Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Từ một làng chài nghèo tiếp giáp với Hồng Kông, sau 30 năm, Thâm Quyến đã có những bước phát triển phi thường. |
Trong đó, đặc khu kinh tế Thâm Quyến nổi lên trở thành đầu tàu phát triển, với tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá hàng đầu thế giới, được xem là cánh cửa ra với thế giới của Trung Quốc.
Từ một làng chài nghèo, sau 30 năm, Thâm Quyến đã có những bước phát triển phi thường, GDP đạt 820,123 tỉ NDT, tăng gấp 980 lần so với năm 1979, bình quân mỗi năm tăng trưởng 27%.
Theo số liệu thống kê chính thức, GDP của Thâm Quyến năm 2014 đạt 1600,198 tỉ NDT (khoảng 256 tỉ USD). Tăng trưởng kinh tế của Thâm Quyến chỉ xếp sau 3 thành phố lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và đứng đầu Trung Quốc về hiệu quả, chất lượng phát triển kinh tế và kinh tế tri thức.
Kim ngạch xuất khẩu của Thâm Quyến đứng đầu Trung Quốc trong 20 năm liên tục (1978 -2012), năm 2012 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thâm Quyến đạt 466,79 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 271,37 tỉ USD.
Yếu tố làm nên thành công
Vị trí địa lý: So với các đặc khu kinh tế khác của Trung Quốc, Thâm Quyến có vị trí địa lý thuận lợi nhất, tiếp giáp với Hồng Kông, xung quanh thành phố này là hệ thống rất nhiều cảng (cảng biển, cảng hàng không…). Với 17 cảng, Thâm Quyến là thành phố nhiều cảng nhất Trung Quốc.
Ưu thế về vị trí địa lý khiến Thâm Quyến trở thành đầu mối giao thông quan trọng của khu vực duyên hải phía nam Trung Quốc và là cầu nối liên kết giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cũng như với thế giới.
Xuất phát sớm: Được chính quyền Trung ương lựa chọn là đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc, Thâm Quyến có xuất phát điểm sớm hơn so với các đặc khu khác.
Sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ Trung ương: Ngay từ khi mới thành lập, Thâm Quyến đã được xem là trọng điểm phát triển, chính quyền Trung ương dành cho đặc khu này một loạt chính sách ưu đãi về thuế, thu hút đầu tư và môi trường kinh doanh (giảm thuế thu nhập của doanh nghiệp nước ngoài từ 30% xuống 15%, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp công nghệ cao được giảm 50% phí sử dụng đất công nghiệp...) Quan trọng hơn cả là chính quyền Trung ương Trung Quốc ủy quyền cho Thâm Quyến quyền lập pháp trong lĩnh vực kinh tế và được mạnh dạn thử nghiệm những mô hinh cải cách mới.
So với tất cả các đặc khu kinh tế khác, Thâm Quyến nhận được sự quan tâm và đầu tư lớn nhất từ phía Trung ương.
Chuyển đổi mô hình: Sau khi các chính sách ưu đãi của Trung ương giành cho đặc khu hết hiệu lực (khoảng 10-15 năm), Thâm Quyến đã thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển. Nếu trong thập kỉ 80, sự phát triển của Thâm Quyến chủ yếu dựa vào các ngành sản xuất công nghiệp truyền thống thì đến giai đoạn sau 1990, sự phát triển kinh tế của đặc khu này chủ yếu dựa vào ngành công nghệ kĩ thuật cao, có giá trị gia tăng cao. Đây chính là yếu tố đảm bảo cho Thâm Quyến duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao trong thời gian dài, điều mà các đặc khu kinh tế khác của Trung Quốc không thực hiện được do phụ thuộc quá nhiều vào những chính sách ưu đãi của Trung ương và thiếu nhạy bén trong việc chuyển đổi.
![]() |
Dám thử, dám làm
Mạnh dạn đổi mới và dám làm là kinh nghiệm cơ bản trong con đường phát triển của đặc khu Thâm Quyến.
Được coi là “khu thí nghiệm” của công cuộc cải cách mở cửa Trung Quốc, Thâm Quyến kiên trì “giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị”. Với tinh thần “dám thử, dám làm, dám mạo hiểm”, Thâm Quyến là địa phương đầu tiên thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tiên phong thực hiện thị trường hóa sử dụng đất. Đây cũng là nơi phát hành tấm cổ phiếu đầu tiên tại Trung Quốc, đi đầu trong việc phát triển doanh nghiệp cổ phần và thị trường vốn…
Phát triển công nghệ cao: Từ đầu những năm 90, chính quyền Thâm Quyến đã xác định chiến lược phát triển công nghệ cao, kết hợp giữa việc sáng tạo khoa học kĩ thuật với sản xuất, đẩy mạnh việc nâng cấp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Thâm Quyến rất quyết liệt trong việc phát triển ngành công nghệ cao, các cơ sở công nghiệp truyền thống được chuyển ra ngoài đặc khu, xây dựng thành phố hiện đại về công nghệ kĩ thuật và dịch vụ; đưa ra hàng loạt các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế… nhằm thu hút các nhà đầu tư vào các ngành công nghệ hiện đại, như điện tử, tin học, kĩ thuật số, công nghệ sinh học…
Trao quyền lập pháp: Từ năm 1992, được Trung ương trao quyền lập pháp cho đặc khu Thâm Quyến, đây chính là điểm mấu chốt cho sự phát triển của Thâm Quyến. Việc trao cho Thâm Quyến quyền chủ động về phát triển kinh tế và cũng như tiến hành đổi mới tạo điều kiện cho khu vực này có thể chủ động đưa ra những cơ chế chính sách cần thiết cho sự phát triển kinh tế, phù hợp với hiến pháp và khuôn khổ pháp quy chung.
Từ khi được trao quyền lập pháp tới nay, đặc khu Thâm Quyến đã ban hành hơn 300 văn bản pháp quy, trong đó có tới 70% là các văn bản liên quan đến kinh tế và mở cửa thị trường, 1/3 trong số đó được thí điểm thực hiện trước khi các quy định pháp luật liên quan của Trung ương được ban hành.
Đây là ưu thế lớn nhất của Thâm Quyến so với các đặc khu kinh tế còn lại. Có thể nói sự phát triển của Thâm Quyến không thể tách rời việc được trao quyền lập pháp.
Xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại: Thâm Quyến mạnh dạn đưa những yếu tố cạnh tranh vào quá trình phát triển cở sở hạ tầng, thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu trong việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng; tiến hành cải cách toàn diện trên các lĩnh vực quy hoạch, lao động, đất đai, tài chính, thuế…
Đổi mới về chức năng nhiệm vụ của chính quyền: Thúc đẩy đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển phần lớn các đơn vị sự nghiệp công thành thực thể kinh tế, thực hiện mô hình doanh nghiệp làm chủ, chính quyền dẫn dắt…
Tuấn Dũng
>> Bài 3: "Thỏi nam châm" Incheon