• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bài 2: Đào tạo nghề nghề: Hướng tới mục tiêu dẫn đầu ASEAN

(Chinhphu.vn) - Thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được nêu rõ tại Quyết định số 2239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên cả nước đang nỗ lực “thay da, đổi thịt” đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới.

21/11/2024 14:42

Để thấy rõ sự chuyển mình của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên cả nước, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ba cơ sở đào tạo nghề tiêu biểu ở ba miền Bắc-Trung- Nam. Đại diện các cơ sở đã chia sẻ về những nỗ lực đổi mới trong chương trình đào tạo, phương thức giảng dạy và cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Bài 2: Đào tạo nghề nghề: Hướng tới mục tiêu dẫn đầu ASEAN- Ảnh 1.

Trường Cao đẳng Kiên Giang luôn kiên định với mục tiêu đào tạo nghề để người học trở thành những công dân toàn cầu "Made in Vietnam" - Ảnh: VGP/Văn Hiền

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đất chín Rồng

Trong bối cảnh nền kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long đang chuyển mình mạnh mẽ, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi tay nghề và vững kiến thức trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Kiên định với mục tiêu đào tạo nghề để người học trở thành những công dân toàn cầu "Made in Vietnam", Trường Cao đẳng Kiên Giang đã có nhiều đóng góp to lớn vào quá trình xây dựng "ngân hàng nhân lực" chất lượng cao của vùng.

Thầy Nguyễn Minh Quân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiên Giang cho biết, nhà trường tập trung vào đào tạo thực hành để nâng cao tay nghề cho học viên, hợp tác với hơn 150 doanh nghiệp lớn giúp sinh viên tiếp cận thực tế, tự tin và có tay nghề ngay khi ra trường. Mô hình này tạo ra lực lượng lao động linh hoạt, có kỹ năng thực tiễn vững chắc, hướng đến xây dựng "ngân hàng nhân lực" chất lượng cho khu vực.

Trường cũng mở rộng mạng lưới doanh nghiệp, tạo cầu nối hiệu quả giữa sinh viên và nhà tuyển dụng. Ngày hội việc làm hằng năm thu hút hàng chục doanh nghiệp, cung cấp hàng trăm cơ hội việc làm cho học viên. Nhờ đó mà hơn 90% sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành sau tốt nghiệp; hằng năm, trường cung cấp gần 1.000 kỹ sư, cử nhân cho thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.

Nhằm mở rộng cơ hội nghề nghiệp tại nước ngoài cho sinh viên, trường duy trì các chương trình hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Đức… giúp sinh viên phát triển kỹ năng và tầm nhìn toàn cầu. Các cuộc thi tay nghề như "Thiết kế hệ thống điều hòa trung tâm VRF-FSV Panasonic" và Chương trình Học bổng Tiếng Anh Access cũng là những sáng kiến đáng chú ý, khuyến khích sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.

Nhà trường còn tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào giảng dạy các ngành như Công nghệ Thông tin, Ô tô, Điện – Điện tử và Nông nghiệp công nghệ cao, giúp sinh viên theo kịp xu hướng thị trường. Chương trình đào tạo chú trọng phát triển kỹ năng mềm như làm việc nhóm và giao tiếp, chuẩn bị cho sinh viên thành công trong môi trường công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, nhà trường đã triển khai các chương trình đào tạo mới như: ngành Lắp đặt và bảo trì năng lượng tái tạo và đang nghiên cứu mở ngành đào tạo bán dẫn, phù hợp với xu hướng công nghệ quốc gia.

Bài 2: Đào tạo nghề nghề: Hướng tới mục tiêu dẫn đầu ASEAN- Ảnh 2.

Khuyến khích sinh viên phát triển kỹ năng khởi nghiệp; tổ chức các cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học sinh, sinh viên; tổ chức hoạt động đánh giá kỹ năng nghề - Ảnh: VGP/Văn Hiền

Đào tạo kỹ năng nghề cho học sinh dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, giáo dục nghề nghiệp tại Tây Nguyên đã có những nỗ lực mạnh mẽ để đổi mới và đáp ứng yêu cầu phát triển. Các trường nghề không chỉ đào tạo kỹ năng mà còn là nơi phát hiện và bồi dưỡng những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương.

TS. Hoàng Minh Cương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đắk Lắk chia sẻ: "Trường Cao đẳng Đắk Lắk đặt mục tiêu trở thành trường trọng điểm đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Nhà trường luôn đặt người học làm trung tâm, coi mỗi học sinh dân tộc thiểu số là mảnh ghép quan trọng của cộng đồng. Với mục tiêu đó, trường không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, đảm bảo những điều kiện thuận lợi để các em phát triển toàn diện về cả năng lực và phẩm chất, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của địa phương".

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, nhà trường chú trọng đào tạo thực hành và hợp tác chặt chẽ với hơn 60 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhà trường cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và học tập. Các nền tảng học trực tuyến và hệ thống quản lý học tập (LMS) được tích hợp vào môi trường học, đồng thời các chương trình đào tạo kỹ năng số và tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cũng được triển khai rộng rãi, khuyến khích sinh viên phát triển toàn diện.

Hợp tác quốc tế là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của nhà trường. Trường Cao đẳng Đắk Lắk đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế như Cơ quan hợp tác Quốc tế tỉnh Jeollabuk (JBICA), Đại học Chonbuk (Hàn Quốc) và JICA (Nhật Bản), mang đến cho giảng viên và sinh viên cơ hội học hỏi các công nghệ tiên tiến.

"Trong tương lai, chúng tôi tiếp tục tập trung phát triển đội ngũ giảng viên theo chuẩn mới, chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, phát triển kỹ năng số và kỹ năng mềm. Đồng thời khuyến khích nghiên cứu khoa học và sáng tạo", thầy Cương cho biết.

Đại diện nhà trường cũng kiến nghị các cấp lãnh đạo Trung ương và địa phương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối khu công nghiệp quy mô lớn để kết nối sinh viên với doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Trường còn đề xuất mở rộng đối tượng miễn giảm học phí cho học sinh giỏi, giúp thu hút nhân tài và đóng góp vào sự phát triển của khu vực Tây Nguyên.

Bài 2: Đào tạo nghề nghề: Hướng tới mục tiêu dẫn đầu ASEAN- Ảnh 3.

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội lấy người học làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực – Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Ảnh: VGP/Văn Hiền

 Lấy người học làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực – Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa

Ông Trần Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, nhấn mạnh rằng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhà trường không chỉ đào tạo nghề mà còn đóng vai trò định hình tương lai cho học viên. Mục tiêu của nhà trường là xây dựng một môi trường đào tạo mở và linh hoạt, luôn "lấy người học làm trung tâm, chủ thể - thầy cô giáo là động lực – nhà trường làm bệ đỡ - gia đình là điểm tựa".

Chính vì vậy, mỗi chương trình đào tạo không chỉ đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp mà còn chú trọng phát triển toàn diện, giúp học viên trang bị đầy đủ cả kiến thức lẫn kỹ năng, khả năng tư duy sáng tạo và phẩm chất đạo đức. Đây là nền tảng để học viên có thể vững vàng tiến bước trong kỷ nguyên mới của công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo thầy Bình, một trong những đặc trưng quan trọng của giáo dục nghề nghiệp là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Với mục tiêu đào tạo những kỹ năng thực tế, chương trình học tại trường có tới 80% thời gian dành cho thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã chủ động bắt nhịp với xu thế công nghệ mới thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nhà trường không ngừng rà soát và điều chỉnh các chương trình học, mở rộng thêm các ngành nghề đào tạo mới và cải tiến các chương trình hiện tại, nhằm đảm bảo sinh viên luôn nắm bắt được những kỹ năng và công nghệ mới.

Bên cạnh đó, nhà trường còn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên thông qua các cuộc thi nghiên cứu khoa học, sáng chế, khởi nghiệp và các dự án thực tế hợp tác với doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp sinh viên phát triển tư duy sáng tạo mà còn trang bị cho họ những kỹ năng giải quyết vấn đề và đổi mới cần thiết trong thời đại công nghệ số.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) khẳng định rằng mối liên kết ba bên: nhà trường, nhà nước và doanh nghiệp chính là chìa khóa thành công. Sự hợp tác này không chỉ được ghi nhận trong Luật Giáo dục Nghề nghiệp mà còn thể hiện chiến lược phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho sinh viên, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Chỉ tính riêng năm học 2023-2024, tỉ lệ sinh viên giáo dục nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 90%, có nhiều ngành nghề đạt 100%, thu nhập hằng tháng dao động từ 10-15 triệu đồng. Cả nước có tới 2.464 cơ sở dạy nghề, trong đó có 1.520 cơ sở giáo dục nghề nghiệp: có 416 trường cao đẳng, 376 trường trung cấp, 728 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 944 cơ sở khác có đăng ký.

"Đào tạo nghề hiện nay không chỉ dạy nghề mà còn đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, trở thành một chiến lược toàn diện, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ là yếu tố then chốt giúp giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời mở ra cơ hội cho sinh viên không chỉ làm việc trong nước mà còn ở thị trường lao động toàn cầu", ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng, với sự đồng lòng từ Chính phủ, các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đồng thời đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong giáo dục nghề nghiệp khu vực.

Văn Hiền