Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bánh tráng Việt Nam trong siêu thị ở Maroc. Ảnh: VGP/Quốc Đạt |
Thị trường xuất khẩu trọng điểm
Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước Bắc Phi trong 11 tháng năm 2012 ước đạt trên 500 triệu USD, tăng gần 50% so cùng kỳ năm 2011, chiếm gần 1/4 kim ngạch xuất khẩu cả nước sang châu Phi.
Thị trường Bắc Phi gồm 6 nước (Ai Cập, Algeria, Morocco, Libya, Tunisia, Sudan) với 211 triệu người tiêu dùng có mức GDP bình quân đầu người cao, trên 3.200 USD. Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam ở khu vực này như Algeria, Ai Cập và Morocco có thu nhập đầu người trên 5.000 USD.
Kinh tế các nước Bắc Phi chủ yếu phụ thuộc vào khai thác khoáng sản như Algeria, Libya, Sudan (dầu mỏ); Morocco (phốt phát và nông nghiệp); Ai Cập và Tunisia (du lịch, điện tử, may mặc). Sản xuất hàng tiêu dùng chưa phát triển và phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Do đó, Bắc Phi được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm. Theo Chương trình hành động của Bộ Công Thương nhằm cụ thể hóa chiến lược tăng cường quan hệ với châu Phi của Chính phủ, 3/10 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam tại châu Phi có 3 nước Bắc Phi (Ai Cập, Algeria, Morocco).
Mặc dù tình hình chính trị tại Ai Cập vẫn căng thẳng nhưng theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới, năm 2012, kinh tế Bắc Phi tăng trưởng 3,6%, trong đó, riêng Libya là 17%. Tuy nhiên, ngành sản xuất của các nước Bắc Phi vẫn đình đốn nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng tăng cao.
Điều này là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Bắc Phi tiếp tục tăng trong năm 2012. Theo số liệu chính thức 10 tháng năm 2012, Ai Cập tiếp tục là thị trường xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam tại châu Phi với kim ngạch đạt 268,39 triệu USD, tăng 28% với các mặt hàng chính gồm thủy sản (69,35 triệu USD), hạt tiêu (34,35 triệu USD), xơ sợi (30 triệu USD)… Ước xuất khẩu cả năm của Việt Nam sang Ai Cập đạt trên 300 triệu.
Năm 2012 chứng kiến sự đột phá xuất khẩu sang thị trường Maroc. Theo số liệu của Hải quan Morocco, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Morocco 10 tháng năm 2012 đạt 129,968 triệu USD, tăng 206% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng cao như cà phê (108%), dệt may (84%), giày dép (54,6%), sản phẩm điện tử (1.245%), sắt thép (609%), cao su (29,4%)… Đặc biệt, xuất khẩu sang Morocco lần đầu tiên xuất hiện những mặt hàng giá trị cao như động cơ với kim ngạch trên 13 triệu USD.
Tuy mất vị trí thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam ở Bắc Phi nhưng kim ngạch sang Algeria vẫn tăng 34% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 106,80 triệu USD với hai mặt hàng chủ yếu là cà phê (51,43 triệu USD), gạo (29,72 triệu USD). Thời gian tới, vật liệu xây dựng được đánh giá là có nhiều cơ hội.
Xuất khẩu sang các thị trường còn lại tuy kim ngạch thấp nhưng có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2011: Tunisia tăng 200%, Libya tăng 400% và Sudan tăng 32%.
Lợi thế chuyển dịch sản xuất
Không chỉ thương mại, các nước Bắc Phi còn là địa bàn có nhiều lợi thế cho Việt Nam chuyển dịch sản xuất, đa dạng hóa tiếp cận thị trường EU và Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, da giày, thủy hải sản, nông sản…
Bên cạnh sự gần gũi về địa lý và văn hóa, các nước Bắc Phi có quan hệ kinh tế chặt chẽ với châu Âu, Trung Đông và Trung Phi thông qua các thỏa thuận thương mại tự do.
Doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào Bắc Phi, gia công sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu tại chỗ và tận dụng ưu đãi thuế quan vào EU và Mỹ để gia tăng thị phần, đồng thời tránh được vụ kiện cạnh tranh bất công do Việt Nam hiện vẫn chưa được EU và Mỹ công nhận có nền kinh tế thị trường.
Thực tế, uy tín và năng lực hàng đầu thế giới của Việt Nam trong những ngành hàng trên được các nước Bắc Phi rất quan tâm và mong muốn hợp tác để thúc đẩy sản xuất hàng hóa, góp phần giải quyết tình trạng bất ổn xã hội có một phần nguyên nhân kinh tế hiện nay.
Đại sứ Việt Nam tại Maroc Cao Xuân Thấn cho biết, nội dung thảo luận chính trong các cuộc tiếp xúc với quan chức Maroc là làm thế nào hiện thực hóa quan hệ với Việt Nam ở tầm vóc mới trong lĩnh vực kinh tế.
Với đặc thù các nền kinh tế Bắc Phi phụ thuộc lớn vào các công ty Pháp nên việc tăng cường hợp tác với đối tác Pháp để mở rộng thị phần tại khu vực này nên được doanh nghiệp Việt Nam chú trọng. Thực tế, tại hệ thống siêu thị Marjane, lớn nhất Maroc, rất nhiều loại thực phẩm chế biến được các công ty Pháp đặt hàng sản xuất tại Việt Nam, rồi xuất khẩu sang Maroc dưới thương hiệu của họ.
Một thuận lợi kinh doanh với các nước Bắc Phi là hiện Việt Nam có 4 đại sứ quán (tại Maroc, Algeria, Ai Cập và Lybia) và 3 thương vụ (Maroc, Ai Cập và Algeria) và 5 nước Bắc Phi (Ai Cập, Libya, Morocco, Sudan, Algeria) đặt sứ quán tại Việt Nam, có thể hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, kết nối đối tác…
Tuy vậy, những khó khăn hiện đang hạn chế cơ hội của Việt Nam ở thị trường Bắc Phi là rào cản ngôn ngữ (các nước Bắc Phi chủ yếu sử dụng tiếng Pháp, Việt Nam sử dụng tiếng Anh), khoảng cách địa lý xa, trong khi giữa hai bên có quá ít hoạt động giao thương.
Quốc Đạt