Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Di tích lịch sử gò Đống Đa được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (Ảnh tư liệu) |
Như một loan báo "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới", Việt Nam vừa trải qua 30 năm trường chinh, khi tiếng súng của cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa chấm dứt ở Đồng bằng sông Cửu Long, đã lại rộ lên tiếng súng xâm lấn của Khmer Đỏ ngoài biển đảo và biên giới Tây Nam.
Chấm dứt chiến tranh chia cắt, đất nước thống nhất nhưng hoà bình chưa yên, bởi "Giặc Bắc giặc Nam máu đầm biên giới; tay chống trời tay giữ đất căng gân".
Khi "Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương", là lúc "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh", cả nước lại vang lên Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; cả nước lại hành quân ra trận, không phải để lập chiến công giành kỳ tích trận mạc, mà là "Lịch sử đã trao cho Người một sứ mạng thiêng liêng: Mang trên mình còn lắm vết thương, Người vẫn hiên ngang ra chiến trường - Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc lập, tự do".Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết cho dân tộc bài ca ra trận, để mỗi người dân cầm súng giữ nước ngày ấy hòa cùng nhịp khi vào trận chiến mới. Lời bài hát như lời hịch kêu gọi cả nước lên đường, toàn dân ra trận bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bản hùng ca đang thôi thúc bỗng như trầm xuống với câu “Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương !” bởi Việt Nam lúc ấy đơn độc làm nhiệm vụ nhân đạo quốc tế để giải cứu một dân tộc láng giềng khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ, đồng thời lại phải chống cả người muốn “hỗ trợ”, “cứu chữa” cái chế độ diệt chủng tàn bạo ấy.
Lớp trẻ học sử ngày nay trở lại ải Chi Lăng xưa. Ảnh: VGP/Hà Minh Hồng |
Ngày 4/3/1979 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi: “Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ”. “Trước mỗi lần thử thách của lịch sử, cả dân tộc Việt Nam đều lớn mạnh lên, phát huy cao độ lòng dũng cảm, trí thông minh và tài năng sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu: tăng cường lực lượng vật chất và tinh thần để chiến thắng quân thù. Mỗi bản làng, xí nghiệp, hợp tác xã, thị xã, quận, huyện là một pháo đài kiên cường chống giặc. Mỗi tỉnh, thành là một chiến trường, cả nước là một chiến trường. Bất cứ nơi nào trên đất nước ta đều là những Chi Lăng, Đống Đa: sông biển ta đều là những Bạch Đằng, Hàm Tử”.
40 năm bài ca ra trận gợi lên một sự thật và gợi nhớ lời nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng nói như nhắc nhở: “Đã là lịch sử thì phải nhìn nhận nó với sự thật đầy đủ. Sẽ không thể không nhắc đến ngày 17/2/1979, ngày mà cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc đã nổ ra; ngày mà hàng ngàn con em chúng ta đã hy sinh để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Nhắc để dân ta nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc, như chúng ta đã và sẽ vẫn tôn vinh bao nhiêu anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc… ta tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù. Chúng ta biết sự thật, để hiểu đâu là lẽ phải và để rút ra bài học cho các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh phức tạp ngày nay”.