Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một cuộc chiến: Không vùng cấm nào tồn tại!
Để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, ngoài việc tiếp tục triển khai các kế hoạch, chương trình đã được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất, thông qua tại Đại hội XIII, thời gian tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp.
GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để công tác phòng, chống tham nhũng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả thì vai trò của lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, nhất là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước rất quan trọng. Đó phải thực sự là những cán bộ gương mẫu, trong sạch, luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm. Tuyệt đối không để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ của cá nhân mình để trục lợi, tư túi.
Đồng thời, khi phát hiện những dấu hiệu sai phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cần phải nghiêm túc kiểm điểm, điều tra làm rõ sai phạm, sai đến đâu xử lý đến đó. Phải xem xét, đánh giá cụ thể, khách quan, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể cấp ủy do buông lỏng quản lý, do vi phạm nguyên tắc của Đảng mà dẫn tới sai phạm, khuyết điểm.
Với những sai phạm, khuyết điểm cần làm rõ, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật phải thực hiện kịp thời, không bao che, nể nang, để làm trong sạch đội ngũ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, phải cùng với tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động đề ra giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Trên cơ sở đó, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Cần phải nghiêm túc kiểm điểm, phê bình tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ "làm chậm sự phát triển", làm "hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm", "nhụt chí", "làm cầm chừng", "phòng thủ" trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây chính là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, theo GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự phát huy hiệu quả, phải có những biện pháp, cách làm chủ động, sáng tạo và phải thể hiện cao nhất trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, tiến hành kiên trì, triệt để, không nể nang, né tránh và công khai, minh bạch, công tâm, khách quan.
Cũng theo ông Lê Hữu Nghĩa, phải rà soát, hoàn thiện và sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát quyền lực, nhất là các quy định về tăng cường kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Trong đó, cần chú trọng rà soát những văn bản pháp luật đã không còn phù hợp với thực tiễn, hoặc có những điều khoản sơ hở, chưa chặt chẽ, dễ bị lợi dụng để bổ sung, hoàn thiện sớm, thông báo công khai thời gian sửa đổi để mọi người biết, cảnh giác khi áp dụng và những cái nào cần phải sửa thì sửa chữa ngay. Tiếp tục rà soát hoàn thiện, thực hiện nghiêm quy định về công chức, công vụ, bảo đảm chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời chú trọng kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ.
Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (Bí thư Quận uỷ Quận 1, TPHCM) cho rằng, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tốt hơn thì công tác tư tưởng, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cũng cần được đặc biệt chú trọng, bởi quan trọng vẫn là phòng ngừa, chứ không phải đợi đến khi đã xảy ra hậu quả mới xử lý.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải từ cơ chế, chủ trương, những quy định pháp luật để cho cán bộ không thể, không có điều kiện và thấy là không cần thiết để tham nhũng.
Theo đó, bên cạnh việc tạo điều kiện để người cán bộ đủ năng lực, có kiến thức phục vụ công việc thì phải giúp họ an tâm công tác. Thu nhập của cán bộ phải đủ sống, đủ trang trải cho bản thân và chăm lo được cho gia đình. Với tinh thần đó họ sẽ có trách nhiệm với công việc và có nhiều niềm vui trong công việc mình làm.
Lương thấp, đời sống không đảm bảo là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng, tiêu cực để có được cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, khi thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức ổn định, đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống thì cũng sẽ hạn chế được tham nhũng. Như thế sẽ giúp họ không có điều kiện suy nghĩ xấu, làm sao để "rót" vào túi riêng của mình.
Khi cán bộ, công chức đã được đảm bảo cuộc sống họ sẽ yên tâm cống hiến hết năng lực, sở trường. Ngược lại, khi cuộc sống của đội ngũ cán bộ, công chức không được bảo đảm thì điều đáng buồn là họ sẽ có nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực.
Tuy nhiên, TS. Trần Thị Hà Vân, Trưởng Khoa xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TPHCM lại cho rằng không phải cứ nâng lương cao lên thì sẽ hết tham nhũng. Thực tế cho thấy, có những người có chức, có quyền, có địa vị, có người rất giàu nhưng vẫn tham nhũng. Đối với những kẻ thực dụng, tư túi, tham lam thì không bao giờ biết đủ, lòng tham không đáy thôi thúc họ muốn có thật nhiều tiền, không bao giờ biết đủ. Như vậy, không thể đổ cho việc tham nhũng là do lương thấp, mà mấu chốt vấn đề là đạo đức.
Chính vì vậy, điều quan trọng để "không muốn tham nhũng" chính là đạo đức cách mạng. Cán bộ phải có cái tâm trong sáng, vì nước, vì dân; không có tư tưởng vụ lợi, cá nhân; thường xuyên rèn luyện mình để "đề kháng" được với cám dỗ vật chất.
Đặc biệt, đối với người làm công tác chống tham nhũng phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch, tay "nhúng chàm" thì không thể kiểm tra, giám sát và phát hiện được ai cả.
Để "không muốn tham nhũng", bên cạnh việc cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập thì cần phải chú trọng giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng cho cán bộ đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện, trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ với hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương 1 (Ban Nội chính Trung ương) nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh giáo dục liêm chính, hình thành "văn hóa nêu gương", "nói đi đôi với làm"; văn hóa "trọng liêm sỉ, danh dự" trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và văn hóa "căm ghét tham nhũng" trong đại bộ phận quần chúng nhân dân.
Cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên sử dụng sinh hoạt đảng thường kì hàng tháng hoặc tổ chức sinh hoạt chuyên đề để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Thường xuyên mở các hội nghị, hội thảo khoa học, lớp tập huấn và phát động các cuộc thi tìm hiểu về công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, tạo ra một khí thế mới, một "khao khát mới", sục sôi và quyết liệt hơn trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý về kinh tế-xã hội, bịt kín các "kẽ hở" để "không thể tham nhũng", ngăn ngừa việc chuyển dịch tài sản bất hợp pháp có được từ tham nhũng, tiêu cực.
Trong thời gian tới, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, về trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong quản lý, quy hoạch, sử dụng ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để kiểm soát có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn.
Hoàn thiện cơ chế kiểm soát, giám sát nội bộ trong hoạt động nghiệp vụ, lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước về tài chính, tài sản công để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ.
Hiện nay, các quy định về việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức đã dần được hoàn thiện, nhưng chưa đủ sức để "truy quét" được tài sản tham nhũng, tiêu cực. Pháp luật về thuế, về bất động sản chưa đánh thuế đối với các bất động sản thứ hai của chủ sở hữu nên tạo ra kẽ hở để cán bộ, công chức hợp pháp hóa tài sản tham nhũng, tiêu cực bằng việc để người thân đứng tên trên bất động sản, chuyển hóa tài sản tham nhũng thành tài sản hợp pháp.
Do vậy, ông Nguyễn Xuân Trường cho rằng, cần phải ban hành Luật Thuế về tài sản để điều tiết đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ về nhà, đất, hạn chế tình trạng "rửa tiền", hợp pháp hóa tài sản của đối tượng tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, ban hành quy định tất cả các giao dịch mua bán tài sản có giá trị của người thân cán bộ, công chức không được thực hiện bằng tiền mặt, nhằm phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra các đối tượng bị tình nghi tham nhũng, tiêu cực khi truy vết, theo dõi dòng tiền, phát hiện các giao dịch nghi ngờ tài sản đã mua, bán là do hành vi tham nhũng, tiêu cực tạo ra.
Như vậy, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi phải có sự kết hợp thống nhất, thực hiện đồng bộ giữa những biện pháp mang tính cấp bách với những giải pháp mang tính chiến lược, giữa những biện pháp mang tính trừng trị với những biện pháp mang tính ngăn ngừa, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và quét sạch tệ nạn tham nhũng, tiêu cực - một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang quyết tâm xây dựng.
Hải Liên