Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị Công bố Nghị định của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính
Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới tổ chức bộ máy, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát, cắt giảm đầu mối không cần thiết, giảm tầng nấc trung gian, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Bộ Tài chính là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chủ trương này, trong đó có các ngành trọng yếu như Thuế và Hải quan.
Chủ trương tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm nhân sự hay hợp nhất đơn vị mà còn hướng tới xây dựng một hệ thống quản lý tài chính - thuế - hải quan hiện đại, minh bạch và hiệu quả. Đây là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Với quyết tâm chính trị cao, cùng sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ Tài chính đang từng bước hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ, biến thách thức thành cơ hội, đưa ngành Thuế và Hải quan trở thành những "trụ cột" trong công cuộc cải cách hành chính quốc gia.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xin giới thiệu loạt bài về ngành thuế, hải quan giải bài toán gọn bộ máy, khắc phục khó khăn, triển khai thông suốt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Nhiều Nghị định, văn bản đã được ban hành để hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, Bộ Nội vụ đã xây dựng, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để bảo đảm tiến độ cải cách.
Trong quý I/2025, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng như: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; 1 Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; 4 Nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV...
Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 17 bộ, ngành (gồm: 14 bộ và 3 cơ quan ngang Bộ), giảm 5 bộ, ngành so với trước đây.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý: Bảo đảm nguyên tắc không bỏ các chức năng, nhiệm vụ trong các ngành, lĩnh vực mà chỉ sắp xếp lại để các ngành, cơ quan hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, gắn việc tinh gọn bộ máy với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai việc giảm đầu mối; nâng cao trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân sẽ giúp hệ thống tài chính vận hành thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Việc tái cấu trúc ngành tài chính không chỉ nhằm mục tiêu tinh gọn mà còn hướng đến hiệu lực, hiệu quả và nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị.
Theo Nghị định 29 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/3/2025, Bộ Tài chính đã tiến hành cắt giảm mạnh mẽ số lượng đầu mối quản lý. Từ 1/3/2025, Bộ Tài chính có 35 đầu mối chính, trong đó có 7 đầu mối giảm từ mô hình Tổng cục xuống cấp Cục. Số đầu mối đã giảm 3.600 đầu mối cấp phòng, ban, tương đương 37,7%.
Dự kiến, Bộ Tài chính năm 2025 giảm 9.640 người, đây là con số rất lớn.
Những con số này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.
"Đây không chỉ là một bước đi quan trọng trong cải cách hành chính mà còn là cơ hội để tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực một cách tối ưu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá cao tinh thần đoàn kết, thống nhất của các cán bộ lãnh đạo, Đảng viên đã gương mẫu, các công chức, viên chức, triển khai theo đúng tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" hy sinh lợi ích cá nhân tham gia vào quá trình tinh gọn bộ máy.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trao quyết định bổ nhiệm và chúc mừng lãnh đạo các Vụ, Cục, các đơn vị của Bộ Tài chính
Người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định: Việc giảm số lượng đơn vị trực thuộc và tinh gọn bộ máy không đồng nghĩa với việc giảm chất lượng hoạt động. Ngược lại, mục tiêu chính là đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, tránh tình trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các đơn vị. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh rằng, trong thời gian qua, hai Bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính) đã phối hợp chặt chẽ để triển khai các công việc quan trọng, đảm bảo không có sự xáo trộn trong quá trình chuyển giao.
"Chúng ta giờ chỉ có một cửa một khóa, mọi công việc phải chỉn chu, đừng để các đơn vị, địa phương khi làm việc với chúng ta một việc phải đi 2, 3 nơi. Cùng với việc đưa bộ máy vào vận hành, tới đây vẫn phải tiếp tục rà soát chức năng nhiệm vụ bên trong từng đơn vị, từ đó tiếp tục điều chỉnh cơ chế nếu cần", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm.
Nhấn mạnh nguyên tắc bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ để một đơn vị có thể làm được một số việc nhưng tránh tình trạng một việc nhưng nhiều đơn vị cùng phụ trách, gây chồng chéo trách nhiệm. Theo đó, nguyên tắc mới được quán triệt là "một việc – một cơ quan chịu trách nhiệm chính", giúp công tác chỉ đạo, điều hành được minh bạch và hiệu quả hơn.
Bên cạnh việc tái cấu trúc bộ máy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính là nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách, trong đó có việc tối ưu hóa thu – chi, chống thất thu thuế và đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, tăng cường hiệu quả quản lý thu ngân sách, chống thất thu và gian lận thuế.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh phải thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng là nhiệm vụ cấp bách. Cần tiếp tục xây dựng thể chế để khuyến khích công tác nghiên cứu, sáng tạo, cùng với việc quy định bố trí ngân sách, các chính sách thuế nhằm hỗ trợ tối đa cho các trung tâm nghiên cứu của doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu, đảm bảo nguồn kinh phí hàng năm.
"Trong bối cảnh công việc rất nhiều, chuyển đổi số cần được đẩy mạnh thông qua xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho cơ quan nhà nước hiệu quả, đổi mới mạnh mẽ hệ thống thuế, hải quan... cũng như hoàn thành việc xây dựng kho dữ liệu liên kết quốc gia để giảm bớt khối lượng công việc hàng ngày của các cơ quan", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Mai Ngọc Bích, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính), lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo quyết liệt việc rà soát lại toàn bộ chức năng nhiệm vụ để làm sao tránh chồng chéo, hướng tới tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ. Về công tác tinh giản biên chế, Bộ Tài chính cũng là bộ đầu tiên có hướng dẫn trong các bộ ngành, trong quá trình này, cũng hết sức khó khăn, có nhiều tâm tư.
Phải đưa ra tiêu chí thế nào, để đảm bảo đúng người để công việc liên thông, thông suốt, hiệu quả tốt hơn. Đi đôi với sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế, có báo cáo để giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt như hải quan, thuế...
"Việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế nhằm hướng tới bộ máy mới, con người mới, thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính. Việc tinh giản đi kèm với việc áp dụng khoa học công nghệ, đảm bảo hiệu quả hoạt động và không để gián đoạn công việc", ông Mai Ngọc Bích nói.
Thực tế, đối với ngành Thuế, Hải quan việc tinh gọn bộ máy gắn liền với chuyển đổi số, tự động hóa quy trình, giảm thủ tục hành chính.
Ngành hải quan cũng theo mô hình 3 cấp, thay vì 16 Vụ, Cục như trước, cơ quan Cục Hải quan sẽ có 12 đơn vị trực thuộc, gồm: Văn phòng; Ban Pháp chế; Ban Tổ chức cán bộ; Ban Thanh tra - Kiểm tra; Ban Tài vụ - Quản trị; Ban Giám sát quản lý về hải quan; Ban Nghiệp vụ thuế hải quan; Ban Quản lý rủi ro; Ban Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan; Chi cục Kiểm định hải quan; Chi cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục Kiểm tra sau thông quan.
Ngành hải quan giảm từ 35 Cục Hải quan xuống chỉ còn lại 20 Chi cục Hải quan khu vực. Đây là đợt tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử ngành hải quan, nhằm tinh gọn bộ máy, cắt giảm hơn 53% đầu mối, giúp tăng cường hiệu quả quản lý.
Ngành thuế được tổ chức theo mô hình ba cấp với 12 đơn vị tại Trung ương giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thuế, gồm: Văn phòng; Ban chính sách, thuế quốc tế; Ban Pháp chế; Ban Nghiệp vụ thuế; Ban Dự toán, kế toán, thống kê thuế; Ban Quản lý tuân thủ và hỗ trợ NNT; Ban Công nghệ, chuyển đổi số và tự động hoá; Ban Thanh tra, kiểm tra; Ban Tổ chức cán bộ; Ban Tài vụ, quản trị; Chi cục Thuế doanh nghiệp lớn (DNL); Chi cục Thuế thương mại điện tử (TMĐT).
Các Chi cục Thuế tại địa phương được tổ chức theo 20 khu vực. Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành khẳng định: Đây không chỉ là sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, mà còn là bước chuyển mình mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo bộ máy vận hành thông suốt, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Anh Minh