Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự thảo quy định rõ về điều khoản chuyển tiếp. Đối với xử lý số dư tích lũy phí duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng, Bộ Tài chính cho biết: Phí duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng (gọi tắt là phí duy tu) là khoản tiền do các doanh nghiệp thuê đất trong khu chế xuất, khu công nghiệp nộp trước cho Công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng và Công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng sẽ thay mặt cho các doanh nghiệp thuê đất thanh toán khi phát sinh dịch vụ duy tu, bảo dưỡng, tái tạo các hạng mục sử dụng chung trong khu. Về bản chất kinh tế, phí duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng không phải là khoản thu của ngân sách nhà nước và không phải doanh thu của Công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng.
Hiện nay, có nhiều Công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng có số dư tích lũy từ khoản thu phí duy tu. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp đã nộp phí duy tu, cũng như làm rõ trách nhiệm của Công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng sau khi Quyết định số 42/2008/QĐ-BTC và Quyết định số 43/2008/QĐ-BTC hết hiệu lực, cần có quy định chuyển tiếp đối với nội dung này.
Cụ thể như sau: Công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng quyết toán với Ban Quản lý toàn bộ hoạt động thu, nộp và sử dụng phí duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng. Số chênh lệch phí duy tu (nếu có) theo quyết toán, Công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng có trách nhiệm công khai và gửi vào tài khoản riêng về phí duy tu đã mở tại ngân hàng thương mại để quản lý, sử dụng cho hoạt động duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng trong khu theo Quy chế của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Về đảm bảo tính kế thừa các thỏa thuận đã được ký kết giữa Công ty phát triển hạ tầng và doanh nghiệp trong khu, theo Bộ Tài chính: Thỏa thuận về thu, nộp phí duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng là thỏa thuận dân sự giữa các Công ty phát triển hạ tầng và các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Tuy nhiên, thỏa thuận hoặc biên bản về thu phí duy tu đã căn cứ vào Quyết định số 43/2008/QĐ-BTC. Nay nếu không quy định gì về việc có tiếp tục thực hiện thu phí tại các hợp đồng hoặc biên bản thỏa thuận đã ký (Nghị quyết của Quốc hội thay Nghị quyết số 54/2017/QH14 chỉ có hiệu lực đối với các hợp đồng hoặc thoả thuận mới) sẽ có thể phát sinh vướng mắc hoặc phát sinh tranh chấp, nhất là có liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trong khu chế xuất, khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, cần có quy định chuyển tiếp đối với nội dung này.
Cụ thể: Nội dung về phí duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng tại các hợp đồng hoặc biên bản thỏa thuận đã ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực tiếp tục thực hiện nếu hai bên không có nhu cầu thay đổi hoặc chấm dứt.
Về xử lý số dư các Quỹ của Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và các khoản phí duy tu chưa nộp về Ban Quản lý, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, tiền phí duy tu được nộp về Ban Quản lý hàng năm là số thu từ năm trước liền kề. Theo đó, đến thời điểm ngày 31/12/2023, các Công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng mới nộp hết số phí duy tu của năm 2022 và chưa nộp số phí duy tu của năm 2023. Đồng thời, các Quỹ của Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh còn có thể tồn dư sau thời điểm ngày 31/12/2023. Theo đó, để bảo đảm quản lý chặt chẽ số dư các Quỹ, số tiền phí duy tu năm 2023 còn phải nộp về Ban Quản lý trong năm 2024 và tránh vướng mắc khi thực hiện, dự thảo Thông tư quy định chuyển tiếp đối với nội dung này như sau:
Số phí còn phải nộp về Ban Quản lý và số dư tại Quỹ khen thưởng và phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và Quỹ hỗ trợ hoạt động khu chế xuất, khu công nghiệp của Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 31/12/2023 được quản lý, sử dụng theo quyết định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Để đảm bảo tính liên tục, ổn định của chính sách, Thông tư dự kiến có hiệu lực đồng thời với thời điểm phát sinh hiệu lực của Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương