Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tâm trí bác Tạn luôn hướng về đông đảo nông dân nước ta, tìm mọi cách để giúp nông dân có thể làm giàu trên ngay chính mảnh đất của mình. |
Tôi có mối quan hệ thân tình từ lâu với bác Nguyễn Công Tạn (1935-2014) vì bác hơn chị tôi 1 tuổi và là bạn học với chị tôi, cũng lại là học trò của bố tôi. Tuy nhiên tôi chỉ có dịp gần gũi và học tập được ở bác nhiều hơn khi bác có điều kiện dành thời gian cho sự chỉ đạo nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Sau khi tốt nghiệp Hoa Nam nông học viện (Trung Quốc), bác thấy rất rõ cần đổi mới kỹ thuật nông nghiệp để nâng cao mức sống cho nông dân.
Mặc dầu tham gia nhiều cương vị công tác khác nhau, như Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội... nhưng bác Tạn luôn đau đáu về nỗi nghèo của nông dân. Điều này chỉ có điều kiện phát huy cao năng lực của bác khi được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng (các Khóa VI,VII,VIII), Đại biểu Quốc hội (Khóa X) và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm (1987) rồi là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (1995). Cương vị cuối cùng bác đảm nhiệm trước ngày về hưu là Phó Thủ tướng Chính phủ.
Điều đáng nhớ là suốt 4 năm lưu học tại Hoa Nam nông học viện bác Tạn là một trong hai sinh viên Việt Nam được xếp loại "Ưu đẳng sinh" vì điểm số năm nào cũng thuộc loại cao nhất. Chỉ có 14 người tốt nghiệp cùng bác Tạn về nước và đều trở thành các chuyên gia nổi tiếng về nông nghiệp. Về trồng trọt ngoài bác Tạn còn có các chuyên gia như Đoàn Triệu Nhạn, Phan Đắc Bằng, Thái Nghĩa. Nguyễn Thế Nữu; về Thổ nhưỡng có Trần Khải, Tôn Gia Huyên; về Bảo vệ thực vật có Bùi Văn Ích, Lê Huy Lục; về Lâm nghiệp có Hoàng Hòe, Ngô Văn Ngự; về Rau quả có Nguyễn văn Siêu, Nguyễn văn Cống; về Chăn nuôi có Nguyễn Văn Phúc.
Trong 14 chuyên gia vào loại đầu ngành này nay cũng đã có những người về nơi tiên giới, nhưng những đóng góp của họ thì giới cán bộ nông nghiệp và bà con nông dân luôn ghi nhớ công ơn. Với bác Tạn thì không ai không nhớ đến công sức và ý chí của Bác trong việc thực hiện chiến lược cải tạo đất (từ hồi ở nông trường Tam Thiên Mẫu), về việc đưa cây Lúa Xuân lên địa vị chiến lược nhằm nâng cao sản lượng lương thực (từ Hội nghị tập huấn ở Hòa Bình) và đặc biệt là người có công lớn trong việc giúp chuyển giao kỹ thuật gây tạo Lúa lai ba dòng ở nước ta.
Sau khi về hưu, bác xây dựng cơ sở nuôi vịt trời và ngỗng trời, với ước vọng mở ra một ngành chăn nuôi mới cho dân nghèo. |
Vài lần bác rủ tôi cùng đi khảo sát tại nước ngoài. Bác không có tác phong cưỡi ngựa xem hoa mà trực tiếp ra đồng ruộng, vào trại chăn nuôi, hạn chế các buổi tiếp khách xã giao mà chỉ thích tranh luận, bàn bạc với các chuyên gia nông nghiệp của nước bạn. Tôi nhớ những cuộc thương lượng về gây đẻ cho gấu nuôi nhốt, chuyển giao giống cây lâm nghiệp, giống rau và hoa quả, kỹ thuật lúa lai, kỹ thuật chăn nuôi quy mô lớn, kỹ thuật vệ sinh chuồng trại... Bác luôn như một người nông dân đi tìm tòi cái mới để mong đưa về cho đa số nông dân nước ta.
Sau khi về hưu, bên cạnh mong muốn đào tạo thế hệ trẻ với trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng sáng lập Đại học Thành Tây, bác còn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn (Varisme). Bác xây dựng cơ sở nuôi vịt trời và ngỗng trời, với ước vọng mở ra một ngành chăn nuôi mới cho dân nghèo.
Có thể nói trước khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 1/11 vừa qua tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tâm trí bác Tạn luôn hướng về đông đảo nông dân nước ta, tìm mọi cách để giúp nông dân có thể làm giàu trên ngay chính mảnh đất của mình.
Vĩnh biệt bác Tạn giới khoa học mất một nhà lãnh đạo yêu khoa học và luôn tìm cách khuyến khích, hỗ trợ các nhà khoa học. Nông dân thương tiếc một người bạn lớn đã dành suốt cuộc đời mình gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ông sẽ yên nghỉ chốn vĩnh hằng trong sự thương tiếc sâu sắc của nhân dân cả nước.
Nguyễn Lân Dũng
Chủ nhiệm chương trình tự nguyện đưa tiến bộ Khoa học-Kỹ thuật vào hộ nông dân