Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sinh viên Nguyễn Hồ Văn Giáp đã tham gia nhiều dự án nghiên cứu và khởi nghiệp tại trường, đưa kiến thức Sinh học ra khỏi phòng thí nghiệm, đến gần hơn với cuộc sống - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm
Nguyễn Hồ Văn Giáp, sinh viên ngành Sư phạm Sinh học dạy bằng tiếng Anh – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chọn nghề giáo như một cách để lan tỏa tình yêu với khoa học. "Em từng gắn bó với môn Sinh từ cấp hai. Đến đại học, em thấy Sinh không chỉ là kiến thức trong sách, mà còn là nguồn sáng tạo – từ ý tưởng khởi nghiệp, nghiên cứu đến những bài giảng ứng dụng thực tế. Các môn học đều cập nhật tin tức của thế giới, ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực. Em cũng đã được thực hành và học những phương pháp dạy học tích cực cho học sinh, đảm bảo phát triển về cả năng lực và phẩm chất", Giáp chia sẻ.
Giáp đã tham gia nhiều dự án nghiên cứu và khởi nghiệp tại trường, đưa kiến thức Sinh học ra khỏi phòng thí nghiệm, đến gần hơn với cuộc sống. Với em, học để đi dạy không chỉ là tiếp thu kiến thức, mà còn là học để đổi mới cách dạy, truyền cảm hứng học tập.
Sinh viên Nguyễn Thị Huyền Trang cho rằng dạy học bây giờ không chỉ cần 'có tâm', mà còn phải 'có tầm' về công nghệ và phương pháp - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm
Nguyễn Thị Huyền Trang, sinh viên năm ba cùng khoa, tiếp cận nghề giáo từ ước mơ tuổi nhỏ, nhưng càng học càng thấm thía những yêu cầu khắt khe của nghề. "Em sẽ cố gắng làm sao để những tiết học tạo ra được sự hứng thú cho các bạn học sinh thông qua các bài giảng, hay có các hoạt động, những phần thí nghiệm giúp cho tiết học có thể thú vị hơn. Chúng em phải học cách thiết kế slide hấp dẫn, sử dụng hình ảnh trực quan, video, thí nghiệm, và dạy phân hóa theo năng lực học sinh. Dạy học bây giờ không chỉ cần 'có tâm', mà còn phải 'có tầm' về công nghệ và phương pháp."
Khác với những môn khoa học tự nhiên, Lịch sử lâu nay thường bị gắn với định kiến "khô khan". Nhưng với những sinh viên như Nguyễn Phan Minh Hiển và Lưu Thị Anh Thư (Khoa Lịch sử – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), Lịch sử lại là môn học khơi dậy niềm tin, gắn kết con người với cội nguồn dân tộc.
Sinh viên Nguyễn Phan Minh Hiển và Lưu Thị Anh Thư cùng nhau chia sẻ bộ thẻ di sản văn hóa tích hợp công nghệ thực tế ảo (AR/VR) - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm
Minh Hiển cùng nhóm bạn đã phát triển bộ thẻ di sản văn hóa tích hợp công nghệ thực tế ảo (AR/VR), cho phép học sinh tương tác trực tiếp với các di tích, hiện vật. "Chúng em mong muốn đây cũng là một công cụ, một giải pháp nhằm bảo tồn những giá trị di sản văn hóa của người Việt Nam và quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Qua đó, chúng ta thấy sự kết nối không chỉ giữa giá trị lịch sử mà còn là kết nối giữa các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia trong thời đại phát triển ngày nay. Lịch sử không nên chỉ học để thi. Chúng em muốn học sinh thấy sử là điều sống động, có thể chạm vào và cảm nhận. Chúng ta phải giúp thế hệ trẻ thấy mình là một phần của lịch sử, không đứng ngoài nó." Với Hiển, "giáo viên lịch sử hôm nay không chỉ kể chuyện quá khứ, mà còn giúp học trò chạm được vào cội nguồn qua công nghệ".
Giáo viên lịch sử hôm nay không chỉ kể chuyện quá khứ, mà còn giúp học trò chạm được vào cội nguồn qua công nghệ - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm
Lưu Thị Anh Thư lại muốn làm mới phương pháp giảng dạy bằng cách kể chuyện lịch sử, đưa học sinh vào vai nhân vật để lịch sử trở nên gần gũi, dễ tiếp nhận hơn. "Tại khoa của em, các thầy cô cũng đã thiết kế một chương trình mới, trong đó đã thay đổi một số phương pháp với mục tiêu chủ yếu là giảm tải kiến thức, thay vào đó tăng cường những phương pháp, bài học thực tiễn và đặc biệt là không đặt nặng kiến thức sách vở cho học sinh. Em cảm thấy rất vui vì trong thời gian hiện nay, niềm yêu thích Lịch sử của học sinh, các bạn trẻ cũng đã được cải thiện". Anh Thư bộc bạch: "Ban đầu em chọn nghề giáo chỉ vì một lời động viên – cô giáo chủ nhiệm cấp 3 từng nói em có tố chất làm giáo viên. Chính câu nói đó đã dẫn em đến một con đường dài hơn: trở thành người thầy truyền cảm hứng."
Những đổi mới này không chỉ đến từ sinh viên, mà còn được nhà trường chủ động thúc đẩy. Tại các trường sư phạm lớn, sinh viên được thực hành tại trường phổ thông từ năm thứ hai. Học phần đạo đức nghề nghiệp không phải là một môn học đơn lẻ, mà được triển khai xuyên suốt 4 năm đại học, lồng ghép qua các hoạt động cộng đồng, hội thảo, rèn luyện chuyên môn. Khóa luận tốt nghiệp của sinh viên cũng được cấu trúc lại: Gồm phần thiết kế bài giảng và phần nghiên cứu khoa học – phản ánh yêu cầu người giáo viên hiện đại không chỉ dạy giỏi, mà còn phải biết đổi mới, sáng tạo.
Chọn nghề giáo hôm nay là chọn con đường không dễ đi. Nhưng cũng chính vì thế, nó xứng đáng với những người dám chọn, dám sống vì người khác và dám đặt tâm huyết vào thế hệ tương lai - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm
Chọn nghề giáo hôm nay là chọn con đường không dễ đi. Nhưng cũng chính vì thế, nó xứng đáng với những người dám chọn, dám sống vì người khác và dám đặt tâm huyết vào thế hệ tương lai.
Nếu bạn là một học sinh đang đứng trước ngã ba chọn nghề, hãy thử nhìn nghề giáo không qua định kiến cũ, mà qua ánh mắt của những người trẻ đang làm mới nó từng ngày. Bạn sẽ thấy: Có những con đường không đưa bạn đến giàu sang tức thì, nhưng lại đưa bạn đến những giá trị lâu dài – giá trị của việc gieo chữ, gieo tri thức, gieo tương lai.
Bài 3: Đào tạo người thầy thời đại mới: Cần hơn một tấm bằng sư phạm
Tuệ Lâm