Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo thống kê, khu vực đất bãi có 48 lò gạch hoạt động tại thôn Đồng Đông và Đồng Đoài, xã Đại Đồng Thành rộng 48 ha. Sau khi UBND tỉnh cấm các lò hoạt động đun đốt, đến thời điểm tháng 4-2011, còn 23/48 vỏ lò đang tháo dỡ gạch. Nếu tính theo thời gian ký kết, hợp đồng thuê đất của các chủ lò sẽ kết thúc vào tháng 10-2011, tuy nhiên chính quyền địa phương phấn đấu tuyên truyền, động viên các chủ lò để giải quyết dứt điểm việc thanh lý hợp đồng trong tháng 6-2011. Qua nắm bắt tư tưởng, đại đa số người dân đã đồng tình với kế hoạch thực hiện này.
Trở lại chủ trương chuyển đổi đất lò gạch thành đất sản xuất nông nghiệp, đối với Đại Đồng Thành, khu vực này trước đây là bãi bồi (cát già sâu 1 đến 1,5 m), chủ yếu trồng mía và dâu. Quá trình sản xuất nông nghiệp ở đây gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc vào thời tiết, mùa lũ ngập nước, mùa khô thì lại thiếu nước. Do đặc thù là đất cát nên phải có hệ thống tưới phun thì mới có thể trồng màu, Đại Đồng Thành có diện tích đất trồng ngô ngoài bãi nhưng nguồn nước rất khó khăn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, người dân địa phương tiến hành san lấp trồng đỗ, lạc. Vụ đông năm 2010, nhân dân đã đưa được một số diện tích vào gieo trồng nhưng chủ yếu ở những vị trí thuận lợi và nặng tính tận dụng. Qua đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, để chuyển đổi diện tích đất bãi lò gạch sang gieo trồng hoặc nuôi thủy sản sẽ rất khó và tốn kém về nguồn vốn. Ngoài lý do về đặc điểm tự nhiên của đất, trong quá trình khai thác các lò gạch đều đào sâu xuống 4 đến 5m (quy định là 2,5 m) sau đó lại san lấp (đất cát, xỉ than, gạch vỡ…) nên việc cải tạo lại để sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao. Mặc dù, một số thùng vũng hợp với nuôi trồng thủy sản nhưng cũng chỉ để người dân thả cá to, chờ được giá đem bán hoặc sau đó chỉ nuôi ốc.
Trước thực trạng này, địa phương có những định hướng mới, trong đó tiếp tục khuyến khích người dân cải tạo sử dụng những diện tích có điều kiện thuận lợi để phát triển trang trại, nuôi trồng thủy sản; đồng thời kiến nghị với UBND huyện, tỉnh cho phép quy hoạch điểm tập kết cát, sỏi. Dự kiến vị trí quy hoạch rộng khoảng 23,5 ha thuộc xứ đồng Bãi Trại, Bãi Đinh, Bãi Giữa thôn Đồng Đông và Đồng Đoài. Đây là khu vực chính đã bị hạ thấp độ cao để sản xuất gạch thủ công, hiện không còn hoạt động. Đại diện lãnh đạo địa phương nhận định: Phương hướng chuyển đổi này nếu triển khai hợp lý hiệu quả sẽ cao hơn khi tận dụng được vị trí thuận lợi về địa lý, nhất là tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương trong khi nông nhàn. Ngoài ra, còn một yếu tố khá thuận lợi, khi diện tích trên là đất công ích không phải đất ổn định giao lâu dài cho người dân nên vấn đề giải phóng mặt bằng sẽ dễ dàng hơn.
Thực chất việc chuyển đổi đất sản xuất gạch thủ công sang đất nông nghiệp là chủ trương lớn của tỉnh đối với vấn đề bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Vì vậy, trong quá trình chuyển đổi của Đại Đồng Thành nói riêng và các xã khác nói chung, cho dù được các cấp ngành phê duyệt hướng cải tạo, phát triển nào đi chăng nữa, mục đích cuối cùng các địa phương cần hướng tới, đó là việc quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên đất.
Hoàng An