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc như lòng Bác hằng mong muốn.
HỒ NGỌC SƠN